Những bí mật cuộc đời Madam Nhu Trần Lệ Xuân (P1): "Đứa con gái bị hắt hủi trong dòng họ"

Anh Đào,
Chia sẻ

Bà Nhu đã nhớ về thời thơ ấu như một quãng thời gian đầy sự tức tối. Bà đã khao khát được yêu thương và chú ý biết bao.

Trước khi trở thành vợ của cố vấn chính quyền miền nam Việt Nam Ngô Đình Nhu, Madam Nhu có tên khai sinh là Trần Lệ Xuân. Bà sinh tại Hà Nội, là con gái thứ hai của luật sư Trần Văn Chương và bà Thân Thị Nam Trân (cháu ngoại của Hoàng đế Đồng Khánh). Được biết, mẹ của bà Trần Lệ Xuân đã sinh ra cô con gái đầu lòng Trần Lệ Chi năm 14 tuổi đồng thời rơi vào hố sâu tuyệt vọng khi Trần Lệ Xuân ra đời do áp lực sinh con trai nối dõi tông đường.

Trần lệ xuân
Hai vợ chồng ông Chương và bà Nam Trân, thân phụ và thân mẫu của bà Trần Lệ Xuân.

Đứa con gái bị dòng họ hắt hủi

Trong tác phẩm của mình, tác giả Monique Brinson Demery đã cắt nghĩa rõ sự chi phối của truyền thống Khổng giáo Á Đông tới khát khao có con trai nối dõi của công chúa Nam Trân rằng để con trai có thể chăm sóc cha mẹ khi già yếu và thờ cúng tổ tiên. Theo đó, cô con dâu sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc sinh ra được người thừa tự đó và chỉ được giải thoát khỏi vai trò người hầu kẻ hạ trong gia đình và sống là chính mình khi đạt được mục đích.

Nhưng thật không may, đến khi chào đời thì bà Nam Trân lại chỉ đưa đến cho gia đình ông Chương thêm một cô con gái cho nên từ nhỏ bé Lệ Xuân và mẹ không được hưởng một phút giây nào của niềm hạnh phúc. Hai mẹ con gần như bị giam cầm trong căn phòng tối tăm không một sự giúp đỡ. Tất cả những người mà họ được gặp chỉ là thầy bói và thầy lang nếu có vấn đề gì xảy ra.

Trần lệ xuân
Bà Trần Lệ Xuân chụp ảnh cùng mẹ.

Sau đó ít lâu, ông Chương được đề bạt một công việc mới tại Cà Mau. Ông mang cả gia đình đi theo và bỏ lại chỉ một mình Lệ Xuân. Hành động này của ông được miêu tả như là tờ “biên lai ở phòng giữ đồ” để đảm bảo rằng ông sẽ quay trở lại với cha mẹ, hay nói cách khác đây là cử chỉ tượng trưng để làm cha mẹ ông hạnh phúc.

Vốn đã mang trong mình sự thiệt thòi khi sinh ra không đúng với ý nguyện gia đình, bà Lệ Xuân bị bỏ lại và trả qua tuổi thơ theo chân những người làm vườn và thỉnh thoảng còn phải chăm sóc đàn gia súc. Cha mẹ bà hoàn toàn không ngó ngàng gì tới Lệ Xuân cho đến trận ốm thập tử nhất sinh. Họ trở về.

Khi Lệ Xuân khỏe lại, cả gia đình ông Chương lại khăn gói đến an cư lạc nghiệp ở tận Bạc Liêu. Lúc này, mẹ của Lệ Xuân mới tròn 20 tuổi nhưng đã làm chủ cả một cơ ngơi rộng lớn và đóng vai trò là người quán xuyến tất cả mọi chuyện trong gia đình. Bà Chương tự quản lý nhà cửa mà không phải để ý đến con mắt dò xét của đằng nhà chồng.

Tuy nhiên, cuộc sống của họ lúc này không còn những thú vui tiêu khiển hiện đại như thời còn ở Hà Nội mà thay vào đó là lối sống truyền thống đậm khuynh hướng Khổng giáo.

Trần lệ Xuân
Lệ Xuân đã từng bị cả gia đình bỏ lại quê hương và chỉ trở về khi bà ốm liệt giường, cận kể sinh tử.

Như đã đề cập ở phần trên, bà Trần Lệ Xuân được sinh ra không như sự mong đợi của gia đình nên là người có vị thế thấp nhất trong số các anh chị em. Bà đã kể về tuổi thơ của mình với sự bực bội và tức tối. Bà luôn bị bỏ qua nên chỉ khao khát điều duy nhất là được chú ý bằng cách khóc to hơn và làm việc chăm chỉ hơn. Cùng là phận con gái nhưng các sách vở đều ghi lại rằng chị của bà là Trần Lệ Chi luôn được ưu ái hơn bà Lệ Xuân trong mọi việc của gia đình.

Bà Lệ Xuân thậm chí đã bị em trai sai bảo kể từ khi còn bé. Cậu ta luôn dùng những động lệnh để nói chuyện với chị như một kẻ bề trên như “Ngồi xuống” hay “Đứng dậy”. Bà cảm nhận thấy như thể việc trêu trọc đó như trò tiêu khiển mà cậu em thường xuyên dành cho mình. Đương nhiên, trong đó không hề có một chút tôn trọng nào cả. Điều đó khiến bà tức điên và thường xuyên nghĩ rằng mình không đáng bị như thế và quyền hành trong tay bà phải nhiều hơn mức độ như vậy.

Ba chị em bà Trần Lệ Xuân được dạy dỗ bởi một vị gia sư già và lúc lên 5 tuổi thì khăn gói vào học trường nội trú cùng với chị gái. Ngay từ khi còn nhỏ như vậy, Lệ Xuân đã sớm bộc lộ trí thông minh và tài ứng biến hiếm có của mình khi liên tục xếp ở vị trí cao trong lớp học. Điều ấy không khó để các thành viên khác trong gia đình nhận ra, đặc biệt là cậu em trai thường xuyên bắt nạt bà.

Trần lệ Chi
Chị gái của bà Trần Lệ Xuân, bà Trần Lệ Chi được ưu ái, chiều chuộng hơn em ruột của mình rất nhiều.

Trong cuốn sách cũng kể lại rằng cậu trai duy nhất trong gia đình mặc dù rất thích có bà chơi làm bạn nhưng lại không thể chịu nổi sự ghen tỵ và ganh đua mỗi khi Trần Lệ Xuân thể hiện sự chênh lệch về đẳng cấp “đầu óc” với cậu. Vẫn là những thói quen từ ngày nhỏ, chàng trai liên tục tìm cách gây sự và đỉnh cao nhất là một lần cậu giật phắt phắt cây bút lông từ tay Trần Lệ Xuân và ném thẳng vào đầu bà. Mực chảy đầy trên mặt, Lệ Xuân tới gặp mẹ để cho bà thấy con trai bà không ngoan ngoãn chút nào nhưng đáp lại lại chỉ là hình phạt cho cô con gái nhỏ vì dám làm xấu mặt người thừa tự trong gia đình.

Đó đương nhiên chỉ là một trong rất nhiều các ví dụ về sự thiệt thòi mà bà Trần Lệ Xuân phải chịu đựng trong suốt thời thơ ấu của mình.

Trần lệ xuân
Chân dung bà Trần Lệ Xuân trên báo Life.

Lời tiên đoán về cuộc đời danh vọng

Trong cuốn sách về cuộc đời bà Trần Lệ Xuân, một trong những tình tiết độc giả khó có thể bỏ qua được đó là sự xuất hiện của nhân vật thầy bói trong gia đình quyền lực ấy. Theo truyền thống, khi một đứa trẻ ra đời, sẽ có một thầy bói đến xem tướng và xem giời sinh rồi phán về cuộc đời sau này của bé.

Khi nhìn thấy Lệ Xuân, thầy bói đã phải thốt lên rằng: “Thật là ngoài sức tưởng tượng! Ngôi sao chiếu mệnh của nó không thể nào tốt hơn”. Thêm vào đó, người này cũng đề cập đến mối quan hệ không mấy êm đẹp của Lệ Xuân với mẹ về sau này do sự ghen tỵ mà đấng sinh thành dành cho bà. Và lịch sử đã chứng minh cuộc đời đầy căng thẳng và ngờ vực mà Lệ Xuân đã phải trải qua với chính thân mẫu của mình.

Còn tiếp...

(Nguồn tham khảo: Sách Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng, tác giả Monique Brinson Demery, dịch giả Mai Sơn)

Chia sẻ