Những điều khác nhau cơ bản giữa vắc xin Quinvaxem và Pentaxim

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Nhiều ngày qua việc tiêm vắc xin Quinvaxem hay Pentaxim cho con đang là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha, mẹ. Tuy nhiên về tác dụng phòng bệnh và việc hai loại vắc xin này như thế nào nhiều bố mẹ chưa biết.

Theo Cục y tế dự phòng vắc xin Quinvaxem (trong Tiêm chủng mở rộng - TCMR) Pentaxim (tiêm dịch vụ) và Quinvaxem điểm  khác nhau cơ bản như sau:

Thành phần

Quinvaxem (TCMR): Thành phần kháng nguyên gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, Hib (Hemophilus influenza tuýp B). Thành phần ngừa ho gà trong văcxin này là toàn tế bào.

Pentaxim(Vắc xin dịch vụ): Bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt. Thành phần ngừa ho gà trong văcxin này là vô bào.

Tác dụng trong tiêm chủng

Quinvaxem (TCMR): Là vắc xin 5 trong 1, giúp ngừa 5 bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan siêu vi B, nhiễm khuẩn Hib. Mũi văcxin phòng bại liệt sẽ tiêm riêng.

Pentaxim (Vắc xin dịch vụ): Là vắc xin 5 trong 1, giúp ngừa 5 bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, nhiễm khuẩn Hib. Mũi văcxin viêm gan B sẽ tiêm riêng.

vắc xin Quinvaxem

Lịch tiêm

Quinvaxem (TCMR): Tiêm cho trẻ khi được 2, 3, 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại năm 2 tuổi.

Pentaxim (Vắc xin dịch vụ): Tiêm cho trẻ khi được 2, 3, 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại năm 2 tuổi và 5-13 tuổi.

Đáp ứng miễn dịch của vắc xin

Quinvaxem(TCMR): Đáp ứng miễn dịch tốt hơn vì chứa thành phần ngừa ho gà toàn tế bào.

Pentaxim (tiêm dịch vụ): Đáp ứng miễn dịch thấp hơn vì chứa thành phần ho gà vô bào.

Phản ứng sau tiêm chủng của hai loại vắc xin (sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc...)

Quinvaxem(TCMR) : Tỉ lệ trẻ sốt, sưng đau tại chỗ… cao hơn.

Pentaxim (tiêm dịch vụ):  Thì tỉ lệ trẻ sốt, hay sưng tại chỗ thấp hơn.

Phản ứng nặng sau tiêm: Cả hai loại vắc xin này có phản ứng sau tiêm tương đương nhau.

vắc xin Quinvaxem

Hình thức tiêm hai loại vắc xin này tại Việt Nam

Quinvaxem (TCMR):  Trẻ trong diện được tiêm chủng mở rộng sẽ được miễn phí hoàn toàn khi tiêm loại vắc xin này mà không phải chi trả bất cứ khoản chi phí nào

Pentaxim (tiêm dịch vụ):  Đây vắc xin mà trẻ tiêm theo hình thức dịch vụ và phải chi trả tiền và các khoản phí kèm theo

Quốc gia sử dụng: 

Quinvaxem: Loại vắc xin này được 94 nước trên thế giới sử dụng, trung bình hàng năm tại Việt nam có khoảng 4,5 triệu liều cho 1,5 triệu trẻ. Quinvaxem được sản xuất bởi công ty Crucell thuộc Tập đoàn Johnson & Johnson (Mỹ) và Công ty Chiron thuộc Tập đoàn Novartis (Thụy Sỹ), sản xuất tại Hàn Quốc.

Pentaxim:  được đăng ký lưu hành tại 99 nước, trong đó có 25 quốc gia khối thị trường châu Âu (EEA) và tại Việt Nam hàng năm trung bình tiến hành tiêm chủng 100.000 liều cho 33.000 trẻ. Pentaxim được sản xuất tại Pháp và Canada, bởi Công ty Sanofi Pasteur thuộc Tập đoàn Sanofi-Aventis (Pháp).

vắc xin Quinvaxem
Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng để phòng chống bệnh tật (ảnh minh họa)

Lưu ý trước  và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng 

Trước khi tiêm chủng

Không cho trẻ ăn, bú quá no, tuy nhiên cũng không để trẻ đói để tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng. Khi tiêm phòng, cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám, không mặc quần áo quá bó chặt, ủ ấm quá nhiều.

Chuẩn bị đủ hồ sơ sức khỏe của bé, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.

Trước khi tiêm nên trao đổi với bác sĩ những biểu hiện sức khỏe của trẻ, có bị suy dinh dưỡng, có mắc bệnh cấp tính (như sốt, viêm phổi, viêm phế quản...), tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn... để giảm đi những phản ứng bất lợi cho trẻ. 

Sau khi tiêm chủng

Sau tiêm vắc xin phụ huynh cần ở lại điểm tiêm và theo dõi trong vòng 30 phút sau tiêm. Phụ huynh khi đưa trẻ về nhà cần lưu ý phải theo dõi sức khỏe trẻ liên tục ngay cả khi trẻ ngủ và ít nhất trong vòng 1 ngày (24 giờ).

Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thay vì bị động chờ đợi vắc xin dịch vụ, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. 

Vắc xin Quinvaxem đã được đảm bảo an toàn và hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đăng ký được vắc xin dịch vụ nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường, thị trấn để được tiêm Quinvaxem kịp thời, bảo vệ sức khỏe của trẻ, phòng tránh nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng.
Chia sẻ