Nhiều doanh nghiệp thiếu đạo đức quảng cáo lôi cuốn trẻ em, cha mẹ mua các sản phẩm khiến trẻ bị béo phì

Bài và ảnh: Lê Bảo,
Chia sẻ

Đó là phát biểu của bà Phí Mai Chi (Chuyên gia về quyền trẻ em thuộc Bộ LĐ TB & XH) tại hội thảo "Phòng chống thừa cân béo phì trẻ em: Lời cảnh báo của chuyên gia" do Hội dinh dưỡng Việt Nam, Soha.vn, Báo điện tử Trí Thức Trẻ vừa tổ chức tại Hà Nội.

Trẻ nhỏ thừa cân, béo phì đang ở mức báo động

Sáng ngày 18/10 đã diễn ra hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu, doanh nhân, người nổi tiếng và các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng, Y tế đến từ Bộ Y tế, Hội Dinh dưỡng VN, Viện Dinh dưỡng VN, Bệnh viện Nhi TƯ, Hiệp hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam, lãnh đạo các trường phổ thông, mầm non, các hội cha mẹ học sinh và đông đảo người dân quan tâm đến dinh dưỡng dành cho trẻ em.

Nhiều doanh nghiệp thiếu đạo đức quảng cáo lôi cuốn trẻ em, cha mẹ mua các sản phẩm khiến trẻ bị béo phì - Ảnh 1.

Thừa cân, béo phì ở trẻ tại Việt Nam đang ở mức báo động.

Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá tình trạng lừa cân, béo phì ở trẻ em đang ở mức báo động ở thời điểm hiện nay. Đặc biệt tại các thành phố lớn thì tình trạng trẻ em gặp phải chứng thừa cân, béo phì lớn hơn nhiều so với các tỉnh thành khác.

"Béo phì gây ra nhiều hậu quả y khoa: Không dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh gan nhiễm mỡ do rượu - thoái hoa mỡ gan hoặc viêm gan nhiễm mỡ, tăng huyết áp, sỏi mật, đau đầu giả u não cơ học, chứng ngưng thở khi ngủ...", đó là lời cảnh tỉnh của TS. Từ Ngữ (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam).

Nhiều doanh nghiệp thiếu đạo đức quảng cáo lôi cuốn trẻ em, cha mẹ mua các sản phẩm khiến trẻ bị béo phì - Ảnh 2.

TS. Từ Ngữ phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, GS. TS Lê Thị Hợp (chủ tịch Hội Dinh dưỡng VN) cho biết: "Béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trường thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP.HCM đã tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua. Trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TP.HCM tăng gấp đôi".

Trong khi đó, Ts.Bs Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) lại cho rằng: "Theo nghiên cứu trên học sinh một số trường THCS ở TP.HCM, đa số khẩu phần năng lượng và một số vi chất của trẻ em học đường nói chung vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị 2016 của Viện Dinh dưỡng. Cũng theo một nghiên cứu khác trên học sinh một số trường tiểu học ở Hải Phòng cho thấy, việc tiêu thụ nước giải khát 1-3 lần/ngày làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ lên khoảng 2 lần".

Nhiều doanh nghiệp thiếu đạo đức quảng cáo lôi cuốn trẻ em, cha mẹ mua các sản phẩm khiến trẻ bị béo phì - Ảnh 3.

Ts.Bs Nguyễn Thị Lan Phương.

Theo TS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam) lại phát biểu: "Ở 8 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng… số lượng trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân ước tính có khoảng 100 nghìn trẻ nhưng trẻ thừa cân béo phì cũng đã sắp xỉ con số đó".

"Có thể nói, trẻ thừa cân béo phì là xu hướng đáng lo ngại không chỉ riêng Việt Nam và trên toàn cầu. Trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay chưa có châu lục nào hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự tăng lên của tỷ lệ thừa cân, béo phì", TS Trương Hồng Sơn cho hay.

"Nhiều doanh nghiệp quảng cáo thiếu đạo đức"

Phát biểu về điều này, TS. Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho hay: "Dùng quá nhiều nước ngọt có ga được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì bởi trong nước ngọt chứa nhiều đường đơn nếu tiêu thụ nhiều hơn mức 5% tổng năng lượng trong ngày như WHO khuyến cáo thì có thể gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn chất béo dẫn đến bệnh béo phì, nhất là ở trẻ em".

TS. Nguyễn Trọng Hưng cũng khuyến cáo: "Không nên khuyến khích trẻ uống nước ngọt có ga đều đặn và thường xuyên, tuy nhiên nếu dừng ở mức 1-2 lon/tuần thì có thể chấp nhận được. Tuy nhiên cha mẹ lưu ý là cần kiểm soát cả lượng bánh kẹo ngọt con ăn trong ngày, vì đường không chỉ đến từ con đường nước ngọt có ga. Nếu chỉ kiểm soát nước ngọt mà không kiểm soát những loại thực phẩm kể trên thì tổng lượng đường đơn trẻ tiêu thụ trong ngày rất dễ vượt mức cho phép".

Nhiều doanh nghiệp thiếu đạo đức quảng cáo lôi cuốn trẻ em, cha mẹ mua các sản phẩm khiến trẻ bị béo phì - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp quảng cáo thiếu đạo đức khiến trẻ và cha mẹ lệch lạc hành vi mua sắm.

Đặc biệt, tại hội thảo bài tham luận của bà Phí Chi Mai (chuyên gia về Quyền trẻ em, Bộ LĐ TB & XH) nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình. Bà Mai cho rằng: "Có thể thấy rất nhiều chiêu thức đã được doanh nghiệp thiếu đạo đức dùng để quảng cáo, lôi cuốn trẻ em và bố mẹ thực hiện việc tiêu dùng sản phẩm của họ như: Hù dọa cha mẹ về nguy cơ mắc bệnh, gây sốc, gây tò mò, để thúc đẩy hành vi mua sản phẩm; Lôi kéo trẻ em bằng các trò chơi trúng thưởng, hứa hẹn với khách hàng quá mức; Cường điệu các điểm tích cực và che dấu các điểm tiêu cực; Che dấu bớt thông tin khiến quyết định mua hàng của bố mẹ và trẻ em không chuẩn… Việc tiêu dùng không phù hợp này sẽ dẫn đến hậu quả trẻ em bị béo phì, dậy thì sớm, tiểu đường, bệnh tiêu hóa, tim mạch…".

TS Trần Quang Trung (Chủ tich Hiệp hội Sữa VN) lại cho rằng: "Mục tiêu đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt để điều tiết hành vi tiêu dùng, chống béo phì là không ổn. Những người đề xuất đánh thuế nước ngọt để chống béo phì chứng tỏ không hiểu gì về thực phẩm, đồ uống".

Cũng tại hội thảo, TS Lưu Thị Mỹ Thục (trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhi TƯ) lại đưa ra biện pháp ngăn chặn tình trạng thừa cân, béo phì: "Một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực: Thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Giảm thời gian tĩnh lại: Trẻ dưới 2 tuổi không xem tivi, trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Thay đổi hành vi: Khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu như ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11h/ngày); 5-10 tuổi (ngủ 10h/ngày); Trên 10 tuổi (ngủ đủ 9h/ngày).

Chia sẻ