Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa

Trang Linh (T.H),
Chia sẻ

Có những nghề một thời rất “hot”, nhưng đã mai một trong thời hiện đại. Những phụ nữ chốn kinh kỳ này, vì tấm lòng ái cổ, vẫn âm thầm giữ nghề cũ cho tương lai…

Người biến vải vụn thành hoa

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mai Hạnh (Hà Nội) đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề làm hoa lụa. Mẹ của bà, cố nghệ nhân Đông Dương Đoàn Thị Thái chính là người truyền nghề và đam mê cho con gái. Nghệ nhân Mai Hạnh tâm sự, cả đời bà luôn tâm niệm lời dặn của mẹ: mỗi bông hoa làm ra phải thể hiện tâm hồn trong sáng, phong thái thanh nhã trong đó. việc bà làm nghề, giữ nghề cũng như một niềm tri ân gửi tới mẹ.

Từ thời trẻ, bà Mai Hạnh đã nổi tiếng với Huy chương Vàng trong cuộc trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc với tác phẩm hoa dâm bụt bằng lụa. 35 tuổi, bà chính thức được phong tặng danh hiệu nghệ nhân và sau này là nghệ nhân ưu tú. Từ khi còn trẻ, bà đã được mời chu du đến Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Mông Cổ… để giới thiệu cũng như giảng dạy cho bạn bè quốc tế cách làm hoa lụa thủ công của Việt Nam.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 1
Nghệ nhân Nguyễn Mai Hạnh.

Cũng như những nữ nghệ nhân gắn bó với nghề truyền thống, nghệ nhân Mai Hạnh rất… cổ hủ. Trong thời công nghệ hiện đại, nghệ nhân Mai Hạnh vẫn tỉ mẩn với bàn tay để sáng tạo những tác phẩm của riêng mình vì theo bà, mỗi bông hoa phải là một sản phẩm độc bản, kể một câu chuyện riêng, mang tâm hồn riêng. Bà tự tin mình không bị cạnh tranh với hoa công nghiệp vì những bí quyết nghề nghiệp riêng có, những bông hoa của bà làm ra sống động và có hồn. Bà tin rằng, trải nghiệm cuộc sống và sự lãng mạn của người làm hoa mới quyết định cái đẹp của hoa lụa. Nó quan trọng hơn vẻ đẹp cân đối về mỹ thuật hay sự giống thật của bông hoa.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 2
Nghệ nhân Mai Hạnh hơn 50 năm gắn bó với nghề làm hoa lụa.

Ngoài việc bền bỉ giữ nghề, nghệ nhân Mai Hạnh còn truyền ngọn lửa đam mê cho những người yêu hoa lụa nghệ thuật, đào tạo thế hệ kế cận. “Học trò” đặc biệt nhất của bà có lẽ là cô con gái Minh Hằng. Chị đang theo chân mẹ nối tiếp nghề và tình yêu của cả gia đình.

Duyên nghiệp với nghề “hai que”

Giữa cuộc sống hiện đại với những sản phẩm công nghiệp, vẫn có một người phụ nữ Hà Nội kiếm sống bằng nghề đan áo, khăn len tay: bà Bùi Thị Dung. Thuở trẻ làm nghề dệt thảm, rồi thêu tay, đến năm 1995, bà Dung xoay sang làm nghề đan len. Hơn 20 năm gắn bó với que đan, bà bảo, bây giờ ở Hà Nội không còn nhiều người còn gắn bó với nghề tỉ mẩn này.

Điều đặc biệt nhất của người thợ đan có thâm niên hơn 20 năm với nghề này là bà không làm hàng đại trà mà chỉ làm hàng đặt theo yêu cầu của khách. Khách phải tự mua sẵn len (thường là xách tay ở châu Âu, Mỹ, Úc) và mang tới nhờ thuê bà đan theo mẫu sẵn hoặc nhờ bà tư vấn mẫu, họa tiết phù hợp với dáng người.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 3
Bà Bùi Thị Dung - người âm thầm giữ nghề "hot" thời bao cấp.

Để trụ được với nghề, ngoài sự đam mê, khéo léo và kiên trì, bà cũng phải “nạp” một lượng kiến thức lớn về thời trang, từ tài liệu hướng dẫn đan len thủ công cổ điển và hiện đại đến các tạp chí thời trang trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo và hợp mốt, đảm bảo “không đụng hàng”.

Mỗi sản phẩm, bà phải miệt mài với những que trúc, sợi len cả tuần, có khi 10 – 12 ngày để nhận về khoảng 500 – 800.000 đồng tiền công. Mỗi tháng, bà chỉ đủ thời gian đan được khoảng 4 – 5 sản phẩm. Bà Dung nhẩm tính, cả tiền công và tiền len, khách của bà phải chi từ 3 - 5 triệu đồng cho một cái áo, cái váy. Với số tiền đó, họ có thể mua được 3 – 4 cái áo len, váy may công nghiệp.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 4
Bà Dung tự tin, những sản phẩm tự tay mình đan ra "không đụng hàng".

Nhưng người phụ nữ này tiết lộ, khách của bà rất đặc thù, hầu hết là người khó chiều, kỹ tính và tinh tế, vì “đồ len đan tay không phù hợp với những người vội vã và xuề xòa, từ cách mặc cho đến giặt giũ, phơi phóng”. Bà cũng tự tin cho biết, nguồn khách khá đều nên ít khi bà có thời gian nhàn rỗi.

Bước vào tuổi lục tuần, bà Bùi Thị Dung chỉ trăn trở chưa biết truyền những bí quyết nghề nghiệp độc đáo của mình cho ai, vì mấy cô con gái toàn học Đại học ra, chẳng ai chịu theo nghề của mẹ.

30 năm vá víu kỷ niệm

Bà Nguyễn Thị Hồng – người vá thuê cuối cùng của xứ Hà thành - giản dị và lặng lẽ, miệt mài với đường kim mũi chỉ đã hơn 30 năm để vá víu lại những kỷ niệm của người đời.

Nghề vá quần áo thuê là một trong những nghề “hot” của thời bao cấp, khi cuộc sống còn khó khăn. Hồi ấy, nhiều cửa hàng ở phố Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Hòm, Hàng Gai… kiếm sống được với nghề. Bây giờ, cuộc sống phát triển, những nghệ nhân xưa chuyển sang làm nghề khác, cả Hà Nội chỉ còn mỗi bà Hồng bám trụ và sống được với cái nghề tỉ mẩn, cũ kỹ ấy.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 5
Bà Nguyễn Thị Hồng - "kỳ nhân" khâu vá Hà thành.

Vá quần áo không chỉ cần kỹ năng, con mắt thẩm mỹ, khéo léo mà còn thử thách lòng kiên nhẫn của con người nữa. Để mạng lại một vết rách to cỡ một đốt ngón tay, bà Hồng phải mất nửa tiếng đồng hồ, vì phải tỉ mẩn gỡ những sợi chỉ thừa ở mặt trong quần áo, so màu sắc, chất liệu vải, chần miếng vá rồi chọn đúng “mấu” sợi vải để khâu chìm xuống… sao cho chỗ rách trở nên lành lặn, kỹ càng đến mức, nếu không phải chủ quần áo hay người vá, khó có thể nhận ra được.

Hơn 30 năm làm nghề, bà chẳng nhớ nổi đã bao chiếc áo quần được “tân trang”, bao nhiêu lượt khách đã qua lại cửa hàng, dù trong số ấy có những người là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Bà ít khi nhận ra họ, chỉ khi họ tự giới thiệu hoặc hàng xóm nhận ra, bà mới biết. Bà chia sẻ, thu nhập mỗi ngày của bà khoảng 200.000 đồng, tính ra mỗi tháng ngót 6 triệu, không giàu được, nhưng cũng đủ lo cho gia đình.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 6
Xã hội phát triển, nhưng bà vẫn sống được với nghề mạng, vá quần áo. 

Với mong muốn giữ nghề cũ, vừa có thêm thu nhập, bà Hồng đang truyền nghề cho cô con dâu. Chị có sự nghiệp riêng, nhưng thi thoảng vẫn cùng mẹ chồng nối đường kim mũi chỉ, âm thầm lưu giữ nghề xưa.

Gia đình duy nhất “nuôi” thiên nga bông

Những năm đầu thế kỷ XX, các con thú được làm bằng giấy phủ bông là những món quà “xa xỉ” trong tết Trung thu, nhưng mấy năm trở lại đây, cả Hà Nội chỉ còn một gia đình duy nhất làm và bán mặt hàng này. Đó là gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm (phố Hàng Lược, Hà Nội).

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 7
Gia đình bà Vũ Thị Thanh Tâm là gia đình duy nhất ở Hà Nội còn "nuôi" thiên nga bông.

Bà Tâm đã ngoài 80 và có thâm niên hơn 60 năm làm các con thú phủ bông, mà đặc sắc nhất là thiên nga bông. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay và kiên nhẫn, qua nhiều công đoạn. Sau khi tạo hình phần thân bằng “phễu” giấy, nghệ nhân sẽ nhồi giấy hoặc bông vào rồi nén cho chắc. Đầu và cổ thiên nga được nắn bằng dây thép, quết hồ lên, sau đó “ốp” bông vào, vuốt cho phẳng rồi phết nước cơm phủ bên ngoài. Cuối cùng là gắn phần cổ vào thân rồi phủ bông toàn bộ phần thân thiên nga, gắn mỏ làm bằng giấy bóng kính đỏ và cánh cắt bằng xốp rồi “lót ổ”, trang trí cho tổ thiên nga.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 8
Chị Quách Thị Bắc - con dâu bà Tâm - chia sẻ, thu nhập từ thiên nga bông không nhiều nhưng hai mẹ con vẫn giữ nghề.

Thời hoàng kim, nhiều nhà ở Hà Nội bày bán các các hộp, giỏ thú phủ bông, “chạy” nhất là vào dịp Tết Trung thu. Bà Tâm kể, thời đó, một mùa Trung thu nhà bà bán làm và bán được cả nghìn hộp, còn chuyển cả vào trong Nam, luôn chân luôn tay mà không kịp bán. Bây giờ mặt hàng này ít được chuộng, cả Hà Nội chỉ còn bà và người con dâu Quách Thị Bắc còn bám trụ với nghề, mà mỗi mùa cũng chỉ bán được trên dưới 100 lẵng.

Người giữ bí quyết làm đẹp của hoàng cung

Công nghệ chế biến mỹ phẩm hoàng cung cho các công chúa, phi tần Huế xưa luôn được giữ kín. Mỗi thứ mỹ phẩm lại được giao cho một thị nữ tin cẩn phụ trách pha chế, sản xuất và truyền từ đời này sang đời khác. Một số bí kíp đã theo các cung nữ già về cõi vĩnh hằng, nhưng phấn nụ hoàng cung đã vượt ra được khỏi quy luật nghiệt ngã đó, từ cấm cung bước ra nhân gian và tồn tại cho đến ngày nay.

Người đầu tiên truyền thụ bí quyết làm phấn nụ hoàng cung ra ngoài là một cung nữ - mẹ của bà bà Trần Thị Thiểu, tên thường gọi là bà Hường. Sau khi già yếu, bà Hường lại truyền nghề cho hai người con gái là bà Trần Thị Tùng (con gái đầu) và bà Trần Thị Phương (con gái thứ 8).

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 9
Công thức độc đáo làm phấn nụ hoàng cung chỉ được truyền trong dòng họ và truyền cho con gái.

Sau khi được mẹ truyền nghề, bà Phương cũng theo chồng vào TP. Hồ Chí Minh. Ban đầu, bà chỉ giữ bí quyết này cho riêng mình, nhưng sau khi những người đồng hương yêu cầu bà làm phấn nụ để họ tiếp tục sử dụng, tiếng lành đồn xa, sản phẩm phấn nụ hoàng cung của bà đã được nhiều người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh biết đến.

Bà Trần Thị Phương cho biết, chỉ có loại nước mưa và khí hậu riêng của xứ Huế mới cho ra được loại phấn nụ tốt. Ngoài ra, hơn 100 vị thuốc bắc phải chế từ cây cỏ xứ Huế, lại cũng có cả những bí mật riêng, rất thiêng liêng, không tìm thấy ở nơi nào khác. Nghề làm phấn nụ chỉ được lưu truyền trong dòng tộc và chỉ truyền riêng cho con gái. Việc chế biến phải tiến hành ban đêm, yêu cầu người làm phải có tính nết hiền dịu, kiên trì, tịnh tâm, thanh tâm…

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 10
Chị Phương Khanh (bên phải) đang nối nghiệp mẹ giữ nghề quý.

Hiện tại, bà Phương đã truyền nghề cho con gái, chị Nguyễn Phương Khanh. Ngoài việc tiếp nối truyền thống làm và kinh doanh phấn nụ hoàng cung trong nước, chị còn ấp ủ khát vọng đưa loại mỹ phẩm đặc biệt của Việt Nam này ra nước ngoài để quảng bá, kinh doanh.

Người đàn bà độc nhất làm trống “âm hồn”

Hơn 40 năm qua, bà Hồ Thị Thương là người phụ nữ duy nhất ở Huế làm trống thủ công. Sản phẩm của bà Thương được biết đến với tên gọi trống “Âm Hồn”, vì cửa hàng của bà nằm gần Miếu Âm Hồn (nơi thờ tự các linh hồn tha hương).

Bà Thương là con gái của nghệ nhân Hồ Khách, một nhạc công và cũng là nghệ nhân làm trống nổi tiếng dưới triều Nguyễn. Từ khi bà 10 tuổi, thấy con gái có vẻ thích học nghề gia đình, cha mẹ bà đã chỉ cho con những kỹ thuật cơ bản như học cách dùng các thanh gỗ vót nhọn thành đinh găm tròn xung quanh tang trống để giữ chặt lớp da trâu vào thành trống. Đến năm 25 tuổi, làm thuần thục công đoạn khó nhất của nghề bịt trống là bào da, bà Thương mới thực sự bước vào nghề. Đến nay, bà là người duy nhất của dòng họ và của đất cố đô biết làm trống. Nghề này, trước hai mẹ con bà Thương thì chỉ có nam giới, gần như không có phụ nữ làm.

Những phụ nữ kinh kỳ nặng lòng với nghề xưa 11
Bà Hồ Thị Thương - người phụ nữ duy nhất xứ Huế làm trống cổ.

Để có được một chiếc trống hoàn chỉnh, phải trải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được sử dụng làm mặt trống là da trâu cái đem bào hết lớp màng, sau đó ngâm nước, khử mùi, chống thối rồi phơi khô ba nắng. Bào da để làm tang trống là công đoạn khó nhất trong nghề, quyết định độ bền, tuổi thọ của trống, vì vậy, phải chú ý tùy theo loại trống để bào. Làm thân trống phải dùng gỗ mít vì loại gỗ này dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ. Gỗ được cắt thành nhiều khúc sau đó pha thành từng dăm (mảnh). Tùy theo kích cỡ của trống mới định ra bao nhiêu dăm, cũng như phải tính toán độ cong và độ dẻo của dăm để khi khép với thân trống vừa khít, không có kẽ hở.

Năm 2008, bà Thương được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mời phục chế trống treo ở Lầu Ngũ Phụng. Bà cũng nhận được những đơn đặt hàng làm các loại trống cho nhã nhạc cung đình Huế.


Cuộc thi PHỤ NỮ CHUẨN 10

Phụ nữ chuẩn 10 là cuộc thi do aFamily tổ chức với mục đích tôn vinh sự cầu tiến của phụ nữ Việt. 

  • Chủ đề cuộc thi: chia sẻ về những thay đổi trong cuộc sống (của mình hoặc những người phụ nữ xung quanh). Sự thay đổi đó có thể là những điều hết sức bình thường như cách vun vén gia đình, công việc nội trợ, niềm đam mê cá nhân... những thay đổi nhỏ nhưng mang lại giá trị tốt đẹp.
  • Giải thưởng:
Giải tuần: 12 giải cho 4 tuần (mỗi tuần ba giải)
03 bài viết được hay nhất trong tuần:
  • 01 Giải Nhất: 2.000.000đ tiền mặt + 01 tháng sử dụng bột giặt Ariel (tương đương 03 gói 800g bột giặt Ariel)
  • 02 Giải Nhì: 1.000.000đ tiền mặt + 01 tháng sử dụng bột giặt Ariel (tương đương 03 gói 800g bột giặt Ariel)

Giải chung cuộc: 5.000.000Đ tiền mặt + 03 tháng sử dụng bột giặt Ariel (tương đương 09 gói 800g bột giặt Ariel)


Chia sẻ