Những “người đẹp dao kéo” và nghi vấn con bại não

Theo Nguoiduatin,
Chia sẻ

Hàng loạt những câu hỏi xung quanh "công nghệ" "lên đời" ngực lép thành ngực "no tròn" được phái đẹp đưa ra.

Mấy ngày qua, số bệnh nhân tìm đến khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh -Pôn) xin được tư vấn về nâng ngực tăng đột biến. Tuy nhiên, những bà mẹ trót nâng ngực trước khi lập gia đình lại lo ngại về biến chứng do nâng ngực - mất khả năng cho con bú, gây bại não cho trẻ. Với những phụ nữ chưa sinh con, thì sợ mất khả năng sinh nở...

Các bác sỹ xử lý hậu quả từ một bệnh nhân bơm silicon không đúng cách. Ảnh minh họa.

Nghi vấn sảy thai của những "người đẹp dao kéo"

Hôm chúng tôi đến, GS. Trần Thiết Sơn đang tư vấn cho một số trường hợp đã từng nâng ngực trước khi lập gia đình. Cũng trong lần gặp đó, chúng tôi được giáo sư kể cho nghe những câu chuyện bi hài xung quanh chuyện "nâng cấp" "cặp tuyết lê".

GS. Sơn kể rằng, hôm thứ 3, có một cô gái tên Nguyên Thu D (Hà Nội)  tìm đến bệnh viện khóc tức tưởi, cầu cứu "bác sỹ giúp cháu với" khiến các bác sỹ tưởng lầm cô gái bị mắc bệnh trầm kha". D lấy chồng từ năm 2008, trước đó một năm cô đi nâng ngực.

Từ khi lấy chồng đến nay, D đã mang thai 2 lần nhưng đều bị hỏng. Gia đình nhà chồng ngày càng ghẻ lạnh, vì nghĩ rằng con dâu "sát con". Nhưng, sau khi đọc thông tin trên mạng về việc một đứa trẻ bị nghi bại não do trước đó người mẹ đã đi nâng ngực - tiêm chất Amazingel vào ngực, D như "chết đứng". Cô trở nên hoang mang, tâm trạng bất an. D liên tưởng đến câu chuyện nâng ngực của mình và tá hoả đến bệnh viện xin phẫu thuật lấy bỏ túi độn.

Một bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ hài hước: "Sẽ còn nhiều "nghi án" xung quanh những "người đẹp dao kéo". Chuyện ca sỹ P.T.V, H.Q.H, T.T... được đồn đoán là đẹp nhờ phẫu thuật thẩm mỹ chẳng hạn. Họ đẹp lên nhờ dao kéo như thế nào thì tôi không quan tâm nhưng hậu quả từ làm đẹp không đúng cách, không đúng thời điểm chắc chắn sẽ xảy ra".

Nghe vị bác sĩ thẩm mỹ nhắc đến "những người đẹp dao kéo", tôi chợt nhớ đến thông tin một cô ca sỹ đẹp lên nhờ dao kéo, nhiều lần mang thai nhưng đều không giữ được sinh linh bé nhỏ. Nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh chuyện "người đẹp dao kéo" sẽ mất khả năng sinh con vì đã bơm các chất hóa học vào cơ thể gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai?

Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, GS. Thiết Sơn cho biết, có nhiều giả thiết về tai biến sau nâng ngực được phái đẹp đặt ra khi tiếp xúc với bác sĩ chuyên khoa. Những đồn đoán về việc nâng ngực sẽ làm mất khả năng cho con bú, gây ảnh hưởng đến trẻ như thiểu năng trí tuệ, bại não hoặc các dị tật bẩm sinh... cũng được họ thắc mắc.

Silicon lỏng có thể "chạy" khắp cơ thể

Trong cuộc trò chuyện với PV báo Nguoiduatin.vn, GS.Thiết Sơn cho biết, gần đây xu hướng phụ nữ mắc các chứng bệnh lạ, bất thường về vú (biến dạng) ngày càng nhiều. Bệnh viện Xanh - Pôn đã thực hiện phẫu thuật thành công cho một số phụ nữ, cắt bỏ ngực trái đã biến dạng đang bốc mùi... Hậu quả của sự biến dạng đó là do các bệnh nhân đặt niềm tin vào các cơ sở thẩm mỹ chui.

Nói về các tai biến có thể xảy ra khi nâng ngực, GS.Thiết Sơn liên tục nhắc đến hai từ "ám ảnh". Giáo sư kể rằng, phần lớn những bệnh nhân phải nhập viện điều trị đều do tiêm silcon lỏng (mỡ nhân tạo) trực tiếp vào ngực.  

Gần đây nhất, ngày 2/4, Bệnh viện Xanh - Pôn đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú cho bệnh nhân Hà Nhật M, (Hà Nội) do bơm silicon lỏng. Vì ước muốn biến "cặp tuyết lê" của mình căng tròn, M đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ. M mới nâng ngực được chừng một năm.

Sau 2 lần nâng, M mới có được bộ ngực lý tưởng như cô mong muốn. M hoan hỉ vì đi đâu cũng được khen ngợi. Thế nhưng, niềm vui chưa được tày gang, kết cục vòng một xẹp lép và biến dạng. M nhập viện trong tình trạng silicon biến chứng trong ngực.

Những cục silicon vón cục, gây đau nhức làm M phải mổ lấy bỏ silicon và phải cắt bỏ vú. Sau ca phẫu thuật, M luôn sống trong sự rầu rĩ, ám ảnh, vì cô đã tự hại mình và không còn khả năng cho con bú.

Cũng sống trong "những ngày đen tối" như M, bệnh nhân Nguyễn Thị H, 23 tuổi (Hà Nội) ngực cũng bị xẹp, dúm sau khi nâng ngực được 2 năm. Không dừng lại ở đấy, H đang "sống" với silicon. Không chỉ bơm ngực, nâng mông, H còn bơm silicon vào chân để có được đôi chân thon đều.

Trước khi nhập viện, trong lần phẫu thuật đặt túi độn ngực, H bị chảy máu xung quanh nơi tiêm silicon. Do không được xử lý kịp thời, nên ngực bên chảy máu và trở nên thâm bầm, tím tái, căng, gây đau tức. H phải "cắn răng" chịu đựng nỗi đau âm ỉ nửa tháng ròng. Sau đó 4 tháng, bên ngực chảy máu trở nên cứng hơn và biến chứng.

Theo các bác sĩ, chị H bị tụ máu sau khi phẫu thuật. Máu không thoát được hết ra ngoài, tụ lại bên trong gây sưng tấy và đau đớn. Các phần máu này đọng lại và tạo ra lớp xơ dày xung quanh túi độn ngực. Ngực méo mó, nhưng khốn khổ hơn là toàn bộ silicon được bơm ở mông, ở đầu gối của H đều đồn xuống bàn chân, gây biến dạng chân. Silicon đã vón cục ở bàn chân H.

Vài ngày tới, H được tiến hành phẫu thuật bóc toàn bộ dải xơ, hút bỏ silicon để lấy lại hình dạng bình thường cho đôi chân. Theo chẩn đoán, các bác sĩ sẽ phải hút ít nhất từ 5-6 lần dọc theo 2 cẳng chân mới có thể "diệt" hết silicon.

Bác sĩ Đình Minh cho biết, nâng ngực gặp biến chứng không phải là hiếm gặp. Tại khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh - Pôn cũng nhận nhiều bệnh nhân bị rò rỉ túi ngực, biến dạng ngực, đến chỉnh sửa, tạo hình lại.

Phần lớn, những bệnh nhân này tiến hành phẫu thuật nâng ngực ở những cơ sở không phải là bệnh viện. Đã có nhiều bệnh nhân sau khi nâng ngực ở các Trung tâm thẩm mỹ không đủ tiêu chuẩn đã phải cắt bỏ vú và sống chung với những vết sẹo chằng chịt, thậm chí đã có những trường hợp tử vong.

Sẽ gây bại não nếu bơm silicon trực tiếp vào máu

"Tiêm trực tiếp silicon vào ngực", mông, hay đầu gối đều nguy hại. Những chất này sẽ chạy vào máu, gây xơ cứng mạch máu, thậm chí có trường hợp chạy lên não gây hôn mê.

Còn với những phụ nữ vừa sinh con, mà trước đó đã tiêm silicon nâng ngực thì khả năng trẻ bú sữa mẹ, bú luôn silicon là chuyện rất dễ xảy ra. Và, silicon sẽ chạy dọc theo đường tiêu hóa, gây xơ cứng, giảm chức năng tiêu hóa của trẻ.

Tôi cũng xin khẳng định, không có khả năng gây bại não ở trẻ khi bà mẹ (đã từng nâng ngực -PV) cho con bú. Trừ khi bơm silicon trực tiếp vào máu của đứa trẻ thì mới chạy lên não".

(GS. Trần Thiết Sơn)
Chia sẻ