Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất

Phương Phương,
Chia sẻ

Da trở nên nhạy cảm hơn, rạn da, ngứa, nổi mụn, nám sạm là tất tần tật những thay đổi của làn da khi mang thai mẹ bầu sẽ phải đối mặt.

Một trong những thay đổi của cơ thể khi mang thai dễ nhận thấy nhất là làn da. Trong suốt 9 tháng thai kì cùng với sự phát triển của thai nhi trong bụng, cơ thể mẹ bầu không chỉ thay đổi về vóc dáng mà làn da cũng sẽ có sự thay đổi rõ rệt ở một số vị trí. Đồng thời với sự gia tăng nhanh chóng của nội tiết tố ở thai phụ, sự thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai cũng như sự giãn căng của da bụng để giúp em bé phát triển, làn da của người mẹ sẽ có những biểu hiện không mong đợi.

Theo thạc sĩ, bác sĩ da liễu Judith Hellman đến từ Trường Y khoa Icahn (New York, Mỹ), khi mang thai nồng độ estrogen và progesterone thay đổi kéo theo sự ảnh hưởng đến thay đổi của làn da khi mang thai, xảy ra với hầu hết các thai phụ. Nhưng hầu hết những biến đổi trong thời gian mang thai sẽ biến mất sau khi sinh nở. Nhưng nếu mẹ không chăm sóc và nâng niu da ngay từ khi mang bầu thì làn da của mẹ sẽ khó phục hồi, săn chắc trở lại sau khi sinh.

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 1.

Khi mang thai, da của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết với các biểu hiện như ngứa, nám, sạm, rạn da, da nổi mụn...

Mẹ bầu hãy lưu ý những thay đổi của làn da khi mang thai và có biện pháp để bảo vệ thích hợp như sau:

1. Rạn da

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 2.

Da bụng người mẹ kéo căng tối đa để phù hợp với em bé đang ngày càng lớn dần (Ảnh minh họa)

Rạn da là hiện tượng khá phổ biến đối với các mẹ bầu. Gần 90% phụ nữ mang thai phải trải qua cảnh tượng những vết rạn nâu đỏ xuất hiện vằn vèo trên vùng bụng, hông, đùi, ngực như những chiếc mạng nhện dày đặc, đặc biệt là trong những tháng cuối của thai kì, khi mà em ngày càng lớn dần trong bụng mẹ. Tốc độ tăng cân cũng như số cân tăng của người mẹ sẽ là yếu tố quyết định mức độ rạn da, ngoài ra thì gen di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làn da của mẹ bầu bị rạn nhiều hay ít.

Giải pháp: Mẹ bầu có thể tập thể dục nhẹ nhàng để giữ cho làn da săn chắc, khỏe mạnh. Sử dụng các loại kem có chứa vitamin E và axit hydroxy alpha giúp ngăn ngừa các vết rạn da. Hoặc đơn giản là chỉ cần giữ tâm lý thoải mái và nghỉ ngơi điều độ, những vết rạn này sẽ mờ dần sau khi sinh.

2. Nám, sạm da

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 3.

Nám, sạm da là nỗi lo của không ít mẹ bầu (Ảnh minh họa)

Trong quá trình mang thai, các hắc tố melamin trong da tăng lên đáng kể khiến cho mẹ bầu xuất hiện các mảng da tối màu trên trán, má, cổ, nách, ngực. Các nốt ruồi và tàn nhang cũng trở nên đậm màu hơn. Làn da lúc này trở nên nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng hơn bao giờ hết từ tia cực tím. Có khoảng 50% trong số các phụ nữ mang thai mắc phải vấn đề về da này.

Giải pháp: Để bảo vệ làn da của mình tốt hơn, mẹ bầu nhớ bôi kem chống nắng (SPF>15), đội mũ khi đi ra ngoài hoặc dưới trời nắng để hạn chế tia cực tím và nguy cơ sạm da, nám da.

3. Da nhờn, nổi mụn

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 4.

Quá trình tăng sinh hormon khiến cho da của mẹ bầu tiết nhiều bã nhờn và dầu hơn, gây tắc nghẽn lỗ chân lông và rất dễ nổi mụn (Ảnh minh họa)

Rất nhiều mẹ bầu phải trải qua giai đoạn da bỗng trở nên bóng nhờn và rất dễ nổi mụn. Đó là kết quả của quá trình tăng hormone, kích thích da tiết nhiều bã nhờn và dầu, làm tắc nghẽn lỗ chân lông khiến da bị nhờn và có mụn.

Giải pháp: Để ngăn ngừa mụn và kiềm dầu cho da, mẹ bầu nên thường xuyên làm sạch da với sữa rửa mặt, xà phòng, hoặc chất tẩy rửa nhẹ nhàng phù hợp cho da, loại bỏ sạch lớp trang điểm trước khi đi ngủ. Mẹ bầu chú ý không sử dụng bất kỳ loại kem hoặc liệu pháp trị mụn nào nếu không được chỉ dẫn từ bác sỹ vì có một số loại hóa chất trong sản phẩm trị mụn gây ảnh hưởng đến thai nhi. Những nốt mụn này cũng sẽ giảm và biến mất sau khi mẹ sinh em bé.

4. Nổi gân xanh, gân đỏ

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 5.

Giãn tĩnh mạch là tình trạng phổ biến ở phụ nữ có thai do các mao mạch máu mỏng manh và dễ vỡ hơn (Ảnh minh họa)

Khi mang thai, các mao mạch càng trở nên mỏng manh, nhạy cảm và dễ bị vỡ ra dưới áp lực của quá trình tuần hoàn máu. Mao mạch bị vỡ là nguyên nhân xuất hiện những đường gân máu nhỏ trên má. Chúng sẽ từ từ biến mất đi khi các hormone trong cơ thể cân bằng sau khi sinh một thời gian. Còn hiện tượng mẹ bầu nổi gân xanh chính là do chứng giãn tĩnh mạch gây ra khi lượng máu trong cơ thể mẹ tăng lên để nuôi thai nhi và thường xuất hiện ở bắp chân, đùi, cổ, ngực.

Giải pháp: Để khắc phục những đường gân "mạng nhện" xuât hiện trên da, mẹ bầu nên chú ý không tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Đi bộ, tập cử động các khớp cổ chân, co duỗi để tăng cường lưu thông máu. Kê cao chân khi nằm sẽ làm cho các tĩnh mạch được nghỉ ngơi và giải phóng bớt áp lực lên tĩnh mạch chân.

5. Ngứa da

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 6.

Ngứa ngáy khó chịu là cảm giác chung của nhiều mẹ bầu do da bị khô trong thời kì mang thai (Ảnh minh họa)

Mang thai khiến da trở nên khô hơn kèm theo những cơn ngứa ngáy khó chịu, các vết rạn da cũng gây ngứa vô cùng bất tiện. Nhưng đây cũng là thay đổi khá phổ biến trong thai kì. Tuy nhiên nếu ngứa nặng vào cuối thai kỳ kèm theo buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, vàng da thì mẹ bầu nên liên hệ với bác sĩ ngay bởi đây có thể là dấu hiệu của tình trạng ứ mật, liên quan đến chức năng của gan, thận.

Giải pháp: Mẹ bầu nên uống đủ nước mỗi ngày vì nó khiến làn da của mẹ bầu đủ độ ẩm từ bên trong. Dùng kem dưỡng ẩm giúp làm dịu da, mềm da. Mẹ bầu cũng có thể thử tắm với bột yến mạch để cải thiện tình trạng ngứa ngáy khó chịu.

6. Đường sọc nâu chạy dọc dưới bụng

Những thay đổi của làn da khi mang thai, số 1 và số 2 là “kinh khủng” nhất - Ảnh 7.

Đường sọc đậm kéo dài trên bụng do sự thay đổi nội tiết tố và khi cơ bụng căng ra để chứa em bé (Ảnh minh họa)

Từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi, mẹ bầu bắt đầu thấy xuất hiện 1 đường thẳng sậm màu chạy giữa bụng dưới. Đường lằn bụng này hình thành do sự thay đổi nội tiết tố, khi cơ bụng căng ra và hơi tách biệt để tạo không gian lớn hơn cho em bé trong bụng. Đường sọc này có thể rộng đến 1cm và đôi khi kéo dài qua rốn.

Giải pháp: Đây là đường sắc tố tự nhiên nên mẹ không cần quá lo lắng và can thiệp gì vì nó sẽ tự nhiên mờ đi hoàn toàn ngay khi mẹ sinh bé.

Nguồn: Pregnancy, Baby

Chia sẻ