Những nguy cơ tiềm ẩn khi mang bầu “muộn”

,
Chia sẻ

Các bác sỹ luôn khuyến cáo phụ nữ không nên mang bầu sau tuổi 35. Nếu bạn vẫn dự định mang bầu sau tuổi 35, bạn cần biết đến những nguy cơ tiềm ẩn.

Tuổi tác ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh sản ở người phụ nữ. Lứa tuổi sinh con tốt nhất là từ 20-30 tuổi. Từ sau lứa tuổi đó đến tuổi 35 là “lứa tuổi mang thai già”, khả năng sinh nở của phụ nữ bắt đầu giảm dần chính vì vậy việc thụ thai sẽ trở nên khó khăn , thậm chí, nhiều nguy cơ tiềm ẩn với cả mẹ và con có thể xảy ra như sẩy thai, dị tật thai nhi, sinh khó.
 
Thống kê cho thấy, gần 15% phụ nữ bị sẩy thai dưới 35 tuổi, tỷ lệ sẩy thai tăng lên 20% ở độ tuổi 35-37, 25% ở độ tuổi 38-40 và 40% sau 40 tuổi. Tỷ lệ phụ nữ bị sẩy từ 2 lần trở lên không phải là hiếm.

Tỷ lệ thành công của việc thụ thai trong ống nghiệm cũng gặp khó khăn ở các cặp vợ chồng lớn tuổi.

Nguy cơ với mẹ

Sảy thai, sinh khó là những trường hợp rất dễ xảy ra với các bà bầu mang thai sau tuổi 35. Điều này cũng dễ hiểu vì tuổi tác càng cao càng đem lại nhiều phiền toái về  sức khỏe như tiểu đường, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, tiền sản giật ... ảnh hưởng đến quá trình mang thai cũng như sinh nở. Tỷ lệ mắc những nguy cơ này với phụ nữ mang bầu sau tuổi 35 gấp đôi so với những phụ nữ mang thai trong độ tuổi lý tưởng từ 20-30 tuổi.

Tỷ lệ bị sảy thai ở những phụ nữ sau tuổi 35 rất cao, tăng lên đến 20 %-40% so với các độ tuổi trước đó. Họ lâm bồn cũng rất khó khăn, thường phải mổ đẻ hoặc phải nhờ đến sự can thiệp của các bác sỹ như thúc chuyển dạ, gây tê ngoài màng cứng...
 
Nguy cơ với thai nhi

Nguy cơ chết lưu là vấn đề rất dễ gặp ở các bà bầu lớn tuổi. Theo thống kê, cứ 440 bà bầu mang thai ở tuổi trên 35 thì có 1 trường hợp bị thai chết lưu trong khi tỉ lệ này ở các bà bầu trẻ hơn là 1/1.000. Thủ phạm có thể là do sự biến đổi gien.

Ngoài ra, trẻ bị hội chứng Down, dị tật, bệnh bẩm sinh cũng thường gặp ở các bà mẹ lớn tuổi do sự biến đổi gien. Những nguy cơ này cũng càng tăng lên theo tuổi tác của bà bầu.

Cách khắc phục

- Bổ sung dinh dưỡng: Bổ sung dinh dưỡng trước, trong thời kỳ mang thai là việc làm cần thiết của tất cả các bà bầu và lại càng quan trọng hơn nữa đối với thai phụ mang thai muộn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Hai chất quan trọng cần bổ sung đặc biệt nhất là sắt và axit folic. Axit folic có tác dụng giúp giảm nguy cơ sẩy thai, sinh non, ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
 
- Khám tiền thai: Khám sức khỏe tổng quát trước khi mang bầu sẽ giúp nắm được tình hình sức khỏe hay bệnh lý của người phụ nữ. Từ đó đánh giá được những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng xấu đối với thai kỳ.
 
- Khám định kỳ: Khám định kỳ trong khi mang thai sẽ giúp bà bầu theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình và sự phát triển của thai nhi. Lần khám thai đầu tiên nên bắt đầu sau một vài ngày mất kinh. Sau đó khám thai 4 tuần/lần cho đến khi được 28 tuần. Khám thai 2 tuần/lần khi thai từ 28 - 36 tuần tuổi. Sau đó 1 tuần một lần cho đến khi sinh.
 
Với những bà bầu mang thai muộn thì lịch khám định kỳ có thể dày hơn hoặc khám theo lịch hẹn của bác sỹ.
 
Trong quá trình khám định kỳ, những tiến bộ y học như siêu âm, sinh hóa máu có thể giúp chẩn đoán trước khi sinh. Thông qua siêu âm đa chiều người ta có thể phát hiện được những dị tật như thai vô sọ, thai bị bệnh down, các dị tật ống thần kinh, dị tật tim, thai chết lưu... từ đó tư vấn cách điều trị sớm hoặc cần thiết nên phá thai. Còn chẩn đoán sau sinh là sau khi đẻ ra trẻ được lấy máu ở gót chân để làm xét nghiệm. Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh này sẽ giúp chẩn đoán sớm các trường hợp như hạ đường huyết, bệnh về chuyển hóa như khuyết men G6PD để được điều trị kịp thời, nếu không trẻ sẽ tử vong.
 
Hoàng Nhụy
Chia sẻ