Những khác biệt "một trời một vực" giữa các lần mang thai

Thùy Linh,
Chia sẻ

Bên cạnh những khác biệt về thể chất và sinh lý, sẽ có những khác biệt diễn ra trong chính suy nghĩ và lối sống của mẹ ở mỗi lần mang thai.

1. Tìm hiểu thông tin mang thai

Mang thai lần đầu, bạn hăm hở đọc tất cả các loại sách về mang thai, sinh con cho đến chăm em bé, hay tìm tài liệu về từng tuần thai xem con phát triển như thế nào.

Lần mang thai sau, bạn không dành nhiều thời gian để nghiền ngẫm sách báo như lần đầu, bởi bạn đã thuộc nằm lòng những gì cần biết, lại còn kinh nghiệm đầy mình nữa chứ. Thỉnh thoảng bạn còn chia sẻ kinh nghiệm mang thai trên diễn đàn hoặc cho những bà mẹ mới mang thai lần đầu.

2. Tham gia lớp học tiền sản

Mang thai lần đầu, bạn đăng ký tham gia một lớp học tiền sản và không bỏ bất cứ một buổi nào.

Lần mang thai sau, bạn sẽ nghĩ làm gì còn thời gian đâu mà đi học với hành cơ chứ? Những lớp học và hoạt động dành cho bà bầu thường chỉ toàn các mẹ lần đầu mang thai mà thôi. Bạn cũng chẳng cần phải chăm chú lắng nghe về việc chuyển dạ hay sinh con sẽ thực sự thế nào, bạn đã quá biết rồi mà.

3. Việc chuẩn bị phòng cho bé

Mang thai lần đầu, bạn mua sắm đủ thứ để trang trí phòng cho bé, thậm chí lau dọn tinh tươm và xếp đặt vị trí mọi thứ đâu vào đấy từ tuần thai thứ 25.

Lần mang thai sau, bạn sẽ nghĩ: "Phòng em bé hả?". Xem nào, bạn sẽ cân nhắc việc cho bé ở cùng phòng với anh chị, hay đặt ngay cũi bé trong phòng mình. Và cuối cùng, bạn sẽ chỉ mất cùng lắm là một tuần để lôi đồ sơ sinh của bé lớn ra để chuẩn bị cho bé sau, sau cùng chỉ phải mua mới vài thứ là đủ sẵn sàng cho em bé mới.

Những khác biệt

4. Chế độ dinh dưỡng

Mang thai lần đầu, bạn luôn cố gắng đảm bảo chế độ ăn của mình hoàn hảo nhất cho thai nhi, việc ăn uống thật là quan trọng với bà mẹ lần đầu mang thai.

Lần mang thai sau, bạn ăn những gì thuận tiện, thậm chí ăn nốt chỗ đồ ăn mà bé lớn không ăn hết. Ăn cho hai người thì cũng chỉ là ăn mà thôi.

5. Thăm khám bác sĩ

Mang thai lần đầu, chỉ một triệu chứng lạ nhỏ xíu xảy ra cũng đủ để bạn cuống quýt đi gặp bác sĩ phụ sản...

Lần mang thai sau, nếu chỉ cảm thấy hơi lạ một chút, không kéo dài và cũng không lặp lại, bạn nghĩ mình vẫn ổn và chẳng có gì phải lo lắng thái quá cả.

6. Nghĩ về em bé

Mang thai lần đầu, bạn nghĩ và nói về chuyện mang thai của mình suốt 24 giờ mỗi ngày...

Lần mang thai sau, bạn có nhiều việc khác để lo và nghĩ lắm. Bạn chỉ để tâm đến chuyện mang thai 2 lần trong 9 tháng. Lần đầu là lúc que thử lên 2 vạch và lần tiếp theo là khi bạn vỡ ối và phải đến bệnh viện sinh con.

7. Thai máy

Mang thai lần đầu, việc cảm nhận được cử động đầu tiên của em bé trong bụng khiến bạn ngừng ngay mọi việc đang làm, dù chúng quan trọng đến đâu. Trời ơi, đó là một điều hết sức kỳ diệu!

Lần mang thai sau, khi em bé bắt đầu cựa quậy đủ để nhận ra, điều đó vẫn thật tuyệt vời, nhưng bạn vẫn sẽ tiếp tục việc đang làm, bạn sẽ không ngừng lại để ăn mừng. Rồi những cú máy đó sẽ lặp lại ngày càng nhiều và càng mạnh thôi mà.

8.  Những kỳ vọng về em bé

Mang thai lần đầu, bạn nghĩ mình sẽ sinh ra một thiên thần, một thiên tài trong tương lai hay chí ít cũng hoàn hảo và đáng yêu không tả xiết...

Lần mang thai sau, bạn biết rằng trước khi bé trở thành một người vĩ đại trong tương lai, nhiều khả năng bạn sẽ có thêm một tên “giặc cỏ” khóc ngằn ngặt cả tiếng đồng hồ và tè dầm ướt sũng chăn đệm bạn vừa thay xong.



Cơ thể mẹ bầu có rất nhiều thay đổi trong quá trình mang thai. Bạn có muốn biết có thể mình thay đổi những gì không?
Những khác biệt
Chia sẻ