Nhái đồng chiên nước mắm

,
Chia sẻ

Thời điểm này, ở quán Miền Tây, tại số 30 Lữ Gia, P.15, Q.11, có món nhái đồng chiên nước mắm ngon số dzách. Ở Sài Gòn, món ngon tốn bia này không phải chỗ nào cũng có.

Người ta thường soi nhái vào buổi tối, thời điểm đám nhái cơm, nhái bén lò mò ra khỏi hang để tìm mồi. Nhái thường bị “đứng hình” với ánh đèn, nên mỗi khi bị soi, chúng lờ đờ như gà mắc tóc. Lúc ấy, việc săn nhái dễ như... lượm ốc bỏ rổ. Cứ thế, sau 2 tiếng đồng hồ, túi nhái đã nặng tay với vài chục con kêu la inh ỏi.


Mỗi vùng có cách chế biến món nhái khác nhau. Người miền Trung khoái đem nhái xay nhuyễn, cuộn với lá dâu tằm, rồi chiên lên. Vì thịt nhái vốn đã ngon đẳng cấp nên không cần phải nêm gia vị nhiều. Chỉ mới bỏ vào chảo dầu sôi lăn tăn, mùi thịt nhái đã phất phơ khắp lối, khiến bụng ai cũng đói cồn cào. Cũng có người đem nhái lột da um măng ăn để giã rượu.

Trong khi đó, người Hà Nội từ lâu đã ghiền món chả nhái, mà nổi bật nhất là chả nhái làng Khương Thượng. Trước đây, làng này vốn là nơi có nhiều ao hồ, đồng ruộng. Sau những đêm mưa rả rích, lũ nhái thi nhau khoe giọng thành những dàn đồng ca vô tận. Người làng Khương Thượng cứ thế  bắt về để ăn, dần dà phát triển thành món chả nhái thơm ngon nức tiếng như ngày nay.

Riêng khu vực phía nam, nhái được để nguyên con chiên nước mắm. Nhái sau khi lột da làm sạch, đầu bếp cho vào chảo dầu sôi ùng ục để chiên giòn từ thịt đến xương. Sau đó, nhái chiên xong được bỏ vào một chiếc chảo khác để khìa sơ cùng nhiều gia vị, với thành phần chủ đạo là mắm. Để thịt nhái thấm gia vị và mặn mà hơn, trước khi khìa sơ với gia vị, người ta sẽ dùng tăm tre nhọn, đâm từng lỗ nhỏ trên thân nhái đã chiên giòn giúp gia vị thấm sâu vào bên trong. Món này nhai giòn rụm, beo béo, mằn mặn đầu lưỡi, cực hao bia!

 
Theo Trần Ka
Thanh niên
Chia sẻ