Nhiều bé tử vong do nghẹn, hóc, sặc dị vật

Nguyệt Phạm (Tổng hợp),
Chia sẻ

Khi bé bị nghẹn, hóc, sặc cách bạn xử lý ngay từ những phút đầu tiên là điều rất quan trọng, quyết định khả năng thoát khỏi nguy hiểm của bé.

Chiều 13/7 vừa qua, một tai nạn thương tâm đã xảy ra tại huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Một bé trai 3 tuổi đã tử vong khi được người thân lột chôm chôm cho ăn và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Mới đây, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM đã tiếp nhận một bệnh nhi bị sặc cháo trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Theo người nhà bệnh nhi cho biết, bé trai đang ăn cháo thì bỗng nhiên bị ho, sặc dữ dội. Người nhà ngay lập tức đưa cháu bé vào bệnh viện, nhưng đã quá muộn. Trước đó, người thân vẫn cho cháu bé ăn dặm bằng cháo loãng. Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hồi sức tích cực cho bé trai 6 tháng tuổi, nhưng bé tử vong trước khi chuyển đến bệnh viện.

Dựa theo các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhi bị thiếu oxy máu nặng, phổi có hình ảnh thâm nhiễm lan toả hai phế trường. Bệnh nhi được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, toan kiềm và dùng kháng sinh điều trị viêm phổi hít.

Trong thời gian gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi lâm vào tình trạng nguy kịch do sặc cháo, sặc sữa. Trước đó cháu N.T.T. , 9 tháng tuổi, ngụ Củ Chi cũng nhập viện trong tình trạng ho sặc sụa, tím tái. Nguyên nhân là do bệnh nhi không chịu ăn, khóc lớn, nhưng người nhà vẫn đút cháo cho bé. Người thân bệnh nhi đã dùng miệng hút mũi, sơ cứu tạm thời cho bé rồi chuyển viện. Rất may, cháu T. đã qua cơn nguy kịch và dần hồi phục sức khỏe.  

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, với trẻ bị sặc cháo, sặc sữa, nếu không kịp thời sơ cứu sẽ tử vong rất nhanh. Phần lớn trẻ bị sặc cháo, sặc sữa dẫn đến tử vong, ngưng tim, ngưng thở trước khi đưa đến bệnh viện là do người giữ trẻ không biết cách sơ cứu.

Phải kịp thời sơ cứu

Đầu tiên, hãy đặt bé nằm úp trên đùi mình. Một tay giữ bé, một tay vỗ mạnh vào lưng bé từ 1-5 cái. Điều này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực bé tăng lên, giúp đẩy dị vật trong cổ họng bé ra ngoài.

Trong trường hợp vẫn chưa thông được đường thở, thì đặt trẻ trên một mặt phẳng cứng dùng 2 ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Nếu không thấy trẻ thở, lặp lại đến 10 lần. Ngoài ra, có thể hà hơi thổi ngạt cho trẻ.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, sau khi sơ cứu, nếu thấy trẻ hồng hào, bình thường trở lại, cũng nên đưa đến bác sĩ, để kiểm tra lại có còn sót dị vật hay không. Hơn nữa, cần tránh đút cho trẻ ăn khi trẻ đang khóc, hay đang chơi đùa. Cho ăn vừa với khả năng nhai nuốt của trẻ. Tránh hăm dọa trẻ, làm trẻ hoảng sợ, dễ gây hóc, sặc trong khi ăn uống.

xử lý khi trẻ hóc dị vật
Phải kịp thời sơ cứu ngay khi phát hiện trẻ bị hóc, sặc dị vật.

xử lý khi trẻ hóc dị vật_2
Cách sơ cứu đối với trẻ dưới 1 tuổi.

xử lý khi trẻ hóc dị vật_3
Cách sơ cứu khẩn cấp đối với trẻ ở độ tuổi lớn hơn.

Chia sẻ