Những thứ bánh gói lá giản dị

,
Chia sẻ

Những chiếc bánh được làm với nguyên liệu từ lá luôn mang đến hương vị thật quyến rũ và riêng biệt.

Chiếc lá là tặng vật kỳ diệu của thiên nhiên. Từ chiếc lá trồng trong vườn nhà đến chiếc lá mọc hoang dã đều ẩn chứa những điều kỳ diệu. Từ xa xưa, người Việt Nam đã biết tận dụng công dụng của lá để làm phong phú thêm cho nền ẩm thực của mình.
 
Bánh khúc nóng thơm ngây ngất
 

Trong những ngày mùa đông lạnh giá, chẳng ai có thể thờ ơ khi nghe tiếng rao “bánh khúc nóng” vang lên trên con ngõ nhỏ. Bánh khúc, hay còn gọi là xôi khúc, xôi cúc là món ăn đặc trưng của người dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Thứ bánh nóng hổi bao bọc một lớp nếp cái lót lá chuối xanh, thơm lừng ngây ngất cả ngày đông lạnh giá.

Khi những cơn gió cuối thu chuyển dần sang se lạnh, ấy là lúc mùa đông đã về. Trên những cánh đồng ắp gió heo may bừng lên một loài cây nhỏ xíu với lá xanh mươn mướt ánh nhũ bạc và chùm hoa vàng e ấp: cây rau khúc. Cây khúc nếp lá nhỏ, nhiều đốt nhiều cành, khúc tẻ lá to, ít lông nhưng thiếu mùi thơm. Để làm được mẻ bánh khúc thơm ngon, người dân quê phải chọn bằng được loại lá khúc nếp.

Bánh khúc nhân thịt đỗ
 
Từ tờ mờ sáng, những ngọn rau khúc xanh mơn mởn còn vương sương sớm được hái đầy ắp rổ. Cứ để nguyên cành, nguyên lá như thế luộc chín, rồi mới thái và giã thật nhuyễn. Cối lá xanh mềm quánh được trộn đều với bột gạo nếp thành một màu xanh mướt. Khối bột tròn xinh ôm lấy nhân đậu xanh, thịt ba chỉ ướp hạt tiêu thơm lừng.
 
Xếp vào chõ đồ, cứ một lượt bánh là một lớp gạo nếp làm áo cho chiếc bánh. Từng chiếc bánh nghi ngút khói được dỡ ra, đặt lên trên mảnh lá chuối vuông vắn. Màu xanh đậm đà của lá ấp ủ lấy chiếc bánh bọc hạt xôi nếp to tròn trắng muốt. Nhón một miếng bánh, vị thơm dẻo của nếp, cay nồng của hạt tiêu, đặc biệt là hương vị của lá khúc non như gói cả những hạt sương mai tinh khiết, gói cả cái ngọt lành của hạt phù sa nặng lòng đắp bồi cho bãi sông màu mỡ, sao mà khó quên đến thế.

Món ăn đậm chất thôn quê này chỉ trở nên đặc biệt nhờ hương vị đặc trưng của lá khúc. Có người thay lá khúc bằng lá su hào già, lá diếp… nhưng chẳng thể đánh lừa được vị giác của những người sành ăn. Không có lá khúc, cái hồn của món ăn tinh tế này không còn nữa.
 
 
Bánh ngải màu xanh đậm đà.
Ăn một miếng bánh, tưởng chừng như ta đang được nếm cả thiên nhiên trong lành, xanh mát
 
 
 

Thông tin thêm:

Mỗi năm vào tiết Thanh Minh, bánh ngải lại được bày bán ở khắp nơi trên đường phố Lạng Sơn.

Nếu có dịp ghé qua Lạng Sơn vào đúng khoảng thời gian đó, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món bánh độc đáo này.

Cũng có màu xanh đặc trưng của thiên nhiên, chiếc bánh ngải của người Nùng lại xuất hiện trong dịp tiết Thanh Minh. Đầu xuân, khi những cơn mưa phùn lất phất bàng bạc đất trời, đó là lúc người ta lên nương để hái về đầy ắp những gùi lá ngải non tơ, mươn mướt lông trắng tuyết. Loại lá làm thành món bánh độc đáo dâng cúng tổ tiên, làm ngày sum họp gia đình thêm đầm ấm.
 
Lá ngải non luộc chín trong nước tro bếp, nhưng phải là tro nứa hoặc tro vỏ đỗ xanh mới không làm mất đi hương vị đặc trưng của lá. Xôi nếp nương đồ chín giã nhuyễn trong cối đá với từng nắm lá ngải luộc chín nhừ, thật khéo, thật nhanh tay để xôi và bánh quyện vào nhau.
 
Thứ bột xanh mịn màng ấy được vắt thành bánh, bao lấy nhân mật mía ngọt sắc, vừng đen bùi bùi. Chạm tay vào da bánh mềm mịn, người ăn chỉ muốn ngay lập tức cắn một miếng. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát.
 
 
Bánh gai
 
Không có màu xanh của lá như bánh khúc, bánh ngải, lá gai xù xì thô nháp lại nhuộm chiếc bánh gai một màu đen tuyền bí ẩn. Cái màu đen của bánh ban đầu làm người ăn hơi e ngại, nhưng nếm thử một lần sẽ bén ngay cái mùi vị mộc mạc nhưng rất đỗi ngọt lành. Chiếc bánh gai bé nhỏ trông xấu xí là vậy nhưng phải trải qua biết bao công đoạn mới có được nó.
 
Từ việc chọn hái những chiếc lá gai non xanh, mỡ màng đến việc giã lá, luộc lá, trộn đều với bột, với mật mía, rồi lại quết nhuyễn… có khi mất cả ngày trời. Chiếc bánh đen tuyền, điểm hạt vừng lấm tấm như sao ẩn hiện giữa bầu trời đêm, gói lại bằng lá chuối tơ mướt dịu. Đây là đặc sản của vùng Ninh Giang–Hải Dương, Nam Định, và cả vùng đất xứ Thanh với bánh gai Tứ Trụ nổi tiếng.
 
 
Theo Tịnh Tâm
Thanh niên
Chia sẻ