Nhiễm giun đường ruột: Nguy hiểm khó lường

Admicro,
Chia sẻ

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm, là điều kiện thuận lợi để các loại ký sinh trùng sinh sôi và phát triển. Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (NIMPE), hiện nay đã có hơn 50% dân số Việt Nam bị nhiễm giun đường ruột – một con số đáng báo động.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiễm giun đường ruột cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm bệnh nhiệt đới ít được quan tâm.

 
Nhiễm giun đường ruột: Nguy hiểm khó lường 1
 

Ở sạch vẫn nhiễm giun

Nhập viện trong tình trạng bị tiêu chảy cấp, sau nhiều lần chẩn đoán bệnh, anh N.M.H (20 tuổi, TP.HCM) được các bác sĩ cho biết nhiễm giun tóc ở thể nặng. Trước đó, bệnh nhân bị tiêu chảy 4 - 6 lần/ngày, phân toàn nước, trong 2 - 3 tuần bệnh nhân gầy sút 4 - 6 kg. Khi có những biểu hiệu sơ khởi, bệnh nhân đã mua thuốc điều trị tiêu chảy thông thường không khỏi. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được xét nghệm sinh hóa kết quả bình thường, xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu ái toan cao. Điều trị loại trừ tác nhân gây bệnh cho kết quả tốt. Tiếp theo bệnh nhân được chỉ định nội soi đại tràng kết quả cho thấy viêm đại tràng chảy máu từng đám nhỏ, tập trung ở đại tràng lên, đặc biệt tại mỗi điểm chảy máu có một giun tóc. Sau đó các bác sĩ dùng kìm sinh thiết gắp hết giun ra ngoài (gắp được 16 giun tóc), sau 2 ngày bệnh nhân khỏi và ra viện.

Giun tóc là loại giun phổ biến, có nguy cơ lây nhiễm rất cao và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Nếu số lượng nhiễm ít, sẽ không có biểu hiện lâm sàng nhưng vẫn khiến cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, học bài mau quên. Trường hợp nhiễm nhiều, niêm mạc ruột sẽ bị tổn thương nặng và luôn bị kích thích gây nên các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, hay một hội chứng giống lỵ (đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu, nhầy) gây khó khăn cho chẩn đoán. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiễm giun tóc hoặc một số loại giun khác không chỉ đến từ việc ăn uống kém vệ sinh, do nhiễm qua da mà còn do nhiễm từ môi trường sinh hoạt chung.

Bởi vì trứng giun, đặc biệt là trứng giun kim có thể tồn tại trong không khí từ 1 – 2 tuần. Chúng có thể bám vào các vật dụng mà mắt thường của người không nhìn thấy được. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất, vì trẻ thường đưa đồ chơi bẩn vào miệng, hay sờ vào các vật dụng trên nền nhà… Sau khi trứng giun đi vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, mắt, hệ thần kinh trung ương. Ở đây, các ấu trùng có thể sinh sống và gây hiện tượng ấu trùng lạc chỗ ở các cơ quan trên, nếu không được chữa trị kịp lúc có thể gây ra tử vong. Riêng đối với loại giun đũa, một ngày 20 con sử dụng hết 2,8g chất bột, 0,7mg thịt trong cơ thể người. Chúng có thể gây nên tắc ruột, lồng ruột, và có thể di chuyển bất thường gây thủng ruột, chui ống mật, gây viêm nhiễm, thậm chí giun còn chui lên miệng, mũi người bệnh.

 
Nhiễm giun đường ruột: Nguy hiểm khó lường 2
 

Chỉ tẩy giun cho bé là chưa đủ

Để phòng ngừa nhiễm giun và tái nhiễm, TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương khuyến nghị, mỗi người dân cần thực hiện việc tẩy giun đồng loạt cho bé và các thành viên trong gia đình ít nhất hai lần trong năm (6 tháng 1 lần) vào cùng một thời điểm. Vì nếu chỉ tẩy cho bé, bé vẫn có thể tái nhiễm nếu tiếp xúc với các đồ vật có dính trứng giun do các thành viên trong gia đình thải ra ngoài không khí. Do đó, việc tẩy giun cần được thực hiện định kì và duy trì thành thói quen bắt buộc.

Ngoài ra, để phòng bệnh, mỗi người cần rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi tay bị bẩn, sau khi chơi đùa xong, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, trước và sau khi cho người khác ăn…; các loại hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn với các loại thức ăn chưa nấu chín như: gỏi cá, tiết canh, bò tái...; không nên ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau cần, cải xoong...; không uống nước chưa đun sôi từ các nguồn nước giếng, hồ, sông, suối…

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (NIMPE) phát động chương trình “Tẩy giun cộng đồng 6116”, dưới sự tài trợ của Janssen Cilag.,Ltd, thuộc tập đoàn Johnson&Johnson, nhãn hàng Fugacar. Viện đặc biệt khuyến cáo người dân nên chủ động tẩy giun cho cả gia đình và cho những tập thể sống chung với nhau vào cùng một thời điểm để đạt hiệu quả cao nhất. Để giúp người dân dễ ghi nhớ Viện cũng đã đề xuất 2 ngày tẩy giun trong năm là ngày 6/1 và 1/6. Ngoài ra, đối với trẻ trên 1 tuổi, chúng ta có thể tẩy giun cho bé bằng những loại thuốc có mùi vị để kêu gọi sự hợp tác của bé.



Chia sẻ