Những bẫy lừa dễ sập khi mua hàng qua mạng

Theo ANTD,
Chia sẻ

Chỉ với vài mánh lới lừa đảo đơn giản, rất nhiều người đã mất tiền oan vì mua hàng qua mạng. “Lướt” qua thị trường, dạo quanh các trang web mua bán thấy sự xôm tụ không thua gì việc kinh doanh “tiền tươi, thóc thật”. Trăm lời rao, nghìn lời PR, triệu triệu người “lướt” xem, cứ thế một vòng tròn mua - bán được thiết lập mà người mua không mấy khi hiểu rằng rủi ro luôn rình rập được tạo nên từ chính người bán.

Hầm bà lằng trên mạng

Từ những vật dụng nhỏ như que tăm, sợi chỉ…; to hơn chút là quần, áo, đồ dùng sinh hoạt, hoa quả…; lớn hơn nữa là đồ điện tử, xe máy, ôtô, nhà cửa… - tất cả những gì hiện diện trong cuộc sống đều được rao lên mạng Internet. Cũng chính từ nhu cầu cuộc sống, Internet bỗng dưng trở thành kênh mua bán của rất nhiều người, phục vụ đủ mọi lứa tuổi, gia tầng trong xã hội. Tiết kiệm được rất nhiều chi phí về mặt bằng, nhân sự, các website rao vặt để phục vụ mua - bán cũng từ đấy khu biệt thành những lĩnh vực riêng như chuyên đồ điện tử, điện thoại - bất động sản - ôtô, xe máy - đồ sinh hoạt, nội trợ…

Ngoài các trang web chính thức, rất nhiều forum (diễn đàn) cũng mở những topic (mục) rao vặt để phục vụ mua - bán trong kỷ nguyên công nghệ số mà thời gian được đánh giá còn quý hơn vàng. Để việc kinh doanh đi vào hoạt động, người bán chỉ cần có một tài khoản thư điện tử, truy cập vào những trang rao vặt để đăng ký, rồi kích hoạt để trở thành member (thành viên) là có thể rao bán bất kỳ một sản phẩm nào từ “chổi cùn, rế rách” đến những đồ xa xỉ như kim cương. Người mua cũng rất dễ dàng trong giao dịch, chỉ cần gọi điện, đăng ký mua, sau đó chuyển tiền sản phẩm order (đặt trước) và phí vận chuyển (nếu phát sinh) vào tải khoản ngân hàng của người bán. Sau khi kiểm tra tài khoản để xác minh tiền đã “lưu thông”, người bán sẽ chuyển sản phẩm cho người mua. Song, trên thực tế, rất nhiều người là nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng.


Thủ đoạn từ đơn giản đến tinh vi

Đơn giản nhất là lựa chọn một sản phẩm ưng ý bất kỳ, gửi tiền vào tài khoản ngân hàng trước và đợi… Hàng đang về. Ngày mai sẽ có người giao hàng tới đúng địa chỉ, tận tay người mua. 1 ngày, 2 ngày, 1 tuần… hàng vẫn chưa về. Có người may mắn hơn khi hàng đến tận tay nhưng lại không đúng với mẫu mã, chất lượng đã đặt hàng, mà là hàng dởm, kém chất lượng… Với tâm lý số tiền bị mất chưa quá lớn, thủ tục phức tạp, đa phần người tiêu dùng đều đành “ngậm ngùi” cho qua.   

Việc mua hàng qua mạng không ai dám tự tin khẳng định là mình sẽ không bị lừa. Với những chiêu trò khuyến mại, quảng cáo sản phẩm chính hãng, hàng xách tay, nhiều người vẫn rơi vào cạm bẫy đã được giăng từ trước. Một số sản phẩm đắt tiền, đa phần người bán chỉ yêu cầu chuyển ½ số tiền đặt cọc qua tài khoản, bao giờ nhận hàng sẽ trả nốt. Không ít trường hợp, ngay khi tiền vừa mới được chuyển, gọi điện thông báo với người bán thì chỉ nhận được những tiếng tút dài vô tận. Gọi đến số điện thoại địa chỉ đăng ký giao dịch cũng bặt vô âm tín, tìm đến tận nơi đăng ký trụ sở đều là những cơ sở… “ma”, lúc này người tiêu dùng chính thức bị lừa.

Hiện nay, những kẻ lừa đảo đã biến tướng các chiêu lừa thành nhiều thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng dù có khôn ngoan, tỉnh táo, thông hiểu và có kinh nghiệm mua hàng qua mạng cũng dễ dàng sập lưới. Cụ thể, đối tượng lập trang web, cập nhật sản phẩm (thực chất không có bất kỳ một sản phẩm nào), rồi quảng cáo. Người tiêu dùng lựa chọn, đặt mua sản phẩm sẽ chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng dưới một cái tên khác. Tiền được chuyển đối tượng sẽ rút toàn bộ số tiền, còn người mua thì cứ thấp thỏm chờ hàng trong vô vọng. Tinh vi hơn, các đối tượng còn tô vẽ các chiêu lừa đảo của mình dưới dạng “phát triển thương mại điện tử” để thực hiện mục đích bán hàng đa cấp để thu hút đông đảo số người tham gia trở thành thành viên…

Quyền lợi người tiêu dùng có được bảo vệ?

Đến thời điểm này chắc chắn chưa có bất kỳ một con số thống kê cụ thể nào về các vụ lừa đảo bán hàng qua mạng, nhưng các vụ việc được phát giác đếm không xuể. Trước tiên, một thực tế cần xem xét, đó là sự mọc lên nhiều hơn của các website, forum mua bán, rao vặt miễn phí thì trách nhiệm của các chủ các “cơ sở” trên vẫn là một dấu hỏi chưa có lời giải đáp; mặc dù sự tồn tại nội quy của các website, forum đều quy định rõ ràng: “Không đăng tin, rao bán hàng giả, kém chất lượng, sản phẩm trái phép…”.

Quy định là vậy nhưng thực tế việc thông tin cá nhân của người đăng ký thành viên, chất lượng sản phẩm quảng cáo cũng không có đơn vị lẫn cơ chế kiểm định, kiểm soát dẫn đến thực trạng từ nhân thân người rao đến sản phẩm hoàn toàn là ảo: tràn lan hàng giả, hàng kém chất lượng lẫn cả hàng trái phép vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Khi hành vi lừa đảo xảy ra, trách nhiệm bồi thường đối với các chủ thể vẫn chưa thực sự rõ ràng (?).

Luật sư Chu Mạnh Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định về khoảng trống trong giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) hiện nay: “Nhìn chung, cho đến nay, khung pháp lý về TMĐT ở Việt Nam cũng như các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT đã hình thành và tương đối phù hợp với xu hướng điều chỉnh pháp luật trên thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của CNTT, sự đa dạng của các giao dịch thương mại, các thủ đoạn tinh vi của tội phạm…; nhiều quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đã tỏ ra bất cập, cần được tiếp tục hoàn thiện hơn. Ví dụ như theo Thông tư số 46/2010/TT-BCT ban hành ngày 31-12-2010 của Bộ Công thương về quản lý hoạt động của các website TMĐT bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ đã có quy định trách nhiệm của các thương nhân khi tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trong đó quy định rõ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, Thông tư này lại không khẳng định chủ website có phải chịu trách nhiệm hay không. Hoặc một bất cập nữa là đối với các website mua bán, rao vặt miễn phí thì trách nhiệm của chủ website chưa được quy định rõ ràng”…

Luật có xử nghiêm?

Hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng không còn mới, các đối tượng này vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, để truy tố các đối tượng này không hề dễ, vì chủ yếu là giao dịch qua mạng nên chứng cứ rất khó chứng minh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có tâm lý “bỏ qua” do luật chưa rõ ràng và cũng không biết phải cậy vào đâu - Đó là nhận định chung của hầu hết giới chuyên môn khi nhìn nhận về vấn đề này. Hàng năm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận được rất nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua bán qua mạng với đủ trường hợp từ mua hàng kém chất lượng, hàng giả, hay mất tiền mà không có hàng... Tuy nhiên thực tế người tiêu dùng chưa được bảo vệ đến cùng.

Đối với những đối tượng lừa đảo, để bảo vệ người tiêu dùng, luật sư Chu Mạnh Cường khẳng định: “Pháp luật Việt Nam từ lâu đã có những chế tài xử lý. Đối với những trường hợp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý hình sự, cụ thể, Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Đối với các trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm (Ví dụ: Tài sản chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng mà người vi phạm chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản…) thì sẽ bị xử lý bằng các chế tài hành chính quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính”.

Mua bán hàng trên mạng là một xu thế tất yếu trong sự phát triển của xã hội mà chúng ta không thể không hướng tới. Khi tham gia vào giao dịch TMĐT, để tự bảo vệ mình, theo lời khuyên của những người nhiều kinh nghiệm, người tiêu dùng nên tham gia vào các sàn giao dịch có uy tín, đảm bảo quyền lợi cho người mua, hỗ trợ người tiêu dùng khi có sự cố xảy ra; Tìm hiểu kỹ thông tin về mặt hàng định mua; Lựa chọn người bán có đảm bảo, có uy tín; Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn; Cảnh giác với những lời chào mời đem lại những “lợi nhuận” bất hợp lý… Luật sư Chu Mạnh Cường đưa ra lời khuyên: “Trong trường hợp bị lừa đảo, bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng nên tố cáo ngay sự việc tới các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiện nay, Bộ Công an đã thành lập Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để giải quyết các vụ án mà đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao. Bên cạnh việc tố cáo tới các cơ quan bảo vệ pháp luật, người bị lừa đảo cũng nên đưa các thông tin vụ việc của mình công khai nên mạng để giúp những người khác có thêm thông tin, cảnh giác với các đối tượng, thủ đoạn lừa đảo”.
Chia sẻ