Nhà hộ sinh: Bao giờ cho đến… ngày xưa?

,
Chia sẻ

Những năm 80 của thế kỷ trước, nhà hộ sinh luôn là nơi đến của chị em khi “mãn nguyệt khai hoa”. Nhưng những năm gần đây số sản phụ đến với các nhà hộ sinh cứ ít dần đi.

Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đều đang ở trong tình trạng quá tải trầm trọng với hơn 20.000 ca mổ, đẻ/năm. Liệu có cách nào để các nhà hộ sinh tìm lại một thời vắng bóng trước đây?
 
Nhà hộ sinh thời xa vắng
 
Hiện nay, Hà Nội có 4 nhà hộ sinh: Nhà hộ sinh A, Nhà hộ sinh B, Nhà hộ sinh Ba Đình và Nhà hộ sinh Đống Đa. Ngoài chức năng đỡ đẻ, các nhà hộ sinh còn có thêm nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản. "Những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi chỉ có đỡ đẻ thôi. Mỗi đêm 8 - 10 ca, một tháng khoảng 200 - 300 ca. Công việc bận rộn vô cùng, nhưng bây giờ có khi cả tuần có vài ca đẻ.
 
Trái hẳn với những tưởng tượng ban đầu về một mô hình nhà hộ sinh xập xệ, phòng bệnh tại Nhà hộ sinh A (phố Ngô Quyền) khá khang trang, sạch sẽ với khoảng 30 giường bệnh. Một nữ hộ sinh nhanh nhảu: “Trước đây “nhà em” có 30 giường kế hoạch, sau giảm xuống 15, và giờ chỉ còn 10 giường kế hoạch thôi nhưng thực kê vẫn là 30 giường”.
 
Nhưng ngay cả khi giường kế hoạch đã giảm xuống còn 10 giường thì từ năm 2000 trở lại đây cũng ít khi kín sản phụ. Tại thời điểm chúng tôi có mặt cũng chỉ có 5 sản phụ, trong đó có 3 người đã đẻ và 2 chờ đẻ.  
Chị Hứa Ngọc Trang, ở 35 Đường Thành cho biết: “Trước mẹ sinh em ở đây, biết tin có thai, em cũng tới đây để khám và theo. Khi các BS cho biết em có thể sinh thường, em đăng ký sinh tại đây luôn”.

“Mẹ ơi đau quá. Con chết mất thôi…”

“Con cố lên, đừng kêu nhiều quá, dành sức để còn sinh con…”, tiếng bác Nguyễn Thị Châm (48 Hàng Đậu), dỗ dành cô con gái đang đau đẻ ở phòng kế bên vọng sang. Hỏi chuyện, bác Châm cho biết đã từng sinh 7 người con ở nhà hộ sinh và đều “mẹ tròn con vuông” cả. “Nay, mấy cô con dâu tôi cũng sinh cháu ở nhà hộ sinh này.

 Nhà hộ sinh Ba Đình, ở 12 Lê Trực. Bệnh nhân đến với nhà hộ sinh hiện chủ yếu là khám phụ khoa, siêu âm thai, tư vấn… chứ sản phụ đến để sinh con mỗi ngày cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

BS Đỗ Thị Mai Hương, Phó trưởng Nhà hộ sinh Ba Đình cho biết: Số lượng các sản phụ đến khám thai tại nhà hộ sinh 10 năm gần đây tăng lên nhưng số người quyết định sinh ở đây thì giảm đi rõ rệt. Những năm 80 của thế kỷ trước, các sản phụ đến với nhà hộ sinh Ba Đình thường phải nằm ghép đôi. Mỗi tua trực, có khi phải đỡ từ 20 - 25 ca. Trước năm 1997, giường kế hoạch của nhà hộ sinh là 50, năm 2000 là 30, thế mà nay chỉ còn 10 giường".

 Có rất nhiều nguyên nhân khiến số lượng sản phụ đến với nhà hộ sinh ngày một ít đi. “Ngày trước phân tuyến đẻ, khống chế chuyển viện, các bệnh viện phụ sản chỉ thực hiện các ca khó và mổ đẻ. Chuyển sang cơ chế thị trường, dân trí được nâng cao, người dân có quyền và có điều kiện lựa chọn nơi sinh cho những “cục cưng”
 
Một nguyên nhân nữa là do giới trẻ hiện nay hầu như không có thông tin gì về các nhà hộ sinh. Những người đến với nhà hộ sinh hiện nay phần lớn là những người có người nhà, người thân đã từng sinh con tại đây hoặc những người “đầu xuôi, đuổi lọt” lần 1 thì lần 2 lại tìm đến.

Một điều mà các BS, y tá nhà hộ sinh e ngại, ít đề cập ấy là nhiều sản phụ lo lắng trong quá trình sinh nhỡ xảy ra tai biến, việc chuyển tuyến không kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Vì vậy, dù được tiên lượng là đẻ thường nhưng các mẹ vẫn đua nhau đến các BV phụ sản tuyến TƯ để chịu cảnh 2-3 thậm chí có lúc 4 người/giường. Trong khi đó các phòng sản và hậu sản tại các nhà hộ sinh lại vắng hoe.

Theo Phương Liên
Tintuconline

Chia sẻ