Những hậu quả kinh hoàng từ việc tự cho mình là "bác sĩ"

Bạch Dương (TH),
Chia sẻ

Ngại đi khám, cộng với tâm lý chủ quan, nhiều người đã tự mình chẩn bệnh, kê đơn, thậm chí tự bơm thuốc vào người.

Hậu quả là bệnh tình chẳng những không thuyên giảm, mà còn diễn biến theo chiều hướng nặng  thêm. Thậm chí, nhiều trường hợp đã phải trả giá bằng mạng sống của mình.

Sảy thai, tự ý truyền dịch, người ốm càng ốm

Vừa sảy thai 2 ngày, chị Thanh Thảo ở Ba Vì, Hà Nội đã phải đi làm. Không được kiêng cữ nhiều, lại ít chú ý bồi bổ sức khỏe nên chị Thảo luôn trong tình trạng mệt mỏi. Dù đã bỏ thai được mấy tháng nhưng chị vẫn gầy yếu, xanh xao và thường xuyên phải xin công ty nghỉ ốm.

Những hậu quả kinh hoàng từ việc tự cho mình là
Truyền dịch là phương pháp điều trị bệnh phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ mới có hiệu quả. Ảnh: Lê Hường

Nhớ lại một lần có chị ở công ty vừa ốm dậy cũng trong tình trạng người mệt mỏi, gầy yếu như mình nhưng sau khi truyền 3 chai nước hoa quả vào người thì khỏe lại, da dẻ mịn màng khác hẳn, chị Thảo liền nhờ cô y tá gần nhà đến truyền luôn với hy vọng tình trạng sức khỏe sẽ cải thiện. 

Truyền hết một chai, chị thấy vẫn bình thường nhưng khi truyền hết chai thứ hai chị thấy người mệt rũ, choáng váng. Nghĩ rằng do người yếu nên chị dừng lại. Tuy nhiên, càng nằm nghỉ chị càng mệt kéo theo những con buồn nôn, rồi nôn tại chỗ mãi không dứt.

Người nhà vội vàng đưa chị đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ kết luận chị bị sốc phản vệ do truyền dịch và nước hoa quả. Cũng may kịp thời đưa đến viện nếu không sẽ xảy ra nhiều tai biến nguy hiểm.

Bác sĩ Lê Thị Phương Huệ, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn khuyến cáo, bệnh nhân cần xác định rằng, việc truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ, để xác định tình trạng sức khỏe bệnh nhân chỉ định truyền những loại dung dịch phù hợp. Đặc biệt, cần tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối, nơi truyền phải đủ các điều kiện xử lý chống sốc đề phòng sự cố.

Một điều quan trọng nữa là người bệnh phải được theo dõi thật kỹ trong suốt quá trình truyền dịch, để khi xảy ra tai biến hay biến chứng sẽ được xử trí cấp cứu kịp thời.

Tự bơm silicon, biến “của quý” thành “của nợ”

Vì muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông, hơn 40 ngư dân đã thi nhau nâng cấp “súng ống” bằng cách tự bơm silicon vào “của quý” mình. Kích thước thì tăng đột biến, nhưng chẳng bao lâu, ai nấy đều méo mặt vì chẳng thấy cải thiện ở đâu, chỉ thấy tất cả phải nhập viện điều trị.

Khi chuyển lên khoa nam học Bệnh viện Bình Dân thì dương vật của các bệnh nhân đều biến chứng nặng có nguy cơ hoại tử.

Những hậu quả kinh hoàng từ việc tự cho mình là
Silicon lỏng bị Bộ Y tế cấm dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 1992. (Ảnh: Silicon được lấy ra từ cơ thể một người bị tai biến) - Nguồn: Người lao động

Những ngư dân này đã học theo một người trong làng đi TP.HCM về khoe học được thủ thuật “phù phép” hô biến “cậu nhỏ khiêm tốn thành khổng lồ” bằng cách dùng xi lanh bơm silicon vào dương vật.

Theo như những gì người này chia sẻ thì thao tác thực hiện giản tiện đến mức đứa trẻ cũng có thể tự làm được nên ai cũng hí hửng hưởng ứng và làm theo. Đám thanh niên trong làng hùn tiền mua một lượng silicon không rõ nguồn gốc từ TP.HCM về rồi tự bơm cho nhau.

Chưa dừng lại ở đó, một vài trường hợp còn liều lĩnh dùng dầu trét máy nổ đun nóng tạo thành chất lỏng rồi bơm vào “cậu nhỏ”.

Hành động nông cạn và thiếu hiểu biết này đã không đem lại kết quả như mong muốn. Không lâu sau những biến chứng nhanh chóng xuất hiện. “Cậu nhỏ” trở nên đau nhức với dấu hiệu sưng tấy, phù nề, tím tái, không thể quan hệ tình dục được, thậm chí có người còn bị hoại tử phần da. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng hết sức nguy hiểm, nếu không được phẫu thuật kịp thời có nguy cơ phải cắt luôn của quý.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện nay, có rất nhiều nam giới vì mong muốn cải thiện “diện mạo” cũng như “khả năng” của “cậu nhỏ” mà tự ý bơm silicon để tăng kích cỡ. Việc làm này vô cùng nguy hiểm.

Nếu không cứu chữa kịp thời sẽ có nhiều nguy cơ mất khả năng đàn ông vì silicon là chất ngoại sinh, khi vào cơ thể sẽ di chuyển đến các mô. Hơn nữa, silicon lỏng có chứa hóa chất gây dị ứng nên rất dễ gây biến dạng, tắc mạch ở “cậu nhỏ” gây nhiễm trùng, vào mạch máu sẽ gây tắc phổi, thậm chí có thể gây tử vong nếu bệnh nhân tiêm không đúng cách.

Thủng ruột thừa do tự điều trị

Viêm ruột thừa là một bệnh rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều người chủ quan với những triệu chứng của căn bệnh này. 

Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết các bác sĩ Khoa Siêu âm, Ngoại Tổng hợp của bệnh viện này đã phẫu thuật điều trị thành công trường hợp vỡ ruột thừa tràn mủ ổ bụng do nhập viện trễ.

Những hậu quả kinh hoàng từ việc tự cho mình là
Phát hiện bé D. bị thủng ruột thừa qua siêu âm - Nguồn: Người lao động

Bệnh nhân là cháu L.N.K.D (4 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Trước đó một tuần, bé D. bị tiêu chảy, sốt nhẹ nhưng người nhà chủ quan, nghĩ bị rối loạn tiêu hóa nên mua thuốc ở tiệm thuốc tây cho uống. 

Tuy nhiên, bệnh trạng bé D. không những không bớt mà bụng còn trướng nhẹ nên được đưa Bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bé D. bị viêm ruột thừa và nguy hiểm hơn là ruột thừa đã thủng, tràn mủ ra ngoài, phải phẫu thuật cấp cứu. Sau mổ, bé P. đã tỉnh táo, sức khỏe đã dần ổn định.

Theo các bác sĩ, trong y văn, viêm ruột thừa ở trẻ nhỏ rất dễ bỏ sót vì khi khám, trẻ không biết than đau như người lớn. Nhiều trường hợp trẻ không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ hoặc rối loạn tiêu hóa (ói, tiêu chảy) khiến việc định bệnh khó khăn. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm.

Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải, thường bắt đầu ở vùng quanh rốn, sốt nhẹ, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, bụng chướng. Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. 

Phần lớn trẻ có sốt nhẹ, khoảng 38 độ C – 38,5 độ C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng trướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn. Tiêu chảy có thể có hoặc không. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa.

Chết vì tự chữa bệnh dại bằng lá cây, đất sét

Sự ra đi đau đớn của anh Ng.M.H. (25 tuổi, Hớn Quản, Bình Phước) gần đây đã khiến người ta giật mình bởi sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân.

Theo đó, khi thấy con chó lạ chạy vào nhà đuổi cắn gà, anh Ng.M.H. đã bắt trói và bị chó cắn vào bàn tay phải. Anh H. đã đến trạm y tế xã để tiêm vắc-xin dại và được nhân viên y tế hướng dẫn phải lên huyện để chích huyết thanh kháng dại hữu hiệu hơn. 

Thế nhưng, thay vì đến trung tâm y tế dự phòng huyện, anh H. lại chạy xe sang nhà thầy lang N. gần nhà để... đuổi vi-rút dại ra khỏi cơ thể. Ông N. đã dùng loại cây mọc hoang trong rừng có tên dân gian là cây phèn đen, hái lá đập nhuyễn, lấy nước cho anh H. uống, rồi dùng bã lá để đắp vào chỗ chó cắn. Gần hai tháng sau, anh H. lên cơn dại với biểu hiện: mệt mỏi, chán ăn, sốt, liệt đường hô hấp, chảy đàm nhớt, yếu tứ chi, không uống nước được và đến ngày 19/3 đã tử vong.

Những hậu quả kinh hoàng từ việc tự cho mình là
Nhiều người trong cùng làng bị chó dại cắn (Ảnh tư liệu chụp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) - Nguồn: Phụ nữ online

Tương tự, em Lê Thị Ngọc N. (14 tuổi, ngụ ở U Minh Thượng, Kiên Giang) cũng tử vong sau gần bốn tháng bị chó cắn vì chữa bệnh bằng "bài thuốc" dân gian. 

Cuối năm 2012, Ngọc N. bị chó cắn hai vết vào khuỷu cánh tay phải. Gia đình của em N. không đưa em đi chích ngừa mà nhờ một cụ bà 70 tuổi gần xóm... lấy nọc bằng cách đắp đất sét. Đến đầu tháng 3/2013, em N. lên cơn dại với biểu hiện chán ăn, nhức đầu, vết thương do chó cắn bị ngứa và đã tử vong.

Nhiều người nghĩ đơn giản rằng, chó vừa cắn, không dễ gì mắc bệnh nên không quan tâm hoặc chăm sóc vết cắn một cách sơ sài. Tuy nhiên, đây là cách hiểu sai lầm. Khi bị chó, mèo cắn, nạn nhân cần xử lý vết thương bằng cách rửa thật kỹ nhiều lần, ít nhất năm phút bằng xà phòng đặc 20%, nước muối 0,9%, bôi cồn 70% sát khuẩn... để giảm tối thiểu lượng vi-rút xâm nhập. Sau đó, đến cơ sở tiêm ngừa bệnh dại. Với những người làm nghề thú y, người chế biến thực phẩm từ thịt chó mèo, phải tiêm vắc-xin ngừa dại để tránh phơi nhiễm. 

Chó mắc bệnh dại thường có biểu hiện như: trốn vào góc tối, kín đáo, đến gần chủ một cách miễn cưỡng hoặc tỏ ra vồn vã thái quá, thỉnh thoảng sủa vu vơ, tru lên từng hồi, nhảy lên đớp không khí. Sau thời gian, chó sủa người lạ dữ dội, chỉ cần tiếng động nhẹ cũng sủa kéo dài. Vài ngày sau, chó dại chảy nước dãi, sùi bọt mép, trở nên dữ tợn... Tuy nhiên, cũng có những con chó mắc bệnh dại nhưng không có biểu hiện điên cuồng mà chỉ buồn rầu, nước dãi chảy lòng thòng, con vật không tỏ ra hung hãn.

Chia sẻ