Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt

TA (TH),
Chia sẻ

Ăn trộm, ăn cắp là những hành động hoàn toàn sai trái và rất đáng lên án. Tuy nhiên, một vài kiểu tự ý trừng phạt, "xử lý" những kẻ trộm cắp của người dân Việt cũng đang nhận được những ý kiến trái chiều.

Trói tay vào lan can, bắt cô bé học cấp hai đeo bảng "Tôi là người ăn trộm"

Đây là sự việc nổi cộm và gây nhiều tranh cãi trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội vài ngày gần đây. Khởi điểm từ bức ảnh được đăng lên facebook, trong ảnh, một cô bé đeo khăn quàng đỏ bị trói hai tay vào lan can, cổ đeo tấm bảng lớn "Tôi là người ăn trộm". Bức ảnh được chụp tại một siêu thị, người bắt trói và đeo bảng vào cổ bé gái là nhân viên, bảo vệ của siêu thị, sau khi bắt được bé ăn cắp hai quyển truyện trị giá 20.000 đồng.

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 1
Bức ảnh khiến Facebook dậy sóng những ngày gần đây.

Sự việc xảy ra tại Gia Lai, sáng 10-4 tại một siêu thị có tên Vĩ Yên. Khi được thầy cô mời lên nói chuyện vào ngày 14-4, S.- cô bé trong ảnh đã sợ hãi, òa khóc nức nở. Được thầy cô động viên tinh thần, em kể lại rằng mình trót lấy hai quyển truyện vì thích nhưng không có tiền trong túi.

Theo lời kể của bố mẹ S., mấy ngày nay em không dám gặp ai, khóc thét khi nghe đến chuyện đi học. Bố mẹ em có mang hai quyển truyện về cho em, tuy nhiên cứ nhìn thấy là em lại đòi đốt.

Sự việc trên dấy lên nhiều suy nghĩ trái chiều trong xã hội. Có người trách cứ, có người ủng hộ hành động của những nhân viên siêu thị kể trên.

Một vài người cho rằng hành động bắt trói, ép đeo bảng "Tôi là người ăn trộm" của nhân viên siêu thị là hành vi xúc phạm nhân phẩm nặng nề, ảnh hưởng tới tương lai của em nhỏ. Có ý kiến thay vì đối xử như vậy với bé gái, nhân viên siêu thị nên thông báo cho bố mẹ, trường học của em đến giải quyết, hoặc cùng lắm thì báo công an.

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 2
Chàng trai đeo biển "Tôi đã từng ăn cắp" trước một nhà sách tại Tp. HCM

Rất nhiều người đã hành động kịch liệt để phản đối các nhân viên của siêu thị Vĩ Yên. Ông Nguyễn Hùng Vĩ, quản lý siêu thị Vĩ Yên kể lại với PV một tờ báo: “Mấy hôm nay số điện thoại lạ từ khắp nơi gọi điện cho tôi rồi chửi bới, dọa nạt, nói đủ lời nặng nề về sự việc. Chúng tôi rất mệt mỏi và sẽ cho tường trình để xử lý nhân viên có liên quan”.

Ngày 15-4, chàng trai trẻ tên Tử Dạ đã đứng trước một nhà sách đang xây dựng ở Quận 1, Tp. HCM, với tấm bảng ghi "Hơn 10 năm trước, tôi từng ăn cắp sách tại đây và bị bắt. Nhưng không ai trói tôi và đeo tấm biển "Tôi là người ăn cắp". Họ răn đe và khuyên nhủ tôi như dạy dỗ con trai mình. Hãy vị tha và đối xử nhân văn với lỗi lầm của trẻ nhỏ!!!".

Tử Dạ nhấn mạnh rằng với tấm ảnh này, anh không cố tình gây sốc hay tạo sự chú ý. “Tôi cũng không đủ vĩ đại để mong nó tác động đến cộng đồng. Tôi chỉ muốn cảm ơn những người hơn 10 năm trước đây đã hành xử hết sức rộng lượng và nhân văn đối với một tên trộm.”- Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng, việc làm của nhân viên siêu thị không có gì quá đáng. 

Y.L, một nhân viên tại shop quần áo đăng trên trang cá nhân của mình: "Đừng nói vì còn bé mà phải bao dung. Trẻ con bây giờ rất khôn và ranh ma. Có gan ăn cắp là ghê gớm lắm. Mà con bé học cấp hai, mười mấy tuổi, cũng lớn rồi chứ chẳng phải nhỏ nhít gì. Có là người bán hàng mới hiểu được gặp lũ này khổ thế nào. Mình phải bỏ tiền ra đền cho chủ mấy lần rồi. Nhìn mặt thiên thần nhưng tậm địa ác quỷ..."
Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 3
Bình luận cho rằng phải phạt nặng để em bé nhớ đời của một vài độc giả

Một độc giả bình luận trên trang tin dành cho phụ nữ: "Dạ thưa những người thương xót em bé gái này, khi nó quyết định ăn cắp thì nó đã không thèm coi thể diện và tự trọng của nó ra gì rồi. Bản thân nó không coi trọng thì việc gì mình phải tôn trọng hộ nó...

Lên án những người sang nước ngoài ăn cắp nhưng lại thương xót những mầm mống đang được hình thành này có ngược đời quá không. Nếu nó thấy nhục nhã, thì hãy cho nó nhớ nỗi nhục nhã đó suốt cuộc đời để không bao giờ dám tái phạm.

Xin hãy nhớ câu: Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời".

Đây cũng không phải lần đầu tiên dân bắt được kẻ trộm, bắt đeo bảng rồi trói nơi công cộng. Tất nhiên, hành động này luôn nhận được những phản ứng gay gắt giống như vụ cô bé S. kể trên.

Tung video, ảnh kẻ trộm lên Facebook, nhờ "Nếu quen, tag vào cho nó biết mặt"

Hiện tại, hầu như các shop quần áo đều trang bị camera theo dõi rất hiện đại. Và khi có kẻ trộm, camera lập tức ghi lại, không rõ nét nhưng cũng đủ để nhận dạng. Rất nhiều chủ shop quần áo chọn cách tung những hình ảnh do camera ghi lại được lên mạng để vạch mặt. Có người còn "nhờ" những ai nhận dạng ra kẻ cắp tag nick facebook của kẻ cắp vào những hình ảnh trên "để dơ mặt", "để mọi người biết rõ nhân phẩm của nó".

Vụ việc nổi trội nhất, từng gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội, đó là chuyện một shop ghi hình lại được kẻ trộm. Chủ shop đăng status nói kẻ trộm phải đến trả lại đồ và xin lỗi, nếu không sẽ tung clip trộm đồ lên mạng. Người lấy đồ đã không tự đến, mà nhờ bạn mang đồ tới trả. Tuy nhiên, vì lý do người lấy trộm không trực tiếp tới trả, xin lỗi như điều kiện đặt ra, chủ shop vẫn tung clip lên trang fanpage của shop, sau đó clip lan nhanh trên mạng xã hội.

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 4
Một shop quần áo tung ảnh cắt từ clip nhờ cư dân mạng nhận dạng kẻ cắp.

Sự việc trên dẫn đến nhiều luồng ý kiến, người ủng hộ có, người phản đối cũng có. Rất nhiều người cho rằng chủ shop nên bao dung hơn, dù sao kẻ trộm cũng đã trả lại đồ. Các bạn theo "phe" này cho rằng có thể người trót lấy trộm đã ăn năn, chỉ vì quá xấu hổ nên đã không dám đến đối mặt với chủ shop.

Tuy nhiên, "phe đối lập" lại cho rằng, chẳng việc gì phải thương xót một kẻ cắp. Và nếu thực sự hối lỗi, kẻ cắp đã nhắn tin riêng xin lỗi chứ không phải im hơi lặng tiếng cho qua chuyện.

"Hội đồng" đánh chết kẻ trộm chó

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 5
Người dân xã Nghi Xuân (Nghi Lộc, Nghệ An) chặn xe cứu thương, đòi tiền khiến nạn nhân vừa bị họ đánh hội đồng tử vong do không được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 6
Thi thể kẻ trộm chó cùng chiếc xe máy bị người dân đốt cháy ngày 7/6/2010. Sự việc xảy ra tại xã Hưng Đông (TP Vinh, Nghệ An).

Vụ việc xảy ra vào ngày 29/8/2012 và TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vào ngày 28/3 vừa rồi. Đây không phải là lần đầu tiên những kẻ đánh trộm chó bị dân vây đánh chết, tại Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa,... cũng đã có những vụ truy đuổi, hội đồng kẻ trộm chó đến chết.

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 7
Hai "cẩu tặc" bị người dân đánh gần chết, được công an giải vây, đưa đi bệnh viện cấp cứu. Vụ việc xảy ra ngày 25/10/2012 tại Quảng Bình.

Sau phiên tòa xử vụ đánh trộm chó tại Quảng Trị, có đến 68 người dân đã nộp đơn tự thú. Họ cho rằng ngày hôm đó, cả làng cùng ra bắt trộm. Những tên trộm có hung khí nên họ cũng mang hung khí ra đề phòng. Tất cả mọi người đều đánh kẻ trộm, không nhiều thì ít, làm sao biết được nhát đánh nào đã khiến chúng tử vong???

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 8
Một đối tượng trộm chó bị người dân bắt giữ và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Vụ việc diễn ra ngày 6/1/2012 tại thành phố Pleiku. Ảnh: Công an thành phố Pleiku.

Bên dưới những bài báo về câu chuyện trộm chó này, độc giả bình luận rất căng thẳng và gay gắt.

Nhiều người, đặc biệt là những người nuôi chó, yêu chó cho rằng việc người dân cư xử như vậy là đúng. "Một mạng đổi một mạng. Đằng này kẻ trộm chó bắt cả chục, cả trăm con rồi giết nó. Đáng chết". - một thành viên bình luận trên mạng xã hội.

Một bình luận khác cay nghiệt hơn: "Đập cho nó chết, chả xót xa gì đâu, biết trộm sẽ bị đập gần chết sao vẫn còn làm. con chó cũng như 1 thành viên gia đình người ta, mà nó giết. Căm thù tụi này".

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 9
Một bình luận cho rằng "Chó hay người cũng là một con".

Rất nhiều người phản đối và khẳng định mạng người quý hơn mạng chó. Đặc biệt là trào lưu "tự thú" đã diễn ra bên dưới phần bình luận của các bài báo, cũng như trên mạng xã hội có chia sẻ thông tin về vụ việc này. Những lời như: "Tôi xin tự thú, tôi rất hay ăn thịt chó, mà nguồn gốc chắc cũng từ những kẻ trộm chó. Chẳng lẽ vì thế tôi cũng phải bị đánh hội đồng đến chết???" xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi.

Những kiểu trừng phạt kẻ trộm cắp gây tranh cãi của người Việt 10
Một bạn trẻ cho rằng "Cùng đồng loại sao phải sát hại lẫn nhau".

Một độc giả bình luận trên báo mạng: "Con chó nuôi vài năm yêu thế ai mà không tiếc, nhưng con người nuôi mấy chục năm càng tiếc hơn,..."

Anh K., phóng viên một tờ báo cũng bày tỏ ý kiến của mình: "Nếu dân cứ tự xử kẻ trộm chó, xã hội sẽ loạn".
Chia sẻ