Những điều về ông bố đánh con, bắt con ăn phân

Hải Đường - Nguồn ảnh: Afamily.vn,
Chia sẻ

“Tưởng ai, thằng đó vào tù ra tội. Đến mẹ đẻ và con đẻ, nó còn hành hung không ra gì”. Đó là lời của những người dân xã Kỳ Sơn, huyện Tứ Kỳ nói về Nguyễn Văn Ngữ.

"Lúc bố cháu bị bắt chúng cháu rất vui…"
 
Người mẹ kế, chị Nguyễn Thị Nhâm không dám tiếp chúng tôi tại nhà chị (thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) và người chồng Nguyễn Văn Ngữ đang ở. Chị phải đến nhà mẹ đẻ của mình mới dám nói đôi điều về chồng.
 

Hai chị em Quỳnh, Khánh ở nhà bà ngoại.
 
Theo lời chị Nhâm, hôm bị phạt lột quần đứng ở cửa, cháu Khánh bị ngã bị rạn xương tay từ trước, anh Ngữ về có hỏi nguyên nhân nhưng cháu không nói. Ngữ vụt cháu và bảo: “Bố mày không thèm đánh mày nữa cho bẩn tay, tốt nhất mày cởi quần ra trả bố rồi đứng ở cửa đấy." Cháu lập tức cởi quần chịu phạt. Đúng lúc ở làng có đám ma đi qua, chị Nhâm khuyên chồng cho con vào nhà nhưng anh ta bảo: “Có thế nó mới biết xấu hổ, bài vở không làm, đánh không sợ, bảo không nghe”.
 
Chị Nhâm không xác minh việc anh Ngữ bắt hai cháu bé ăn phân. Nhưng Quỳnh và Khánh nói các cháu thường xuyên bị bố đánh. Trên người các cháu vẫn còn nhiều vết sẹo ghi dấu những trận mưa đòn. “Cháu nhớ, hôm đó bố giao việc nhưng cháu quên mất. Thấy bố về cháu mới nhớ ra và xin bố để con đi làm ngay. Nhưng bố cháu bắt ra nhà vệ sinh đúng úp mặt, sau đó bắt hai chị em cháu moi phân ăn, không ăn bố sẽ đánh. Mẹ Nhâm ra can ngăn cũng bị bố cháu đánh, rồi mẹ dạy chúng cháu cách moi họng để nôn hết ra” – Quỳnh kể.
 

Những vết sẹo từ lâu trên mông cháu Quỳnh.
 
Quỳnh chỉ bị ăn phân 1 lần, còn Khánh thì còn bị phạt thêm 2 lần nữa: một lần ăn phân người và một lần ăn phân gà vì bố kiểm tra thấy Khánh viết sai từ nên bắt ăn phân.
 
Hai cháu Quỳnh và Khánh đang ở nhà bà ngoại ở thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ. Hai cháu kể: “Lúc bố cháu bị bắt, chúng cháu rất vui. Nhưng khi nghe tin bố cháu được tha, chúng cháu rất sợ. Cháu chỉ sợ bố cháu lại bắt cháu về ở với bố. Ngày nào đi ngủ chúng cháu cũng phải dặn bà khóa cửa thật kỹ …”.
 
Người bố ngược đãi mẹ đẻ, vợ con với lý lịch vào tù ra tội
 
Nhà Nguyễn Văn Ngữ cách xa khu dân cư, cổng kín tường cao. Các cháu bị đánh đòn quá nhiều lì đến mức không còn biết khóc nữa. Thêm vào đó, bố các cháu đe dọa: “Nói ra ngoài nửa câu thì bố sẽ đánh mạnh hơn” nên chị em cháu cố chịu không dám kêu ai.
 
Nhiều khi bị ăn đòn các cháu còn không biết vì lý do gì. “Có hôm bố cháu đi chơi, dặn ở nhà cứ khóa cổng lúc nào bố về mới mở. Đêm bố về cháu ngủ say quá, bố gọi mãi không được, nhảy tường vào nhà cứ thế ông ấy lôi cháu dậy đánh, tát vào mặt cháu hộc máu mồm ra”.
 

Anh Lương Mạnh Hùng, trưởng công an xã Kỳ Sơn.
 
Bà Nguyễn Thị An, người thôn Xuân Nẻo kể: Hôm đó các cụ trong thôn cùng đi đưa đám ma. Nhà cháu Khánh nằm ở ngoài cánh đồng ngay gần nghĩa địa. Hàng trăm người đưa đám ai cũng tỏ vẻ không hài lòng. Có người dừng lại vào khuyên bố mẹ cháu cho cháu vào. Vậy nhưng, “đến khi đám về vẫn thấy thằng bé đứng đó. Một số người vào nhà xin bố cháu tha. Trưởng thôn, phó chủ tịch hội phụ nữ vào nói hết lời, hết lẽ nhưng mặt bố nó còn lớn tiếng quát to".
 
Bà An kể tiếp: "Có một lần tôi nhớ là anh Ngữ đánh cô Nhâm đến mức cô này phải bỏ đi khỏi nhà. Tìm không được vợ, anh Ngữ vào nhà bố mẹ vợ, bắt một đống gà ra chặt đầu rồi đe dọa bố: “Ông bà không gọi con ông bà về thì con gái ông bà cũng sẽ như những con gà này”. Thế là cô Nhâm phải quay về nhà ngay sau đó."
 
Đến xã Kỳ Sơn, quê gốc của Ngữ, anh Lương Mạnh Hùng, trưởng công an xã đã kể về những “thành tích” của Ngữ: Nguyễn Văn Ngữ sinh năm 1978 tại thôn Mỗ Đoạn, xã Kỳ sơn, huyện Tứ Kỳ đã từng 3 lần nhận án tù giam vì tội trộm cắp và hành hạ người khác.
 

Lý lịch trích ngang của Nguyễn Văn Ngữ.
 
Kết hôn với chị Phạm Thị Lư ở xã Ngọc Sơn không bao lâu, vợ chồng Ngữ dắt nhau vào Nam làm ăn. Hai vợ chồng có ba đứa con rồi về quê. Cả 3 đứa con của vợ chồng Ngữ không biết khai sinh ở đâu nhưng không phải ở xã.
 
Không biết lúc trước thế nào nhưng từ khi về quê Ngữ nhiều lần có hành vi bạo hành vợ, đánh con, ngược đãi mẹ đẻ. Hai vợ chồng dẫn nhau ra tòa li dị. Sau đó Lư lên Lạng Sơn buôn bán, còn Ngữ hoàn thành án xong lấy vợ ở Hưng Đạo. Từ đó đến nay không thấy về xã nữa, đất ông bà để lại cũng bán hết rồi” – anh Đàm Văn Hoàn, phó công an xã Kỳ Sơn cho biết.
Chia sẻ