Nhà nghệ sỹ Y Moan - Nơi giữ của cho người Ê đê

,
Chia sẻ

Ngôi nhà sàn nhỏ cất dựng theo kiểu người Ê Đê, được chủ nhân bố trí một bộ sưu tập những vật dụng gắn liền với đời sống của đồng bào Tây Nguyên, một số thứ đang dần mai một.

Ngôi nhà ấy là chốn đi về của một người nghệ sĩ, một giọng ca của núi rừng Tây Nguyên – Y Moan.

Không gian nội thất của nhà sàn được trang trí các vật dụng của đồng bào Tây Nguyên

Ngôi nhà nhỏ của nghệ sĩ Y Moan ở buôn Đha Prong, xã Cu Ebur thành phố Buôn Ma Thuột, phủ kín cỏ hoa. Nằm chen trong buôn làng cùng những ngôi nhà sàn của đồng bào Ê Đê, cũng với hai cầu thang lên xuống được tạc từ thân cây rừng, thoạt nhìn cũng không có gì khác lạ so với những ngôi nhà sàn truyền thống khác. Nhưng thấp thoáng trong cỏ cây hoa lá quanh nhà là các tượng gỗ lớn, mang đậm chất Tây Nguyên do chính chủ nhân tự tay chế tác nên.

Gây ấn tượng với khách lạ là đủ loại những vật dụng trông khá lạ mắt, được chủ nhân cho biết đó là những nông cụ của đồng bào Tây Nguyên mà anh cất công sưu tập từ năm 2005. “Mình là người Ê Đê, đồ của mình mà mình không biết bảo tồn, gìn giữ, sau này có mai một đi thì biết lấy gì kiếm lại, biết lấy gì để cho con cháu nó hiểu cuộc sống của ông bà ngày xưa”, Y Moan thổ lộ câu chuyện anh trở thành một nhà sưu tập các vật dụng gắn liền với đồng bào Tây Nguyên như thế. Ngôi nhà sàn của anh cũng do chính tay anh thiết kế, chăm chút, là kết quả của hơn 30 năm ca hát mới có được.

Những vật dụng quen thuộc với người Ê Đê như mấy chiếc ghế cổ M Dho, ghế dài Kpal, dụng cụ đào củ mài Kni, nón cổ Duon được đan từ tre mây rừng, đến cái gùi chiêng Bung Ching, chổi quét rẫy Gie Hvar, rìu Chrong, bộ dây thừng bằng da trâu dùng săn bắt voi rừng, trống da trâu, đến những bộ chiêng, choé rượu… tất cả những hiện vật đi liền với đời sống đồng bào Tây Nguyên được Y Moan sưu tầm đem về.

Ghế dài Kpan của người Ê Đê

Những vật dụng trong bộ sưu tập ấy được Y Moan khi cẩn thận trong bài trí, khi lại để khắp nơi một cách có chủ ý khiến cho không gian ngôi nhà trông rất tự nhiên, và càng trở nên gần gũi, giản dị. Đi liền với từng hiện vật đang nằm ở các góc nhà, lại là những câu chuyện thú vị, từ việc làm sao sở hữu được nó, đến công năng của nó dùng làm gì, được chế tạo như thế nào… cứ thế, đi quanh ngôi nhà sàn nhỏ của Y Moan, nghe anh cầm từng hiện vật và kể chuyện cứ như đang được dạo chơi quanh núi rừng Tây Nguyên vậy.

Kề bên nhà sàn, là căn phòng nhỏ nằm núp bóng dưới tàn me xanh mát, có cửa sổ nhìn ra khoảng rừng với núi non trùng điệp xa xa. Y Moan cho biết anh thiết kế căn phòng lý tưởng ấy để dành cho bạn bè, khách phương xa đến chơi có chỗ để nghỉ đêm. Ngay lối lên căn phòng nhỏ xinh ấy, là những dây “cóc kiện trời” được lấy từ rừng về quấn quanh ngoằn ngoèo vắt từ chân cầu thang lên ngang căn phòng, đem lại một chút góc nhìn hoang dã của núi rừng. Kề cận là gác nhỏ để ngắm trăng, được trang trí bằng những choé rượu cần, chiếc trống cổ làm từ da trâu, những chiếc nơm bắt cá treo lủng lẳng ngẫu nhiên, tạo thành một kiểu trang trí độc đáo, mà ngồi bất kỳ ở góc nào trong căn phòng nhỏ cũng có thể chiêm ngưỡng được.

Bộ sưu tập đồ đựng thức ăn được làm từ quả bầu

Có một điểm nhấn độc đáo trong bộ sưu tập của Y Moan là những vật dụng bàn ăn đều làm từ quả bầu. Cái đen mun màu bồ hóng, cái lại vàng ươm màu lúa mới, với những tên gọi khác nhau như Pưng Prong, Go Pưng… dùng đựng cơm, đựng nếp, đựng canh, thức ăn. Y Moan cho biết thời anh còn nhỏ, những hiện vật này còn khá nhiều, được những thương buôn sử dụng cho bộ đồ ăn thường ngày. Càng về sau, bộ đồ ăn làm từ quả bầu không còn nữa, phần do đất đai không tốt như xưa khiến quả bầu khô không còn độ bền chắc, phần vì ngày nay chẳng mấy ai sử dụng quả bầu. Y Moan giữ lại, trân trọng còn hơn những chén bát sành sứ trong bếp ăn, gặp khách quý lại bày hết cả đám bầu ấy ra nhà sàn, sắp xếp công phu trên dải lụa thổ cẩm dài trông thật đẹp mắt, giới thiệu cho khách công dụng của từng sản phẩm với đầy tự hào, vui sướng.

Hỏi sao lại có được bộ sưu tập đa dạng với nhiều hiện vật vốn rất quý theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên như choé rượu, trống da trâu, dây săn voi, cồng chiêng… Y Moan cười bảo: “Đồng bào mình khi bán một cái gì đó đều phải họp gia đình để lấy ý kiến, nên mua được đồ khó khăn lắm. Có nhiều hiện vật trong nhà của đồng bào, dùng tiền đâu có mua được, mà mình cũng đâu đủ tiền để mua. Có được những món đồ cho bộ sưu tập mình phải nhờ vào giọng hát đấy. Chỉ có hát, đồng bào nghe, họ vui, họ thương mình, họ tặng lại cho mình”.

Với Y Moan, việc giữ lại những gì của con người Tây Nguyên, anh xem đó như một trách nhiệm cần phải làm cho gia đình, cho con cháu, cho buôn làng. Trong căn nhà nhỏ xinh ấy, trong bộ sưu tập độc đáo của người nghệ sĩ núi rừng Tây Nguyên ấy, khách đến chơi nhà chắc chắn sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị, được thấy những hiện vật thân thương của đồng bào Tây Nguyên, ngồi bên bếp lửa bập bùng ấm cúng để nghe gia chủ kể câu chuyện về từng món đồ trưng treo khắp nhà. Thú vị biết bao!

Một góc nhỏ giản dị của nhà sàn Y Moan
 

Bộ sưu tập nông cụ của đồng bào Tây Nguyên dùng làm vật trang trí cho nhà sàn

Căn phòng nhỏ được chủ nhân thiết kế làm phòng nghỉ dành cho khách


Tượng gỗ trang trí ngay gian tiếp khách do chính chủ nhân tạc từ gỗ rừng

Theo SGTT
Chia sẻ