Nhiễm sán lá gan vì thói quen ăn đồ tái

,
Chia sẻ

Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, 6 tháng đầu năm, số bệnh nhân nhiễm sán lá gan là 3.543 người, cao hơn cả thời điểm bùng phát dịch cách đây 3 năm.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến bệnh bùng phát là do môi trường sống và sử dụng thực phẩm không an toàn.

Có thể ký sinh trong người 15 năm

Tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế) cho biết, hiện bệnh viện đang quá tải, không đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Nguyên nhân là bởi thuốc điều trị bệnh sán lá gan không có trên thị trường, mà là được cấp phát bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhiễm sán lá gan là bệnh không phổ biến, không có công ty dược nào sản xuất thuốc. Chính vì thế, WHO đã “đặt hàng” một công ty thuốc sản xuất thuốc điều trị bệnh để cấp cho những quốc gia chưa giải quyết được bệnh này. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có bệnh nhiễm sán lá gan.

BS Nguyễn Nhật Lệ, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét –Ký sinh trùng -Côn trùng Trung ương cho biết, biểu hiện lâm sàng thường thấy ở người bị nhiễm sán lá gan lớn là đau bụng, sốt thất thường, vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, biểu hiện của từng người tùy theo mức độ bệnh nặng, nhẹ. Có người sốt nhẹ, cảm giác bị ớn lạnh. Nhưng có người lại sốt cao đến 39 – 40 độ. Có người đau bụng âm ỉ, có người đau quằn quại ở vùng gan và thượng vị. Do vậy, ngoài việc nhầm tưởng là ung thư gan, có người còn nhầm là mình bị đau dạ dày.

Việc chẩn đoán sán lá gan lớn khá phức tạp, vì các triệu chứng thường biến đổi và giống với các triệu chứng của các loại bệnh khác. Triệu chứng chủ yếu là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu, sốt, ngứa... Việc chẩn đoán phải kết hợp nhiều phương pháp như căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm máu bằng công thức Elisa, siêu âm, chụp cắt lớp. Đối với sán lá gan lớn, việc xét nghiệm phân thường khó phát hiện ra vì tỷ lệ trứng trong phân rất thấp (khoảng từ 10 – 12%).
 
Có thể nhiễm sán khi ăn các thực phẩm sống. (Ảnh minh họa)

Bệnh vào từ đường miệng

Thạc sĩ Đoàn Thị Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Cơ chế lây nhiễm bệnh sán lá gan chính là do thói quen ăn uống không vệ sinh của người dân. Sán lá gan ký sinh ở trâu, bò và lây nhiễm sang người thông qua đường tiêu hóa. Sán lá gan có trong đường ruột của trâu bò, theo chất thải của trâu, bò ra ngoài môi trường. Vì thế, ở đâu có phân trâu bò là ở đó có sán lá gan. Sán có thể bám trên rau cỏ, có thể nó có ở trong nguồn nước mương, nước ao, kênh rạch... Nhiều bệnh nhân bị nhiễm bệnh do ăn rau sống, hay do uống nước sông, suối, ao hồ...

Hiện nay, nhiều người dân vẫn giữ thói quen ăn rau sống, hoặc ăn tái các loại rau thủy sinh như rau muống, rau cần, rau ngổ, rau cải xoong, ngó sen. Do rửa không sạch ấu trùng sán sống bám trên rau, nên nhiều người bị nhiễm sán mà không hề biết. Sán lá gan khi vào người sẽ “du lịch” khắp cơ thể và đích đến cuối cùng là gan. Chúng đi xuyên qua mạch máu, rồi vào ổ bụng. Từ ổ bụng, sán xuyên qua bao gan để vào gan sinh sống.
Miền Trung và Tây Nguyên là nơi có tập quán sử dụng phân chuồng trong sản xuất nông nghiệp và phổ biến nghề chăn thả gia súc. Chính vì vậy, khi người dân không hiểu biết về cơ chế lây bệnh sán lá gan thì nguy cơ lây nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. Bởi vậy, trước tình trạng bệnh nhiễm sán lá gan bùng phát, ngoài việc giải quyết điều trị bệnh cho bệnh nhân, quan trọng hơn là phải làm tốt khâu tuyên truyền. Bởi hầu hết những bệnh nhân khi được hỏi đều không hiểu biết gì về cơ chế lây bệnh.

Sán lá gan lớn khi vào người có thể sống trên 15 năm. Con sán dài khoảng 2 - 3cm, rộng 1,3cm, có hình lá. Khác với sán lá gan nhỏ, khi bị nhiễm sán lá gan lớn, biểu hiện bệnh thường rầm rộ hơn, cấp tính hơn.

Một số biện pháp để phòng tránh bệnh nhiễm sán lá gan: Cách ly động vật nuôi như trâu, bò, cừu, dê... khỏi nơi ở của người. Điều trị cho động vật bị nhiễm sán lá gan và tránh chất thải của chúng vào nguồn nước. Ăn chín, uống sôi. Không ăn sống, ăn tái các loại rau thủy sinh. Không uống nước sông, suối, ao, hồ, mương, kênh rạch. Phát hiện sớm và điều trị người bệnh.

Theo Quỳnh Thy
Giadinhnet

Chia sẻ