Những đứa trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình mình, ai sẽ đứng ra bảo vệ?

Tường Lam,
Chia sẻ

Những cái bạt tai nảy lửa, những cú ấn đầu vô tường tàn bạo… của ba mẹ dành cho bé, thì camera nào sẽ ghi lại, bản án nào sẽ được đưa ra? Mà có ghi lại, có kết án thì ba mẹ bé cũng sẽ nhân danh tình thương mà tự biện hộ cho mình rằng: "Tại nó hư quá, lì quá. Tại tôi nóng quá…".

Tôi không nói đến những cái tét đau vừa phải vào mông và bàn tay con, hay cái cốc đầu nhẹ. Tôi đang nói đến những hành vi bạo lực khiến đứa trẻ tổn thương nặng nề, có thể bị ám ảnh đến suốt cuộc đời, mà tác giả không ai khác chính là ba mẹ của bé. Khi clip bảo mẫu bạo hành trẻ tại một trung tâm giữ trẻ tư thục ở Đà Nẵng được đăng tải, chị hàng xóm của tôi - người hằng ngày túm chặt tóc đứa con gái 6 tuổi của mình giật liên hồi, ấn đầu bé vô tường rồi la mắng bằng những lời thậm tệ, đã phẫn nộ nói rằng: "Con bảo mẫu này phải cho đi tù, đi tù mọt gông!". Tôi thực sự không hiểu chị đã nghĩ gì lúc chị mạt sát người ta, vì những trận đánh chị dành cho con cũng ác ngang ngửa trận đòn trong clip bảo mẫu bạo hành trẻ.

Những đứa trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình mình, ai sẽ đứng ra bảo vệ? - Ảnh 1.

Có biết bao ba mẹ đã nhân danh tình thương để bạo hành đứa con mình dứt ruột đẻ ra, sau đó tự tin cho rằng mình nghiêm khắc, biết rèn giũa con, biết dạy con, và "thương cho roi cho vọt". Rất nhiều ba mẹ bạo hành con mình mỗi ngày và coi đó là chuyện thường tình nhưng lại lớn tiếng chỉ trích bảo mẫu bạo hành trẻ là "Đồ vô nhân tính", "Mặt người dạ thú", "Phải bỏ tù mọt gông".

Cái tát đau nhất chính là cái tát của người thân. Thế nên, cái tát bạn dành cho con, con sẽ cảm thấy đau hơn gấp ngàn lần so với cái tát của bất kì ai khác. Những trận đòn ba mẹ "tặng" con, có thể trở thành khoảng kí ức đen tối và hãi hùng, ám ảnh con đến suốt phần đời còn lại. Cô bạn thân của tôi đã dùng hết can đảm để chia sẻ về tuổi thơ chỉ toàn những trận đòn "để đời" của mình: Những cú đánh liên tiếp lên đầu bằng gáo múc nước của ba, những cú tát mạnh đến nổ đom đóm mắt của mẹ, và vô vàn những lời mạt sát "Ăn gì mà ngu thế?", "Nuôi mày thà nuôi con chó còn hơn. Con chó nó còn biết trông nhà. Còn mày, trông cửa hàng cho bố mẹ có năm phút cũng bị người ta vào lấy trộm cả chục trứng". Những lúc bị đánh đau quá, bạn tôi bỏ chạy ra khỏi nhà, vừa chạy vừa gào lên: "Cứu cháu với!". Không ai cứu bạn ấy cả.

Tôi còn nhớ, mấy cô hàng xóm vẫn nói đùa với bạn tôi rằng "Con Thúy nó bị ăn đòn nhiều quá rồi nên mãi mà không lớn được". Một lần, tôi buột miệng hỏi bạn "Mày có hận ba mẹ mày không?". Bạn tôi im lặng. Tôi biết, kí ức ấy là một vết thương sâu và không một ai có thể chịu đau cùng bạn.

Những đứa trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình mình, ai sẽ đứng ra bảo vệ? - Ảnh 2.

Cuộc sống thiếu thốn là lý do ba mẹ vẫn đem ra làm "khiên" che khi mỗi lần chúng ta nhắc lại những trận đòn nhớ đời ngày nhỏ. Bây giờ, khi cuộc sống đã đủ đầy hơn, thì stress vì công việc, con lì, con phá đồ… là những lý do để các ông bố bà mẹ lôi ra làm lá chắn cho những trận bạo hành con trẻ. Bạo hành như một căn bệnh "di truyền" từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác. Không ai lên tiếng để bảo vệ đứa trẻ, vì ai cũng cho rằng đó là một trong những phương pháp giáo dục con. Không ai muốn "ôm rơm rặm bụng", không ai muốn can thiệp vào chuyện riêng tư của gia đình người khác. Chỉ đến khi đứa trẻ bị thương nặng, thậm chí là mất mạng, mọi người mới xôn xao lên. Đến lúc ấy thì chúng ta còn cứu vãn được gì nữa?

"Tại sao con lại có vết sẹo trên trán/ tay chân/ da đầu… thế này? Con nghịch ngợm rồi bị thương à?". "Dạ không. Là ba mẹ đánh con đó". Nghe có đau không? Khi tôi cản bạn: "Bạn đừng đập đầu con mình vô tường nữa, đừng giựt tóc nó nữa. Điên lắm thì hãy đánh vào mông con thôi". Có thể bạn sẽ không nghe tôi đâu. Nhưng chí ít, mong bạn hãy lắng nghe trái tim mình. Đó là con bạn mà. Con còn nhỏ lắm. Bạn dùng sức mạnh của một người trưởng thành để tấn công một đứa nhỏ, có đáng không? Không. Thế thì còn nói gì đến việc dạy dỗ nó nữa?

Những đứa trẻ bị bạo hành ngay trong gia đình mình, ai sẽ đứng ra bảo vệ? - Ảnh 3.

Tôi vẫn thường tự hỏi: Tòa án nào đủ hiệu lực để kết tội những ông bố bà mẹ bạo hành con? Có lẽ chỉ có thể là tòa án lương tâm. Nếu không sớm nhận ra, thì đến một lúc nào đó, họ sẽ đánh mất đứa con của mình. "Yêu thương" không có nghĩa là có quyền đánh đập, chửi bới, dù với bất cứ lý do gì. Có rất nhiều những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt mà không cần những lời mạt sát hay những cái bạt tai. Bạo hành con trẻ, chẳng khác gì việc xối nước nóng lên một cái cây con. Cái cây con sẽ chết. Nếu sống sót, nó cũng khó để vươn lên một cách khỏe mạnh được. Liệu bạn có muốn nuôi lớn con mình bằng những kí ức đau đớn và tổn thương?

Chia sẻ