Những rắc rối điển hình theo từng tháng mang thai

GiangC,
Chia sẻ

Ngay cả khi sức khỏe tốt thì những rắc rối như bệnh tiểu đường, tiền sản giật, thai ngoài tử cung… cũng có thể xuất hiện bất ngờ.

Dưới đây là những biến chứng thường gặp theo thời gian thai kỳ:

Những rắc rối sức khỏe 3 tháng đầu

Ra máu: Nếu bạn ra máu nhiều, đau bụng dữ dội và cảm thấy như sắp ngất, bạn có thể mang thai ngoài tử cung. Ra máu kèm chuột rút có thể là dấu hiệu sảy thai. Trong khi đó, phần lớn các trường hợp ra máu đầu thai kỳ có thể tự hết. Tuy vậy bạn cũng không được chủ quan. Nếu thấy bắt đầu ra máu, bạn cần đi khám sớm.

Thai ngoài tử cung: Là thai phát triển bên ngoài tử cung. Nó có thể đe dọa tính mạng người mẹ. Những phụ nữ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn chlamydia hoặc nhiễm trùng, như viêm vùng chậu làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.

Những rắc rối điển hình theo từng tháng mang thai 1
Theo từng tháng mang thai, mẹ bầu lại gặp những rắc rối khác nhau. (Ảnh minh họa)

Sảy thai: Hầu hết các trường hợp là do bất thường nhiễm sắc thể, chứ không phải chuyện mà người mẹ ngăn chặn được.

Buồn nôn và nôn: Nếu nặng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nếu bạn không thể ăn, uống thứ gì, bạn có nguy cơ mất nước và suy dinh dưỡng.

Rắc rối sức khỏe 6 tháng còn lại

Tiểu đường thai kỳ: Ảnh hưởng tới 10% người mẹ. Nó có thể dẫn tới các biến chứng cho cả mẹ lẫn con. Bạn có thể được làm xét nghiệm tiểu đường trong 3 tháng giữa. Hầu hết người mẹ có thể tự kiểm soát tốt lượng đường trong máu bằng ăn uống và tập thể dục vừa phải.

Tiền sản giật: Cao huyết áp, sưng tay và mặt, protein trong nước tiểu, đau đầu… có thể do tiền sản giật. Nếu chưa tới ngày sinh, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ sức khỏe cho mẹ và bé.

Nghén kéo dài: Nghén nặng và dai dẳng có thể làm mẹ bị sụt cân và gây các biến chứng khác. Bác sĩ sẽ tư vấn dinh dưỡng và thuốc men cho người mẹ. Nhiều người phải nhập viện truyền nước. Thường thì nghén dai dẳng sẽ giảm sau tuần 20 nhưng có một số phụ nữ bị nôn trong cả 3 tam cá nguyệt.

Những rắc rối điển hình theo từng tháng mang thai 2
Khám thai theo định kỳ là cách để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. (Ảnh minh họa)

Ra máu nửa cuối thai kỳ: Ra máu kèm đau bụng có thể là nhau bong non, xảy ra khi nhau thai tách khỏi niêm mạc tử cung. Nguyên nhân khác bao gồm quan hệ vợ chồng. Nếu bạn lo lắng hay sợ hãi thì đừng ngần ngại đi khám.

Các vấn đề về nhau thai: Gồm nhau tiền đạo, nhau phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định cho người mẹ mổ đẻ.

Sinh non: Các cơn co thắt trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối có thể cảnh báo sinh non. Người mẹ có thể bị nhầm giữa cơn chuyển dạ giả và dấu hiệu sinh non. Nếu cơn co thường xuyên và tăng cường độ, nên đi khám sớm.

Yếu tố Rh: Xét nghiệm máu giúp kiểm tra Rh. Nếu mẹ mang Rh âm tính, còn con là Rh dương tính thì một loại thuốc được tiêm cho mẹ trong tuần 28 để ngăn sự gia tăng của các kháng thể.
Chia sẻ