“Xông đất” những ngôi nhà nghệ thuật ở Hà Nội

,
Chia sẻ

Hà Nội được coi là chốn tụ hội văn hóa của cả nước, với bề dày hàng ngàn năm lịch sử. Người Thủ đô cũng nổi tiếng “sưu tầm” những thú chơi đặc trưng đất kinh kỳ - Kẻ Chợ.

Nhiều ngôi nhà của các nghệ sĩ ở Hà Nội từ lâu không những trở thành điểm hẹn và chia sẻ của những tâm hồn đồng điệu mà còn là nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa - văn nghệ.

Tốn kém, công phu, kỹ lưỡng và phải có một niềm đam mê vô bờ để duy trì các thú chơi tao nhã này. Những ngôi nhà của họ trực tiếp hay gián tiếp là nơi tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật làm phong phú hơn đời sống văn hóa nghệ thuật của Hà Nội, nếu như không nói là làm nên dấu ấn riêng biệt của đời sống văn hóa Thủ đô.

Chủ nhân của những ngôi nhà nghệ thuật ở Hà Nội dành nhiều tâm huyết cho “chốn đi về” không chỉ vì lòng yêu nghệ thuật, mà phần nào ảnh hưởng từ truyền thống gia đình.

Không gian nghệ thuật của Lê Thiết Cương

Không gian nghệ thuật của Lê Thiết Cương chính là nơi đi về của họa sỹ, tọa lạc ngay giữa lòng Hà Nội.

Gallery 39 (39A Lý Quốc Sư, Q. Hoàn Kiếm)

Nằm cách Hồ Gươm chưa đến 15 phút đi bộ, gallery 39A Lý Quốc Sư là địa chỉ khá quen thuộc của công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô. Chủ nhân của nó, họa sĩ Lê Thiết Cương, vừa tổ chức triển lãm viết và vẽ chân dung với tên gọi “Người” nhân kỷ niệm ba năm ngày thành lập gallery.

Gallery 39 tọa lạc trên diện tích 150m2 và theo phong cách kiến trúc Pháp nhưng được đơn giản hóa. Ngôi nhà hình ống (chiều rộng 7m) không tạo cảm giác sâu hun hút vì dành ra khoảng không lộ thiên thông suốt cả 5 tầng chia nhà thành hai khối.

Đây là nơi được sắp đặt các bức tượng; bụi chuối rừng với cây chuối mẹ cao ngất nghểu được mua từ chợ Bưởi, dưới gốc líu ríu những chuối con; bể cá nhỏ ép sát tường với dây lan đất leo bám vào núi giả, bò lan kín cả một mặt tường. Mặt tường các tầng trên hướng ra khoảng không này đều được bố trí ô kính vuông lớn để lấy ánh sáng tự nhiên và ngồi trong phòng có thể thấy mưa rơi hay ngắm nhìn cây cỏ xanh mướt. Hành lang ở tầng hai nối hai khối nhà gần giống mái chùa cổ với 4 cột đá đỡ lấy mái ngói. Kèo và rui mè đều bằng gỗ lim đã được ngâm nước vôi nên thớ gỗ bạc phếch trông rất giống nhà cổ hàng trăm năm.

Ông chủ này rất thích đồ cổ...

Ông chủ này rất thích đồ cổ...

18 cuộc triển lãm của chủ nhân và các nghệ sĩ đã diễn ra ở đây. Và không chỉ tranh, mà cả ảnh, âm nhạc, âm thanh và nhiều loại hình nghệ thuật khác đã chọn nơi này để tiếp cận khán giả. Một số nghệ sĩ trẻ cũng tìm thấy cảm hứng sáng tác trong không gian nghệ thuật của Lê Thiết Cương.

Không nhận mình là người sưu tầm đồ cổ nhưng trong ngôi nhà của anh có khá nhiều đồ cổ. Anh luôn có ý thức tìm tòi và níu giữ những nét văn hóa đã và đang dần biến mất. Chiếc máy ảnh có gắn khung, người chụp phải ghé cằm vào máy và trùm tấm vải đen lên máy, có lẽ thuộc thế hệ máy ảnh đầu tiên do người Pháp du nhập vào Việt Nam.

Bộ đôi xe đạp nam và nữ hiệu Peugeot còn nguyên nước sơn. Và khá nhiều bộ bàn ghế tràng kỷ. Tuy nhiên, bộ đồ cổ bằng gỗ lạ mắt nhất có lẽ là chiếc bàn trang điểm bề thế được sơn thiếp vàng và chiếc bàn vuông đặt lọ hoa bằng gỗ thông phủ sơn mài 7 lớp. Cả hai vật dụng quý này đều do ông nội của họa sĩ - vốn là ông chủ một nhà máy gỗ ở Hà Nội - để lại cho bố anh.

18 cuộc triển lãm đã diễn ra tại đây...

18 cuộc triển lãm đã diễn ra tại đây...

Ngôi nhà của Lê Thiết Cương nằm trên thửa đất do ông nội anh để lại cho các con. Anh đã nhượng lại quyền sử dụng đất của những người thân trong gia đình, trong đó bố anh được thừa hưởng thừa kế 1/3, với tổng giá trị quyền sử dụng khu đất vào năm 1986 là khoảng  300.000 USD.

Anh dành gần 3 năm xây dựng ngôi nhà này với chi phí xây dựng lên đến 50.000 USD. Không những tự thiết kế nhà, anh đã về các làng quê xung quanh Hà Nội đặt đồ gỗ, thợ khắc đá và vẽ từng mẫu cửa, mẫu bàn ghế... để có được không gian nghệ thuật cho riêng mình và cho mọi người.  

Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des arts, 31A Văn Miếu)

“Tôi ước mơ trong ngôi nhà này có tất cả các hoạt động nghệ thuật của dân tộc... Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Việt kiều Pháp, đã nói về ngôi nhà nghệ thuật của vợ chồng chị như vậy. Chồng chị là đạo diễn người Pháp Daniel Roussel, người đã có một vài bộ phim về Điện Biên Phủ và về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngôi nhà nghệ thuật ra đời vào tháng 5/2007. Vốn công tác trong ngành kiến trúc ở Pháp, chị Nga đã chọn được địa điểm đắc địa để từ ngôi nhà này. Thả mình bên bộ bàn ghế gỗ ở sân thượng, khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn màu xanh mướt của những tán cây cổ thụ trong khuôn viên Văn Miếu-Quốc Tử Giám, những mái ngói thâm nâu của Nhà Thái học, gác chuông Văn Miếu sơn son...

Còn đây là

Còn đây là "Ngôi nhà nghệ thuật " của chị Nga, nằm ngay cạnh phố Văn Miếu.

Là KTS chuyên ngành quy hoạch đô thị, chị đã “quy hoạch” nội thất cho ngôi nhà bằng cả tình yêu nghệ thuật và ý thức trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa Việt. Tầng trệt như một bảo tàng nhỏ giới thiệu về những giá trị văn hóa truyền thống; tầng hai và ba trưng bày các hiện vật mang giá trị nghệ thuật đương đại, là nơi triển lãm tranh và nghệ thuật sắp đặt đương đại; tầng bốn là nơi có thể đọc sách, nghe nhạc và tầng 5 với nội thất hoàn toàn bằng gỗ, được thiết kế theo nhà gỗ của người dân đồng bằng Bắc Bộ, là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu, trà đạo, ca trù, chầu văn...

Ngôi nhà còn dành một khu cho nghệ thuật mát xa chăm sóc da mặt được nhiều khách trong và ngoài nước khen ngợi. Rất nhiều cá chép bằng gỗ sơn son treo lủng lẳng phía trên các đồ vật trưng bày. Bà chủ giải thích: biểu tượng của cá chép hóa rồng thể hiện mong muốn của chị về việc thúc đẩy nghệ thuật Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Đây là

"Ngôi nhà" của những nghệ sỹ trẻ...

Không chỉ gây chú ý khi vừa mới ra đời bằng ngôi nhà độc đáo, những ý tưởng nghệ thuật được chị Nga triển khai thật sự gây ấn tượng với công chúng yêu nghệ thuật thủ đô. Đó là triển lãm 38 chiếc diều sáo của đồng bằng Bắc Bộ tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), triển lãm thư pháp "Vũ hội chữ" và nhiều cuộc triển lãm khác, từ loại hình truyền thống đến đương đại, các buổi giao lưu, nói chuyện về nghệ thuật với các khách mời như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, GS mỹ thuật Pierre Paliard (Pháp)…

Ngay khi vừa ra đời, trong vòng 1 tháng, chị đã mời được 17 họa sĩ tham gia triển lãm “Hà Nội. Đàn bà. Nghệ thuật”. Chị Nga cho biết: "Tôi muốn các nghệ sĩ có cơ hội để thể hiện mình. Càng có nhiều triển lãm hay hoạt động nghệ thuật diễn ra tại đây càng làm tôi vui, dù biết rằng sẽ rất mệt".

Không giống các cuộc trưng bày miễn phí và các hoạt động giao lưu vì mục đích công công, ngoài việc giới thiệu với bạn bè trong nước và thế giới những tinh hoa nghệ thuật xưa và nay thông qua các hiện vật và các hoạt động thường kỳ cũng như thúc đẩy nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngôi nhà của chị Nga thường xuyên tổ chức trưng bày và bán các tác phẩm nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu của người yêu nghệ thuật và để duy trì hoạt động. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống liên tục diễn ra đều đặn ở đây, nhưng sau vì vắng khách nên đã tạm ngưng.

Chủ nhân ngôi nhà nghệ thuật này vốn là một Việt kiều yêu văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Và chị đã rất

Chủ nhân ngôi nhà nghệ thuật này vốn là một Việt kiều yêu văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Và chị đã rất "đầu tư" cho nơi này.

Chị Nga tâm sự, điều khiến chị hạnh phúc nhất là ngôi nhà, mà đúng hơn là các hoạt động nghệ thuật diễn ra tại đó, đã tạo cảm hứng hay kích thích sáng tạo cho các nghệ sĩ. “Khi mở triển lãm, nhiều họa sĩ nói với tôi, bây giờ họ phải quay về vẽ thật sự chứ không thể cứ vẽ kiếm sống mãi được”, chị kể. 

Nhà sàn Đức (tổ 50, cụm 5, phường Vĩnh Phúc, Q.Ba Đình)

Không ít người ở Hà Nội chơi nhà sàn nhưng có lẽ chỉ mình anh được gọi là “Đức nhà sàn”. Anh trở thành chuyên gia thiết kế nhà sàn, đã mua các nếp nhà sàn về cho khá nhiều người, như nhà sàn của họa sĩ Thành Chương trong biệt phủ Thành Chương, nhà sàn Anh Khánh - Mai Hiên...

So với hai ngôi nhà trên, “dinh cơ” của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức thênh thang hơn với diện tích trên 500 m2. Có cả một khu vực rộng để làm xưởng sản xuất tượng gỗ. Năm 1989, anh lặn lội lên Hòa Bình mùa nhà sàn của một gia đình người Mường. Cả một nếp nhà sàn được “bứng” về đây. Gầm sàn được nâng cao lên 1,4-2,5 m, hành lang 4 bên cúp bớt, cầu thang được dựng thêm, thay mới mái tranh bằng mái ngói và dĩ nhiên phải thay cả rui mè, đòn tay.

Nhà sàn An Đức là một địa chỉ lạ và có những nét riêng trong số những ngôi nhà nghệ thuật giữa lòng Thủ đô.

Nhà sàn Anh Đức là một địa chỉ lạ và có những nét riêng trong số những ngôi nhà nghệ thuật ở Hà Nội.

Nhà sàn mở ra cả ở 4 mặt, không giống như nhà đồng bằng Bắc Bộ chỉ mở một mặt. Người vào nhà sàn có thể theo bất cứ ngả nào không cần biết ý kiến của chủ, người vào nhà đồng bằng Bắc Bộ chỉ theo một cửa và chủ nhà có thể nhìn thấy từ xa để quyết định tiếp hay không tiếp khách... Vì lẽ đó, anh cho rằng nhà sàn của anh… đương nhiên là nơi tụ tập bạn bè. “Tôi là người thường không tỏ ra sắc sảo, tính cách khá trung dung nên ai tìm đến tôi cũng thấy nhiều điểm tương đồng”, anh thổ lộ.

“Tài sản” lớn nhất và nhiều nhất của anh có lẽ là chó đá. Chó chầu dưới chân cầu thang dẫn lên nhà sàn, chó đứng ngoài vườn và la liệt hầu như khắp nơi trong nhà. Không chỉ có vài trăm con chó đá, anh còn có cả ngàn bộ tranh thờ của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc lên tới con số hơn 2000 bức. Ấn tượng hơn cả vẫn là tầng tầng lớp lớp những tượng phật bằng gỗ thếp vàng. Nghe nói, có thời anh bị tịch thu cả xe chở tượng Phật vì người ta tưởng anh buôn đồ ăn cắp ở chùa chiền.

Không chỉ cổ kính từ vẻ bề ngoài...

Không chỉ cổ kính từ vẻ bề ngoài...

“Nhà sàn Đức” là địa chỉ lí tưởng cho các triển lãm sắp đặt ngoài trời. Ngay khi nhà sàn vừa mới dựng xong, hoạ sĩ Trần Lương khai trương bằng chương trình sắp đặt “Khởi Thuỷ”, đến nay, nơi đây đã diễn ra gần trăm chương trình nghệ thuật sắp đặt, có cả của các nghệ sĩ nước ngoài…

Không gian rộng mở, chủ nhân sẵn lòng bỏ mái, tháo vách, đập tường, phá hàng rào và khơi thông không gian, thậm chí có thể thay đổi kết cấu nhà để cho ý tưởng của các nghệ sĩ sắp đặt được vùng vẫy.

và thỏa sức sáng tạo của những người nghệ sỹ mà nhà sàn Anh Đức còn có cả những

...và làm thỏa sức sáng tạo của những người nghệ sỹ mà nhà sàn Anh Đức còn có cả những "báu vật" mang tên văn hóa nghệ thuật ở bên trong ngôi nhà.

Không chỉ triển lãm và sắp đặt, anh cũng mời các nghệ nhân đến biểu diễn. Theo anh Đức, nhà văn Kim Lân - bố anh - sinh thời đón khách khứa đến chơi nhà và tổ chức các chương trình nghệ thuật quy mô nhỏ như diễn chèo, quan họ, ca trù, chầu văn, mời người Mường từ Hòa Bình xuống hát...  

Theo Hoàng Yên
bee.net.vn
Chia sẻ