Những "chứng bệnh" tâm lý dễ mắc phải trong công việc

Song Thương,
Chia sẻ

Áp lực công việc luôn khiến bạn cảm thấy như sắp nổ tung và dễ mắc phải các biểu hiện tâm lý tiêu cực. Hãy rà soát lại sức khỏe tâm lý của mình và học cách “giải độc” hiệu quả nhé.

1. Biểu hiện của tâm lý tiêu cực

Mất ngủ, buồn phiền, hiệu suất làm việc thấp: Phần lớn thời gian nhốt mình trong văn phòng, thiếu ánh nắng mặt trời sẽ khiến bạn trở nên thiếu sinh khí, trí nhớ giảm, không tập trung, giải quyết vấn đề một cách do dự và hiệu suất làm việc ngày càng thấp. Ngoài ra, ban đêm bạn còn thường xuyên mất ngủ và sáng thức dậy với tinh thần uể oải.

Những
Mất ngủ, giảm trí nhớ, khó tập trung là một trong những biểu hiện tâm lý bất ổn do áp lực công việc - (Ảnh minh họa)

Tự ti, thiếu ý thức cạnh tranh: Khi làm việc, bạn hay than ngắn thở dài, cảm thấy mình lạc lõng, thua kém mọi người xung quanh. Làm việc không có tư duy sáng tạo, chỉ mang tính chất đối phó.

Tinh thần nhạy cảm, hay nghi ngờ: Trong quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên, bạn rất nhạy cảm, luôn cảm thấy hoài nghi với tất cả mọi người, cho rằng có ai đó nói xấu sau lưng mình. Bạn muốn giao lưu với tập thể nhưng lại không biết mở lời thế nào.

Lười nhác, tư duy trì trệ: Buổi sáng bạn luôn muốn ngủ vùi trên giường chứ không hồ hởi chuẩn bị cho một ngày làm việc. Bạn tư duy trì trệ, không phản ứng nhanh trước những vấn đề gặp phải, đối mặt với chuyện đột xuất không biết làm thế nào mới phải, không đưa ra được biện pháp hợp lý để giải quyết công việc.

Tính cách khép kín, tâm trạng hoang mang: Bạn thường không muốn mở miệng nói chuyện, đi làm rồi về một cách lặng lẽ và sợ tiếp xúc với người lạ. Tâm trạng luôn bồn chồn, bất an, làm việc cứ sợ sai và không phát huy được năng lực thật sự của mình.

Những
Khép kín, không trò chuyện cùng đồng nghiệp cũng là dấu hiệu cho thấy tâm lý của bạn bất ổn - (Ảnh minh họa)

2. “Giải độc” cho tâm lý

Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp: Cho dù bạn mạnh mẽ thế nào cũng khó tránh phải đối mặt với những áp lực tâm lý. Lúc này, nếu chỉ dựa vào sự kiên trì và cứng nhắc của bản thân để chịu đựng nó thì thật thiếu khôn ngoan.

Hãy kịp thời tìm cho mình nguồn trợ giúp tích cực, như nói chuyện với bác sĩ tâm lý, tập yoga, vui chơi với bạn bè, chia sẻ cùng người thân trong gia đình… Đồng thời, bạn cũng nên tự rèn luyện tâm lý tích cực cho mình, kết hợp với vận động cơ thể để duy trì một sức khỏe tốt, khi đó khả năng chịu áp lực của bạn cũng sẽ được cải thiện.

Đừng hà khắc với bản thân: Có những người tự đặt cho mình mục tiêu quá cao, khi gặp khó khăn và thất bại sẽ dễ mất hết ý chí, chìm vào những mê muội phiền não. Các chuyên gia tâm lý chỉ ra rằng, con người nên đặt mục tiêu và yêu cầu trong phạm vi năng lực của mình, biết cách cảm nhận cảm giác thành công mình đạt được, dù là những điều nhỏ nhất.

Khi bạn biết đòi hỏi lẫn thưởng thức chính mình thì tâm trạng sẽ được cân bằng, tự tin và thoải mái. Trong quá trình phấn đấu cho công việc và phát triển sự nghiệp, hãy phân tích khách quan tình trạng bản thân, điều gì có thể thay đổi và điều gì không thể thay đổi, nhất là phải làm rõ cho được công việc mà bạn muốn theo đuổi lâu dài là gì.

Những
Vui chơi cùng bạn bè, người thân là một cách để giảm bớt căng thẳng, áp lực trong công việc - (Ảnh minh họa)

Tìm ra ưu khuyết điểm của bản thân: Ngồi một nơi yên tĩnh, lấy giấy bút liệt kê mọi khuyết điểm của mình. Có thể bạn sẽ tìm ra được rất nhiều khuyết điểm, nhưng không sao, hãy lấy một tờ giấy khác, cố gắng tìm ra số ưu điểm bằng với số khuyết điểm đó.

Sau đó, ngày hôm sau lại viết ra thêm những ưu điểm khác mà bạn nghĩ ra được. Dần dần theo cách này, bạn sẽ học được cách đánh giá bản thân với thái độ tích cực nhất.

Chia sẻ