Những mối nguy hiểm từ món thịt vẫn ngày ngày xuất hiện trên mâm cơm của mọi gia đình

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Thịt lợn là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm hàng ngày của người Việt. Tuy nhiên, loại thịt này cũng có thể ẩn chứa nhiều rủi ro sức khỏe có thể bạn chưa từng biết đến.

Thịt lợn là một trong những loại thịt rất phổ biến, không thể thiếu trên mâm cơm hàng ngày của nhiều gia đình. Không những giàu dinh dưỡng, giá thành hợp lý, thực phẩm này cũng có thể chế biến thành nhiều dạng, nhiều kiểu khác nhau, đáp ứng nhu cầu, khẩu vị mỗi người. Tuy vậy, thịt lợn bán trên thị trường không phải lúc nào cũng sạch. Vì lý do lợi nhuận, không ít người chăn nuôi đã "bày đủ trò" với những vật nuôi này để thu về càng nhiều lợi nhuận trong thời gian càng ngắn càng tốt, từ việc sử dụng những chất cấm đến bơm nước vào lợn...

ăn thịt lợn

Thịt lợn chứa chất cấm chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe

Mới đây, thanh tra Bộ NNPTNT đã phát hiện một công ty thuộc địa phận huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã nhập khẩu tới 7 tấn Maxsure chứa chất cấm Cysteamine chỉ trong vòng 3 tháng. Giá mua vào là 4,1 triệu đồng/ gói 25kg ở miền Bắc và 5,5 triệu đồng ở miền Nam. Đặc biệt, thanh tra Bộ cũng phát hiện thấy khu vực Hưng Yên cũng dùng chất cấm Cysteamine với mức giá 6,5-10 triệu đồng/gói 25kg.

Được biết, chất Cysteamine hiện nay được trộn cùng cám luôn luôn cháy hàng vì đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi. Đây là một chất tạo nạc ở lợn nhưng nếu không được đào thải hết ra bên ngoài thì người ăn phải có thể mắc nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thông tin từ Viện Thú y cho biết, chất Cysteamine được các cơ sở chăn nuôi sử dụng như một phụ gia thức ăn chăn nuôi, nhằm kích thích tăng trưởng ở động vật nuôi. Nguồn cung của loại chất này chủ yếu được nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất cho phép sử dụng Cysteamine làm phụ gia trong thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Cysteamine không có trong danh sách được phép sử dụng của tổ chức CODEX - Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cũng cấm sử dụng chất Cysteamine làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Tuy vậy, việc sử dụng Cysteamine đang dần phổ biến, do Việt Nam đã khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol, nên các cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng Cysteamine nhập lậu.

Trả lời trên báo Nông nghiệp, GS GS.TS Vũ Duy Giảng - chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi cho biết: "Việc sử dụng Cysteamine khiến các hoóc – môn tăng trưởng bị gia tăng đột biến, kéo theo chất IGF-1 gia tăng, làm tăng tồn dư IGF-1 trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, tồn dư chất IGF-1 trong sữa có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt ở người. Trong khi đó, IGF-1 tồn dư trong thịt và phủ tạng lợn, gà có thể gây nguy cơ ung thư cho con người hay không thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và vẫn đang là mối nghi ngại lớn. Trong khi đó, các nghiên cứu trên chuột cho thấy, khi sử dụng Cysteamine, có thể sinh ra các dẫn chất khác như Toluen, Dopamin antagonist hay MPTP (1-methyl-4 phenyl 1,2,3,6 tetrahydropyridine) là các độc tố thần kinh gây viêm loét hành tá tràng ở chuột. Các thí nghiệm về độ độc của Cysteamine trên chuột cho thấy, mức độ gây chết 50% cá thể (LD50chuột) đối với uống là 625mg/kg thể trọng; tiêm tĩnh mạch là 190mg/kg thể trọng, tiêm phúc mạc là 250mg/kg thể trọng và tiêm dưới da chỉ là 84mg/kg thể trọng...

Ở Việt Nam, trước đây, cysteamine đã từng được phép sử dụng nhưng sau đó đã bị Bộ NNPTNT cấm nhập khẩu, lưu hành và sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi vì nhận thấy chất này có liên quan tới các yếu tố kích thích hormone tăng trưởng cũng như các nguy cơ sức khỏe con người. 

Trước đó hơn 1 năm, cả nước cũng bị rúng động với thông tin chất cấm salbutamol được sử dụng tràn lan từ nhà máy thức ăn chăn nuôi đến các trang trại. Cũng giống như cysteamine, chất salbutamol cũng là một loại chất tạo nạc, được trộn vào cám để tăng tỷ lệ nạc, giảm mỡ ở lợn. Chất tạo nạc salbutamol khi đi vào cơ thể con người có thể khiến nhiễm độc, gây rối loạn tiêu hóa, tuần hoàn, thậm chí bị ảnh hưởng tính mạng. Những triệu chứng thường gặp khi nhiễm salbutamol thường là nhức đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng hoặc hạ, run chân tay… Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường.

ăn thịt lợn

Thịt lợn bị tiêm thuốc ngủ, thuốc an thần

Vào ngày 19/4/2016, cơ quan công an thành phố Biên Hòa đã bắt quả tang cơ sở chăn nuôi đang tiêm thuốc vào bụng lợn. Theo cơ quan chức năng, lợn trước khi đem đi bán thịt, thường được tiêm một loại thuốc có tên Prozil 20 ml, Prozil fort có tác dụng giảm đau, an thần, chống co giật. Loại thuốc này được sử dụng nhằm mục đích tác động lên hệ thần kinh trung ương, an thần, chống các chứng co giật, giảm đau khi mổ, thiến hoạn lợn. Bên cạnh đó, nhiều người chăn nuôi tiêm loại thuốc ngủ này nhằm mục đích an thần cho lợn trước khi giết mổ, để tránh lợn bị kích động, la hét, giãy giụa khi di chuyển đến lò mổ có thể gây sụt cân, bầm dập, làm mất giá.

Việc tiêm thuốc ngủ cho lợn hết sức nguy hiểm vì bất cứ loại thuốc nào cũng đều có khả năng tích lũy trong cơ thể và gây hại. Đặc biệt, Prozil, loại thuốc mà người ta thường tiêm cho lợn là tên biệt dược của acepromazine, một hoạt chất gây nhiều nguy hại cho sức khỏe của con người.

Thịt lợn tiêm thuốc ngủ sau khi ăn nếu bị tích lũy trong người sẽ gây nên các hội chứng như đãng trí, run tay chân, thậm chí nguy hiểm hơn là bị hỏng xương, mục xương, ung thư tủy. Nếu dư lượng thuốc ngủ độc hại chưa được lợn đào thải hết, khi người tiêu dùng ăn phải loại thịt này sẽ gây rối loạn tiêu hóa, gây nhiễm độc nặng. Trẻ hấp thụ thực phẩm rất nhanh, nếu ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần sẽ dẫn đến hấp thụ thuốc nhanh. Lượng chất độc được hấp thụ trong cơ thể lớn sẽ dễ khiến trẻ bị nhiễm độc, rối loạn giấc ngủ, luôn quấy khóc, thậm chí làm giảm trí thông minh.

ăn thịt lợn

Thịt lợn bơm nước 

Tháng 3 năm nay, Công an tỉnh Bình Dương, Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở thu mua lợn thịt của ông Trần Quốc Thái (Bến Tre, tạm trú P.Hòa Lợi, TX.Bến Cát) và phát hiện 6 công nhân đang gắn vòi bơm nước, tiêm thuốc an thần vào 10 con lợn thịt. 

Trước đó trên cả nước cũng xuất hiện rất nhiều những vụ thịt lợn bị bơm nước nhằm tăng trọng lượng. Từ đầu năm đến tháng 10/2014, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra phát hiện 6 vụ heo bị bơm nước tăng trọng trước khi giết mổ. Riêng vào ngày 28/10/2014, Đội quản lý thị trường TP Biên Hòa đã bắt quả tang một cơ sở chăn nuôi trái phép đang bơm nước tăng trọng cho 200 con heo, trong đó 42 con đã hoàn thành công đoạn.

Mặc dù việc bơm nước vào lợn là hành vi gian lận thương mại, nhằm mục đích tăng trọng lượng thịt khi bán nhưng sức khỏe con người cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần nào đó. Nếu loại nước bơm vào thịt lợn là nước bẩn thì cũng đồng nghĩa với việc cơ thể bạn sẽ ăn cả số nước bẩn này vào người, kéo theo những nguy hại về mặt sức khỏe. Ảnh hưởng nhiều nhất và ngay trước mắt sẽ là những vấn đề ở đường tiêu hóa.

Đây chỉ là một số ví dụ về việc mua nhầm, ăn nhầm thịt lợn không đảm bảo chất lượng. Sự quản lý lỏng lẻo, hành vi gian lận ngày càng tinh vi khiến nhà nước không thể quản lý hết được chất lượng thịt lợn. Mặc dù vậy vẫn có một số mẹo hay giúp bạn tránh mua nhầm thịt lợn kém chất lượng.

Cách nhận biết thịt lợn sạch, không tiêm thuốc

- Màu sắc: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.

- Độ săn chắc: Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Trong khi đó, lợn đã bị tiêm thuốc, miếng thịt thường nhão, không có sự đàn hồi.

- Khi chế biến: Thịt lợn ngon khi chế biến sẽ săn lại, khi tẩm ướp gia vị thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.

ăn thịt lợn

Đối với thịt lợn không sử dụng chất tạo nạc, bạn cần lưu ý:

- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.

- Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.

- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.

- Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.

Ngoài ra, để tránh nguy cơ mua phải thịt lợn bẩn, người tiêu dùng cũng nên mua thịt lợn ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng, tránh mua ở những hàng quán vỉa hè, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn.
Chia sẻ