Những lưu ý khi tổ chức một hoạt động Montessori cho con bố mẹ cần biết

Hải An,
Chia sẻ

Một hoạt động Montessori có những đặc điểm rất riêng để đảm bảo đúng tinh thần giáo dục của phương pháp này. Bố mẹ cần hiểu rõ và nắm chắc những đặc điểm này nếu muốn dạy con tại nhà bằng phương pháp Montessori.

Đặt trẻ ở vị trí trung tâm và điều quan trọng nhất mà một hoạt động Montessori hướng tới. Để làm được điều đó, bố mẹ, thầy cô giáo thay vì can thiệp, dạy bảo trẻ quá nhiều thì cần dành không gian cho trẻ khám phá, tìm hiểu và tập trung quan sát trẻ cẩn thận hơn để có thể giúp đỡ trẻ khi trẻ cần.

Phương pháp Montessori 1

Một hoạt động Montessori có những đặc điểm rất riêng để đảm bảo đúng tinh thần giáo dục của phương pháp này. Bố mẹ cần hiểu rõ và nắm chắc những đặc điểm này nếu muốn dạy con và tổ chức các hoạt động, trò chơi tại nhà cho con bằng phương pháp Montessori.

Hướng tới trẻ: Các hoạt động Montessori đều mang tính tự thân, tự động viên, tự nỗ lực, tự giải quyết vấn đề. Trẻ được quyền lựa chọn việc mình thích làm trong số các hoạt động mà thầy cô hoặc bố mẹ đã chuẩn bị (đây chính là một ví dụ cho việc trẻ được thực sự tự do trong những giới hạn an toàn nhất định).

Hoạt động Montessori 2

Kiểm soát mắc lỗi sai: Học cụ và các hoạt động Montessori có đặc trưng rất dễ nhận thấy đó là chúng mang tính kiểm soát lỗi sai để khuyến khích trẻ tự học, tự khám phá và tự sửa lỗi.

Hoạt động Montessori 3

Kích thích sự phát triển của các giác quan: Bà Maria Montessori - người đặt nền móng đầu tiên cho phương pháp giáo dục Montessori thông qua việc quan sát trẻ tại các lớp học của mình đã phát hiện ra rằng trẻ học tập và phát triển trí não thông qua các giác quan. Do đó các hoạt động Montessori thường bao gồm các nhóm hành động hướng đến các giác quan để trẻ tạo ra các phản ứng dựa trên các giác quan của mình.

Hoạt động Montessori 1

Trải nghiệm thực tế: Trẻ học thông qua trải nghiệm và hành động thực tế. Một hoạt động Montessori sẽ giúp thầy cô, bố mẹ đưa ra cách hiểu đơn giản và dễ dàng nhất đối với những khái niệm trừu tượng nhất thông qua trải nghiệm trực tiếp.

Hoạt động Montessori 5

Tách biệt các khái niệm: Thông thường, các hoạt động Montessori tập trung vào một khái niệm duy nhất hoặc chia nhỏ các vấn đề phức tạp thành từng bước. Đôi khi các hoạt động dường như đơn giản, nhưng mục đích của một hoạt động nếu đạt được sẽ giúp trẻ hoàn thiện các bước trong quy trình tiếp theo phức tạp hơn của hoạt động đó.

Hoạt động Montessori 6

Hỗ trợ trẻ tự lập: Thầy cô, bố mẹ giữ vai trò là người quan sát trẻ trong một môi trường Montessori với các học cụ và hoạt động được tổ chức khoa học và sắp xếp gọn gàng. Trẻ học cách tự lập và tự tin vào bản thân thông qua các hoạt động được thiết kế một cách có trình tự, thân thiện và chứa đựng tất cả những gì cần thiết để giúp trẻ có thể tự mình hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động của mình.

Hoạt động Montessori 5

Củng cố sự tập trung: Hầu hết các hoạt động Montessori đều có thể được lặp đi lặp lại. Điều này, cùng với việc không bị sức ép về thời gian, cho phép trẻ phát triển sự tập trung và chú ý tối đa tới các chi tiết.

Hoạt động Montessori 5

Cuối cùng, điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ khi chúng thực hiện một hoạt động nào đó chính là sự tin tưởng và sự bao dung của thầy cô, bố mẹ đối với trẻ. Chính điều đó cũng là nền tảng để thầy cô, bố mẹ có thể thực hiện các nguyên tắc trên một cách tự nhiên và hiệu quả nhất.
Chia sẻ