Nhẫn cưới bằng chỉ thêu, váy cưới từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường trong đám cưới "ấp ủ" của cô gái 9x

Lê Minh,
Chia sẻ

Váy cưới làm từ nguyên liệu cũ, nhẫn cầu hôn bằng chỉ thêu chỉ là hai trong hàng loạt những ý tưởng độc đáo thuộc dự án "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày" của cô nghiên cứu sinh 9X đang được cộng đồng mạng quan tâm và hưởng ứng mạnh mẽ...

Dự án "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày" là một ý tưởng dễ thương do Nguyễn Thị Thu Trang, thường được mọi người biết đến với tên Trang Nguyễn - người sáng lập tổ chức WildAct và nổi tiếng với các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã, khởi xướng từ tháng 9/2016 trên Facebook cá nhân.

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thu Trang, người khởi xướng ý tưởng "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày"

Trang Nguyễn cho biết cô thường viết lại những cảm xúc, trăn trở, kỷ niệm cô gặp trên đường làm nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã khắp nơi trên thế giới. Từ cuộc trò chuyện với một người bạn, Trang đã nảy ra ý tưởng thực hiện album "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày", mỗi ngày chia sẻ một ý tưởng đơn giản, cỏn con mà ai cũng có thể làm được để mọi người nhận thấy sống thân thiện với môi trường là điều không quá khó. "Bạn không nhất thiết phải ăn chay trường 100%, giảm tiêu thụ thịt cũng là một cách rồi", Trang Nguyễn chia sẻ.

Dù chỉ là một dự án cá nhân nhưng chính Trang Nguyễn cũng bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mọi người khi cô công khai ý tưởng này trên Facebook. Hầu hết các bài viết của cô đều nhận được lượt like và share rất lớn vì ý tưởng độc đáo và thông tin vì sao Trang thực hiện những ý tưởng đầy thuyết phục như không thả bóng bay, không xem xiếc thú, trồng lại thực phẩm thừa, hạn chế ăn hải sản, mối liên hệ giữa điện thoại thông minh và sự sinh tồn của loài Gorillas. "Tớ cung cấp thêm thông tin cho mọi người trong mỗi bài viết, vì tớ cho rằng để mọi người hành động về một điều gì đó cần phải giúp họ hiểu hành động đó có ý nghĩa như thế nào. Có rất nhiều bạn gửi tin nhắn cho tớ, nói là thực ra các bạn ấy cũng làm nhiều điều tớ ghi trong album, nhưng lười chụp ảnh lại và đăng lên. Tớ nghĩ việc lập một album về những hành động mình làm là cách tốt để tự nhắc nhở và khuyến khích bản thân và mọi người có thêm nhiều hành động tương tự khác nữa", Trang Nguyễn cho biết. Nhiều bạn bè theo dõi FB của Trang Nguyễn bày tỏ họ được truyền cảm hứng từ dự án của cô và đang bắt tay thực hiện những ý tưởng sống thân thiện với môi trường tương tự.

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 2.

Ý tưởng tái sử dụng ga giường, nhuộm màu thực vật

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 3.

Hạn chế sử dụng túi nilon, thay bằng túi vải

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 4.

Bơ đậu phộng làm từ dầu cọ đe dọa mạng sống của dã nhân

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 5.

Ý tưởng không thả bóng bay. Trong ảnh một sợi dây buộc bóng bay vướng vào một loài chim biển khiến chúng không thể thoát ra được

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 6.

Ý tưởng trồng lại thực phẩm thừa. Trong ảnh là tỏi tây vừa trồng một buổi

Đặc biệt khi hai ý tưởng "nhẫn cầu hôn làm bằng chỉ thêu và váy cưới làm từ nguyên liệu cũ" được đăng tải, nhiều bạn bè đã vào chúc mừng hạnh phúc của Trang Nguyễn khi cô tìm thấy người bạn đời có cùng đam mê và lý tưởng sống. Một đám cưới thân thiện môi trường đang ấp ủ hứa hẹn sẽ là tâm điểm của dự án đầy ý nghĩa này.

Dự án đang diễn ra sôi nổi đến ngày số 54. Chúng tôi xin trích đăng lại 3 ý tưởng độc đáo từ dự án này.

#38: Sử dụng trang sức có nguồn gốc bền vững

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 7.

Nhẫn cầu hôn làm bằng chỉ thêu

Tớ muốn chia sẻ với mọi người, hôm nay là một ngày rất đặc biệt của tớ . Vì bạn trai tớ - một người làm cùng ngành, sáng nay đã cầu hôn tớ. Điều đặc biệt mà tớ muốn chia sẻ là vì anh ấy - dù rất muốn mua tặng tớ một chiếc nhẫn đính hôn thật đặc biệt - cuối cùng đã tự đan chiếc nhẫn trong ảnh này từ chỉ thêu (đan giấu giếm tớ từ mấy tuần trước cơ đấy). Vì hiện tại khu vực bọn tớ đang làm việc và sinh sống không có cửa hàng bán trang sức (vàng, bạc, đá quí...) có nguồn gốc bền vững.

Không biết mọi người đã xem bộ phim Blood Diamond của Leonardo DiCaprio chưa? Những gì xảy ra trong bộ phim không chỉ là kịch tính do đạo diễn dựng nên đâu, đó là những điều rất thật đang xảy ra ở những nơi khai thác khoáng sản, mỏ vàng, bạc, kim cương hay đá quí. Không chỉ ngược đãi những nhân công nghèo, họ còn sử dụng nô lệ, và cả trẻ em để khai thác những khoáng sản này, làm giàu cho chính họ.

Không chỉ có liên quan đến vấn đề bạo hành con người, những mỏ khai thác không bền vững như thế này còn có ảnh hưởng rất lớn đến với môi trường tự nhiên. Có một cụm từ "dirty gold" được dùng để chỉ những khu vực khai thác "bẩn" như thế này. Ngoài việc rừng rậm - ví dụ như ở khu vực Amazon, hay những khu rừng ở Madagascar nơi tớ từng làm việc đã bị phá hủy cho những mỏ quặng "bẩn". Chất thải từ những mỏ quặng không bền vững - ví dụ như kali xianua - bạn nào ham đọc Conan chắc đều biết đến chất độc này rồi nhỉ, hay thủy ngân và vô vàn chất hóa học độc hại khác được sử dụng để lọc - rửa vàng ra khỏi bùn và đất đá. Những chất độc hại này đi thẳng vào nguồn nước, hồ, ao, sông suối, đầu độc đất, thực vật và những loài động vật sinh sống ở khu vực bị ảnh hưởng, và cả con người nữa.

Ngoài ra, vấn đề khai thác vàng "bẩn" thường dẫn đến một hệ quả khác, đó là khi đá ngầm bị ảnh hưởng bởi việc khai thác mỏ tiếp xúc với không khí và nước. Iron sulfide (sắt sulfua) trong đá có thể phản ứng với oxy để tạo thành axit sunfuric. Nước rửa trôi từ những khu mỏ này có nồng độ axit rất cao, nhiều khi cao hơn những cơn mưa axit từ 20-300 lần, và nó vô cùng độc hại đối với sinh vật sống.

Sự nguy hiểm tăng lên khi dòng nước có tính axit này chạy qua những tảng đá và qua các quặng kim loại nặng khác. Sông và suối có thể trở nên bị ô nhiễm bởi các kim loại như Cadmium (Cd), thạch tín, chì và sắt. Cadmium có liên quan đến bệnh gan, trong khi thạch tín có thể gây ra ung thư. Nhiễm độc chì có thể gây ảnh hưởng đến não bộ và suy yếu sự phát triển ở trẻ em.

Vì thế mà, tớ rất hi vọng, mọi người sẽ cẩn trọng hơn một chút khi lựa chọn đồ trang sức cho chính mình. Chúng ta không cần vàng, bạc hay đá quí để làm "sang" cho chính bản thân mình, đặc biệt là khi điều đó làm tổn hại đến môi trường sống và đến chính đồng loại của chúng ta.

#53: Váy cưới làm từ nguyên liệu cũ (second hand)

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 8.

Bản thiết kế váy cưới làm từ nguyên liệu cũ của Trang

Tớ và anh Brian đang ấp ủ một đám cưới đúng nghĩa thân thiện với môi trường. Vậy nên ngoài chuyện tìm hiểu về những chiếc nhẫn có nguyên liệu được khai thác bền vững, chuyện không sử dụng hoa công nghiệp dùng hóa chất, thuốc trừ sâu thì bọn tớ cũng suy nghĩ về chuyện váy áo trong lễ cưới.

Gần đây các cô dâu trẻ cũng may váy cưới nhiều hơn là thuê, cũng có thể là do ý thích, cũng có thể là có lý do cá nhân. Dĩ nhiên việc thuê áo cưới có phần thân thiện hơn với môi trường thì chúng ta vẫn có thể làm giảm dấu chân carbon bằng cách chọn sử dụng những nguyên liệu của váy cưới đã cũ để may thành một chiếc váy mới - phù hợp với yêu cầu và sở thích của chính chúng ta.

Hôm nay tớ đang rất vui vì đã gặp được người có thể giúp tớ biến những điều tớ ấp ủ thành hiện thực. Lúc tớ nói chuyện với cô chủ nhỏ Quỳnh Anh của cửa hàng váy cưới Lecia, bạn ý cũng cười ngạc nhiên lắm "Yêu cầu đặc biệt quá", nhưng bạn ấy đã rất vui vẻ đồng ý giúp tớ thực hiện ý tưởng này. Có nhiều người cho rằng hâm quá, đám cưới là điều đặc biệt chỉ có một lần trong đời, cô dâu phải thật lộng lẫy chứ, nếu không thuê váy mới tinh thì cũng phải may một chiếc váy mới thật đẹp. Nhưng tớ thấy thật may mắn vì chồng sắp cưới của tớ đã ủng hộ tớ nhiệt tình, và anh ý cũng quyết định chẳng cần may bộ vest mới nữa, vì anh ấy cũng đang có một bộ "đồ vía" rất đẹp để mặc rồi.

Mọi người cứ thử nghĩ xem, để làm ra một chiếc áo phông bình thường thôi đã tốn đến 2700 lít nước, cực nhiều nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu.v..v.) trong quá trình chế biến (điện), vận chuyển, và ngành công nghiệp bông đổ vào môi trường rất nhiều hóa chất độc hại: từ phân bón, cho đến thuốc trừ sâu. Để làm ra một chiếc váy cưới, mà chúng ta chỉ có thể mặc một hoặc hai lần rồi cất trong tủ, thỉnh thoảng lấy ra ngắm, hoặc với hi vọng độ 30 năm nữa sẽ cho...con gái mặc khi đi lấy chồng, có thể tiêu tốn gấp bao nhiêu lần tài nguyên so với việc làm ra một chiếc áo phông?

Vì vậy, nếu không muốn thuê áo cưới, hãy thử ngỏ ý sử dụng nguyên vật liệu cũ với địa chỉ may áo cưới mà bạn đã chọn, để các bạn ấy giúp bạn có một chiếc váy như ý, mà lại thân thiện với môi trường nhé. Ảnh vẽ thiết kế sơ khai, khi nào có váy tớ sẽ khoe nhé! Cám ơn Quỳnh Anh và Lecia rất nhiều.

#12: Smart phone (Di động thông minh) - Gorillas

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 9.

Mối liên hệ giữa điện thoại thông minh và sự sinh tồn của loài Gorillas (Ảnh: buzzbeaver.com)

Từ trước đến nay tớ chỉ có duy nhất một chiếc di động, hôm rồi có lỡ tay đánh rơi và bị vỡ màn hình. Rất nhiều người hỏi tớ sao vẫn dùng điện thoại cũ và chậm vậy, sao chưa thay điện thoại mới, lỡ làm vỡ rồi thì mua di động mới đi, nhiều mẫu mới ra lắm. Tại sao sống ở Anh mà ko bắt kịp với thời đại vậy? Nhưng bạn có biết, nhu cầu và cách sử dụng điện thoại theo trào lưu này có ảnh hưởng đến môi trường và loài Gorilla (Khỉ đột) đang đứng trước vực tuyệt chủng như thế nào không?

Coltan là một quặng kim loại bao được tìm thấy chủ yếu ở khu vực phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, là thành phần không thể thiếu để chế tạo điện thoại di động, và bởi vì nhu cầu sử dụng điện thoại di động đang ngày một tăng nhanh, nó trở thành công cụ để có thể làm giàu nhanh chóng tại Congo. 80% nguồn cung cấp coltan trên thế giới đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Ở đó, Coltan được khai thác bằng tay bởi nhóm những người đàn ông, thậm chí trẻ em và phụ nữ bị buộc phải đào lưu vực suối trong, cạo sạch bụi bẩn để lấy được coltan từ lớp bùn bên dưới.

Điều đáng nói ở đây đó là khu vực chính nơi Coltan được khai thác cũng chính là Vườn Quốc Gia Kahuzi Biega, ngôi nhà của những chú khỉ đột núi (Mountain Gorillas). Tại khu vườn quốc gia này, số lượng loài gorillas đã bị giảm gần một nửa. Không chỉ môi trường sống bị phá hủy, trở thành mỏ khai thác Coltan, Gorillas còn bị săn bắn để làm thức ăn cho những công nhân khai thác mỏ, thịt của chúng còn bị vận chuyển và bán cho những khu dân cư gần đó. Theo Liên Hợp Quốc, số lượng Gorillas tại Congo đã giảm 90% chỉ trong vòng vài thập kỷ qua.

Những nhà bảo tồn Gorillas đang kêu gọi những công ty sản xuất điện thoại di động sử dụng Coltan một cách hữu hiệu, thiết lập chương trình tái sử dụng hoặc tái chế điện thoại để người sử dụng điện thoại có thể gửi trả di động không sử dụng về công ty thay vì vứt chúng vào thùng rác. Theo ước tính, tái chế một triệu điện thoại di động làm giảm phát thải khí nhà kính tương đương với việc không sử dụng 33 chiếc ôtô trong một năm.

Hi vọng trong một vài năm tới sẽ có những chiếc điện thoại di động có gắn nhãn mác "an toàn", có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của Coltan trong điện thoại được bày bán trên thị trường để người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng sản phẩm điện thoại bền vững. Nhưng từ giờ đến lúc đó, chỉ mong mọi người hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi mua hay thay điện thoại mới. Chiếc điện thoại bạn đang cầm trên tay, biết đâu đã được đánh đổi bằng mạng sống của những chú gorillas tội nghiệp, hay những người dân bị đánh đập như nô lệ để khai thác Coltan trái phép?

Cầu hôn bằng nhẫn từ chỉ thêu, váy cưới ấp ủ làm từ nguyên liệu cũ, thân thiện môi trường của cô gái 9x - Ảnh 10.

Chân dung Trang Nguyễn

Box: Trang Nguyễn sinh năm 1990, là người sáng lập WildAct, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam. Cô đồng thời là cố vấn chương trình cho những dự án khác nhau của các tổ chức bảo tồn ĐVHD khác nhau trên thế giới, như tổ chức Fauna and Flora International, chương trình ở Campuchia, hay Free the Bears, chương trình ở Việt Nam, TRAFFIC - the wildlife trade monitoring network, chương trình ở Cambridge, nước Anh. Hiện Trang Nguyễn đang làm tiến sĩ năm cuối, ngành bảo tồn động vật hoang dã. Chồng chưa cưới của Trang cũng là một nhà bảo tồn, anh tên là Brian Crudge, hiện đang là Quản lý chương trình nghiên cứu bảo tồn Gấu ở các nước Đông Dương, thuộc tổ chức Free the Bears.

Các bạn có thể theo dõi đầy đủ những ý tưởng của dự án "100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái Đất trong 100 ngày" tại Facebook của cô https://www.facebook.com/trang.nguyen.wildact

Ảnh và tư liệu: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ