Những cách chữa bệnh bằng tỏi sai lầm nhưng nhiều người vẫn liều mình áp dụng

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Được coi là thuốc quý trong Đông y nhưng nhiều người hiện nay đang lạm dụng, có những cách chữa bệnh sai lầm từ tỏi, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Tỏi không chỉ là gia vị thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày mà còn là thuốc quý được tin dùng trong Đông y bao đời nay. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), tỏi có tên gọi khác là đại toán, thành phần chủ yếu là tinh dầu bao gồm nhiều chất allicin, vitamin A, B1, B2. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh tì và vị, có tác dụng trong tiêu hóa, hô hấp, giải độc, trừ đờm, lợi niệu, tẩy giun…

Những cách chữa bệnh sai lầm từ tỏi nhiều người vẫn  áp dụng - Ảnh 1.

Tỏi không chỉ là gia vị thường được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày mà còn là thuốc quý được tin dùng trong Đông y bao đời nay.

Chung nhận định, ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết thêm, tỏi đem lại rất nhiều tác dụng như: Kích thích tiêu hóa, hạ huyết áp, hạ đường huyết, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể - kể cả miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, chống lão hóa, chống ung thư

Tỏi là gia vị rẻ tiền nhưng lại có công dụng chữa bệnh tuyệt vời như vậy nên nhiều người tự ý sử dụng để bôi đắp, điều trị một loạt bệnh theo những kinh nghiệm truyền miệng mà không tham khảo ý kiến chuyên gia. Điều này đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Một số cách chữa bệnh sai lầm từ tỏi mà các chuyên gia Đông y đã từng gặp dưới đây là bài học xương máu cho mọi người:

Dùng tỏi đắp chân chữa ho, sốt

Gần đây trên Facebook đang rầm rộ câu chuyện trẻ bị bỏng nặng do đắp tỏi chữa ho, sốt làm nhiều bố mẹ phải kinh hãi. Theo đó, tài khoản facebook Sunny Lee (Hà Nội) kể lại rằng, con mình - bé Cỏ (9 tháng tuổi) được bà giúp việc đắp tỏi vào chân để chữa ho. Nào ngờ, điều này gây ra vết bỏng nặng, sâu, em bé phải nhập viện và tiến hành điều trị tích cực gần 2 tuần mới khỏi. 

Những cách chữa bệnh sai lầm từ tỏi nhiều người vẫn  áp dụng - Ảnh 3.

Hiện tại vết sẹo từ bỏng vẫn chưa hết dù mẹ bé đã điều trị tích cực, chăm sóc cẩn thận, thậm chí bôi những loại thuốc trị sẹo tốt nhất nhưng vẫn khó lòng mờ đi.

Trải qua sự việc nhớ đời ấy, chị Sunny muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình để góp thêm tiếng nói cảnh tỉnh đến nhiều cha mẹ, tránh trường hợp khiến con bị bỏng không đáng có.

Dùng tỏi chữa nấm móng

Với đặc tính kháng khuẩn và chống nấm cực mạnh, nhiều người truyền tai nhau sử dụng tỏi tươi giã nát và đắp vào khu vực bị nấm móng. Thông tin đăng tải trên Health cho biết, một người phụ nữ 45 tuổi bị bỏng cấp độ 2 sau khi cho tỏi tươi lên vùng da xung quanh móng chân để chữa nấm móng. Ngón chân của cô bị đỏ ửng, phồng rộp sau 1 tháng dùng tỏi tươi chữa nấm móng bằng cách đắp mỗi ngày 4 giờ.

Chưa hết, khi đi khám, xung quanh ngón chân đắp tỏi tươi còn xuất hiện những mụn nước sưng đau. Vùng da trên ngón chân sau khi rửa sạch với nước thì bị vỡ mụn nước, lớp da trên vùng nấm móng bị trầy trợt. Phải mất đến 2 tuần mới có thể chữa lành vết thương này, các bác sĩ khuyến cáo cô không được sử dụng tỏi tươi chữa nấm móng thêm lần nào nữa. 

Những cách chữa bệnh sai lầm từ tỏi nhiều người vẫn  áp dụng - Ảnh 5.

Với đặc tính kháng khuẩn và chống nấm cực mạnh, nhiều người truyền tai nhau sử dụng tỏi tươi giã nát và đắp vào khu vực bị nấm móng.

Dùng tỏi chữa nấm âm đạo, viêm âm đạo

Theo thông tin trên Facebook, một phụ nữ giấu tên đã tự chữa khỏi bệnh viêm âm đạo cho mình bằng cách dùng sợi chỉ cột chặt tép tỏi, luồn vào âm đạo để qua đêm và rút ra khi tỉnh giấc vào sáng hôm sau. Quy trình này được lặp đi lặp lại trong vòng nhiều ngày và người phụ nữ sau đó khẳng định đã chữa khỏi viêm nhiễm phụ khoa, không còn cảm giác ngứa ngáy, chảy dịch bất thường nữa.

Những cách chữa bệnh sai lầm từ tỏi nhiều người vẫn  áp dụng - Ảnh 6.

Dùng tỏi để chữa bệnh vùng kín hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều trên Internet.

Các chuyên gia y tế nói rằng, dù là đắp vào chân chữa sốt, đắp lên móng chữa nấm móng hay đặt sâu trong âm đạo chữa bệnh phụ khoa… thì cũng đều là cách làm phản khoa học, có thể dẫn đến bỏng da, thậm chí bỏng sâu, tình trạng bệnh thêm nặng nề hơn. Muốn chữa bệnh bằng tỏi thì cần phải tham khảo ý kiến chuyên gia Đông y để đúng liều lượng, đúng tình trạng bệnh, tránh hậu quả đáng tiếc.

Chia sẻ