Nhắm mắt chia tay trai... phố Hàng

Nguyễn Ngọc,
Chia sẻ

Dù không muốn nhưng chị không thể chịu nổi ánh mắt đầy miệt thị của mẹ chồng...

Tình yêu bắt nguồn từ... địa lý

Trong buổi ra mắt, Trang suýt khóc trước những câu hỏi đầy ý miệt thị của mẹ người yêu: "Nhà cháu ở quê lợp ngói hay lợp tranh?", "Nhà cháu có nhà vệ sinh không hay ngồi… ngoài đồng?", "Nhà cháu chắc lắm ruồi muỗi lắm nhỉ? Bác là bác kinh nhất sự bẩn thỉu đấy!"...

Thấy Tuấn nhăn mặt, bà mới thôi không nói nữa...

Sinh ra và lớn lên trong căn nhà ở phố Hàng Bông, Tuấn đang là MC cho Đài truyền hình. Anh là mẫu người tài giỏi mà giàu có... bẩm sinh.

Mặc dù tầng một mặt phố của ngôi nhà giờ đã cho thuê để làm cửa hàng thời trang, nhưng mỗi khi bước qua gian nhà ấy để lên tầng trên, cả nhà anh vẫn cảm thấy rất tự hào vì chất Hà Nội thấm đẫm trong từng milimet vuông.

Khỏi phải nói bố mẹ anh nâng niu những gì mang tính chất truyền thống Hà Nội đến thế nào. Họ vẫn thường nói chuyện về "con dâu tương lai", trong vô số những mường tượng của họ không bao giờ xuất hiện hình ảnh một nhà thông gia ở cách xa họ hàng trăm cây số. 

Họ không bao giờ nghĩ con dâu sẽ nói ngọng líu ngọng lô. Cha mẹ luôn nghĩ anh sẽ chỉ lấy vợ đâu đó quanh Hồ, nơi những phố cổ cắt ngang cắt dọc hoặc xa lắm cũng không quá… Linh Đàm. 

Nhắm mắt chia tay trai... phố Hàng
Dù không muốn nhưng chị không thể chịu nổi ánh mắt đầy miệt thị của mẹ chồng... (Ảnh minh họa)

Anh suy nghĩ khác bố mẹ, tình yêu không bắt nguồn từ địa lý mà nó bắt nguồn từ con tim. Vì thế anh chọn Trang, cô gái học cùng đại học, quê gốc Quảng Bình. 

Anh cũng thủ thỉ với mẹ trước là tuy nàng sinh ra ở miền Trung nhưng cô đã sống, học tập và làm việc ở Hà Nội hơn chục năm nay. 

Anh không ngờ khi dắt người yêu về ra mắt, mẹ anh lại có thái độ gay gắt đến như vậy. 

Bằng một thái độ rất điềm đạm nhưng đầy lạnh lùng, dò xét, bố mẹ Tuấn hỏi qua loa về công việc của chị và bắt đầu một tràng dài những câu hỏi xoay quanh gốc gác. 

Chị cố gắng bình tĩnh và trả lời thành thật, cố không để ý đến những khoảng lặng dài như vô tận và những cái liếc mắt nhìn nhau của bố mẹ người yêu.

Anh đành nói khó với người yêu: “Thực ra ông bà cũng có ý tốt, muốn có sui gia gần gần để sáng cuối tuần hai gia đình lên phố cổ nhâm nhi tách trà, cùng đi tập thể dục... Gần gũi thì dễ thân, mà thân rồi thì con gái mình đi lấy chồng cũng được thương lây, chứ ông bà không có ý gì”...

Khi Trang ra về, bố mẹ khuyên can đủ điều nhưng anh chẳng chịu nghe. Mấy hôm sau, nhân ngày sinh nhật mẹ anh, chị hồ hởi mua quà và bánh đến. Nhưng thái độ của mẹ anh rất khó chịu. Bà nói: Thế sau này sinh nhật bố mẹ cháu thì con bác cũng phải lặn lội về quê mà đáp lễ ư?". 

Hai chữ "lặn lội" mẹ anh kéo ra rất dài khiến chị tự ái vô cùng. Sau đó, Trang chủ động nói lời chia tay...

Dâu quê gặp mẹ chồng quái

Gia đình người yêu Quỳnh rất khá giả. Anh là Long (Hàng Bè, Hà Nội). Mẹ anh không chỉ đẹp mà còn sang trọng, đài các. Tuy vậy, anh an ủi là bà luôn tôn trọng sự lựa chọn của con trai nên Quỳnh sẽ được chào đón. Ngày ra mắt, được đón tiếp vui vẻ, chị đã hi vọng về một cuộc sống hạnh phúc.

Song, ngay sau khi cưới, mẹ anh nói riêng với chị là không bao giờ chấp nhận một đứa con dâu nhà quê. Dù chị cố gắng đến mấy cũng sẽ không bao giờ có thể là thành viên trong gia đình. 

Không khó khăn gì, chị nhận ra sự vui vẻ, nồng nhiệt, những lời khen ngợi tưởng như chân tình của bà… chỉ là giả dối. Khi nhà đông đủ, đặc biệt là trước mặt chồng chị, bà luôn luôn niềm nở và ngọt ngào, lúc nào cũng “con ơi con à”. Nhưng khi chỉ có chị với bà, cách xưng hô luôn là “tôi” và “cô”. 

Bất cứ cái gì dính dáng đến chị bà đều khó chịu. Bà miệt thị chị một cách đầy ẩn ý và khéo léo, kiểu như: “Cô không thể chọn một bộ quần áo bớt quê hơn à?” Chị nghẹn ngào: “Hôm nào mẹ bày cho con cách ăn mặc với”. Bà nguýt dài: “Cố làm gì, quê thì mãi mãi là quê thôi!”

Những món ăn chị nấu, trước mặt mọi người, mẹ chồng khen: “Ăn ngon đấy con! Phát huy nhé!”. Bố chồng và chồng mừng ra mặt khi hai mẹ con hợp nhau. Sau đó, bà nói. “Cô nấu thế này, chỉ nhà quê mới ăn”. 

Chị ngạc nhiên: “Con tưởng"…

Bà cười khẩy: “Cô tưởng tôi khen thật à? Đúng là đồ nhà quê!”.

Ấm ức, chị lên kể với chồng. Anh nhăn nhó bảo chị bịa đặt, mẹ anh không phải kiểu người như thế. Nghe tiếng anh chị cãi nhau, mẹ chồng đẩy cửa xông vào.

Bà chỉ vào chị: “Làm sao, cô định làm gì? Chia rẽ tình cảm mẹ con tôi à? Người thành phố không bao giờ như thế”.

Mấy hôm sau, chị đưa đơn ly dị. Anh buồn lắm…
Chia sẻ