Những điều khiến bạn ngạc nhiên tại các trường mầm non Phần Lan

Ngọc Khuê,
Chia sẻ

Mô hình nhà trẻ "chơi mà học" tại Phần Lan và sự ưu tiên hàng đầu dành cho niềm vui trong học tập từ giai đoạn đầu đời chính là lí do giải thích cho kết quả giáo dục ấn tượng tại Phần Lan.

Trường mầm non ở Phần Lan – một mô hình khác biệt hoàn toàn so với thế giới

Thông thường như chúng ta vẫn biết, có rất nhiều sự khác biệt giữa tiểu học và mầm non. Những trải nghiệm mẫu giáo trong những năm 90 giờ đây đã không còn đúng với hiện tại. Theo lời một cô giáo tại một trường mầm non ở Arkansas (Mỹ) chia sẻ: "Giờ học chữ hàng ngày thường kéo dài trong 3 tiếng rưỡi, 1 tiếng rưỡi dành cho toán học, 20 phút mỗi ngày dành cho hoạt động thể chất và 2 bài kiểm tra gồm 56 câu hỏi liên quan đến chữ cái và toán học vào tuần thứ 4 mỗi tháng".
 
Tại trường mầm non này, chính quyền địa phương và nhà trường đã kiên quyết di dời những giá búp bê và đồ chơi trong phòng trẻ vào năm ngoái, kèm theo một thông điệp rõ ràng: "Chơi đùa ở nhà trẻ là một sự lãng phí thời gian".
 
Các lớp học mẫu giáo tại nhiều nơi trên thế giới đang quá chú ý vào việc dạy trẻ đọc và viết.

Nhưng tại Phần Lan – đất nước nằm ở Bắc Âu với 5.5 triệu dân lại xây dựng một mô hình trường mầm non hoàn toàn khác. Đa số trẻ em Phần bắt buộc phải đi học tại những nhà trẻ công (thường được gọi là “tiền tiểu học”) vào năm 6 tuổi. Không những vậy, trẻ em ở đây dành phần lớn thời gian để vui chơi hơn là ngồi giải toán.

Buổi học của trẻ Phần Lan là một bài học lớn về giáo dục

Bước vào sân trường sáng hôm đó, chào đón tôi là một đội quân nhỏ những cậu bé từ 5-6 tuổi đang nối đuôi nhau đi tuần tra quanh dòng suối nằm sau trường mầm non Niirala (Kuopio, Phần Lan). Lúc 9.30 sáng, những cậu bé này được tập trung lại để thực hiện một hoạt động hàng ngày – Vòng tròn bình minh. Chúng chạy xung quanh sân bằng chiếc ủng cao su và liên tục nài nỉ giáo viên cho chơi thêm mặc dù 1 tiếng đồng hồ đã trôi qua. Khi chúng tập trung lại một hàng, tôi yêu cầu chúng thuật lại những điều chúng đã làm trên sân trường trong buổi sáng hôm đó. Mặc dù có nhiều câu trả lời khác nhau nhưng đa phần đều tập trung vào điều chúng làm được hơn là điều chúng học được.
 
Nhà trẻ tại Phần Lan tạo phần lớn không gian cho trẻ em vui chơi.
 
Anni-Kaisa Osei Ntiamoah - một cô giáo nhà trẻ có 7 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Trẻ em có thể học rất nhanh thông qua vui chơi. Chúng thậm chí còn không nhận ra rằng mình đang học bởi đã bị cuốn hút mãnh liệt vào điều mình đang làm rồi.

Khi trẻ em chơi là lúc chúng đang phát triển ngôn ngữ, kiến thức toán học và cả kĩ năng giao tiếp cộng đồng. Một nghiên cứu gần đây trong cuốn sách “Sức mạnh của vui chơi” (The power of play) khẳng định: “Dù ngắn hạn hay dài hạn, vui chơi vẫn có lợi cho trẻ về nhiều mặt, đặc biệt là sự phát triển nhận thức, cảm xúc và thể chất… Khi được tham gia vào những trò chơi hợp lứa tuổi, mong muốn học hỏi của trẻ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.”

Hoạt động học viết chữ chỉ diễn ra một ngày mỗi tuần. Reinikka – một người có kinh nghiệm quản lí nhiều trường mầm non tại Kuopio (Phần Lan) – khẳng định hầu như mọi giáo viên mầm non tại Phần Lan đều hiếm khi giao cho trẻ những bài tập cổ điển dùng giấy và bút.
 
Tại nhà trẻ Phần Lan, mỗi ngày là một câu chuyện hoàn toàn khác.
 
Thậm chí, ở đây còn không có thời khóa biểu cố định cho mỗi ngày. Thay vì lịch hàng ngày, họ sử dụng những bảng biểu theo tuần chỉ đánh dấu những hoạt động quan trọng mỗi ngày như: thứ Hai sẽ có dã ngoại, chơi bóng, chạy; trong khi thứ sáu sẽ chỉ dành cho tập hát và vui chơi.

Sau khi hoàn thành hoạt động Vòng tròn bình minh – khoảng thời gian cho trẻ tập hát đồng thanh, lũ trẻ sẽ tự động chạy đến những góc vui chơi ưa thích của chúng gồm: tạo pháo đài từ ga trải giường, vẽ tranh và làm đồ thủ công, chơi đồ hàng. Tôi thử đến mua hàng tại một gian đồ hàng nhỏ và đưa cho cô bé trông quầy một tờ tiền 10 Euro giả. Lúc này, giáo viên sẽ đến bên cạnh và giúp cô bé tính toán sự khác biệt giữa giá tiền đơn hàng của tôi và 10 Euro. Khi nhận được tiền thừa, đó cũng là lúc mà tôi biết rằng cô bé bán hàng đã học được một phép toán đơn giản.

Trong suốt thời gian quan sát, tôi nhận thấy những đứa trẻ thường tham gia vui chơi theo 2 cách: tự do sáng tạo (như cậu bé xây pháo đài) và được hướng dẫn tỉ mỉ (như cô bé bán đồ hàng).

Hóa ra, chính phủ Phần Lan yêu cầu giáo viên nhà trẻ phải mang đến thật nhiều cơ hội chơi mà học cho trẻ em tại trường. Vì thế, vui chơi đóng vai trò rất lớn trong chương trình giảng dạy được soạn thảo mới, sẽ bắt đầu có hiệu lực vào mùa thu năm sau.

“Vui chơi là một cách để trẻ em học hỏi"

Tại Mỹ, “niềm vui” dành cho trẻ mầm non dường như quá xa lạ. Nhưng tại Phần Lan, việc chú trọng mang đến niềm vui cho trẻ em vào giai đoạn giáo dục đầu đời mang ý nghĩa rất quan trọng. Thậm chí nó còn được viết và nhấn mạnh rõ ràng trong toàn bộ chương trình giảng dạy và phương pháp học tập tại đất nước này. Holappa nói: “Người Phần chúng tôi luôn tin rằng, học không bằng niềm vui thích thì rồi sẽ quên ngay.”
 
Những hoạt động ngoài trời cho phép trẻ tự khám phá tiềm năng và hứng thú của bản thân.
 
Nhưng không chỉ vui chơi, trẻ em Phần Lan còn tham gia học chữ thông qua những hoạt động nhỏ lẻ như vỗ tay theo nhịp bảng chữ cái vào mỗi sáng. Đây là một cách học hữu hiệu thông qua việc xây dựng nhận thức về âm vị (khả năng nhận biết âm thanh không thông qua chữ viết) – một khả năng được coi là nền tảng tối quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ trong tương lai.

Từng có một thời gian, chính phủ Phần Lan thậm chí còn cấm việc dạy đọc cho trẻ mầm non. Nhưng giờ đây, giáo viên mầm non tại Phần Lan có thể bắt đầu dạy trẻ tập đọc, miễn là chúng cảm thấy sẵn sàng và hứng thú.

Cha mẹ và giáo viên tại trường thường sẽ có một buổi gặp mặt vào mùa thu để đưa ra những kế hoạch học tập cá nhân cho từng trẻ. Những kế hoạch này được tạo nên dựa trên sở thích và mức độ hứng thú của trẻ trong việc học điều mới. Đối với những trẻ mới lần đầu tiếp xúc với việc đọc, dạy chúng theo cách vui vẻ không quá khó. Nhiều giáo viên đã dựa trên những tác phẩm của nhà nghiên cứu người Nauy – Arne Trategon – nhà tiên phong trong lĩnh vực học thông qua các hoạt động vui chơi.

Nancy Carlsson-Paige, giáo sư danh dự về giáo dục trẻ em tại Đại học Lesley (Mỹ) cho biết: “Chưa từng có bất kì một bằng chứng xác đáng nào về việc những trẻ em từng được học đọc ở nhà trẻ sẽ giỏi hơn những trẻ khác về lâu về dài.”
 
Hãy để trẻ em được vui chơi đích thực như những đứa trẻ.
 
Theo nghiên cứu của đại học Otago (New Zealand) về những đứa trẻ bắt đầu học chữ năm 7 tuổi và những trẻ học từ năm 5 tuổi. Đến khi lên 11, những học sinh từ nhóm 7 tuổi đã bắt kịp với nhóm 5 tuổi, thể hiện khả năng ngôn ngữ và đọc viết tương đương nhau.

Nghiên cứu này đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn. Nếu lợi ích có được từ việc học đọc lúc 5 tuổi không hề tồn tại, vậy liệu có bất lợi gì khi ép chúng học quá sớm hay không? Có lẽ mỗi người đọc đã có một câu trả lời riêng cho chính mình.

Vài nét về tác giả: Tim Walker là một giáo viên gốc Mỹ đồng thời là nhà văn đang sinh sống tại Phần Lan. Ông thường xuyên có những bài viết về chủ đề giáo dục trên Taught by Finland và nuôi dạy con trên Papa on the Playground.

(Nguồn: Theatlantic)
Chia sẻ