Thăm nhà Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch ở Nam Kinh

,
Chia sẻ

Biệt thự Tống Mỹ Linh gắn liền với lịch sử Trung Hoa hiện đại, với cuộc đời một người đàn bà đẹp, trường thọ, tài giỏi, đam mê quyền lực và những khát vọng chính trị không thành.

Biệt thự ở số 9 đường Chung Sơn, Nam Kinh của đôi vợ chồng Tống – Tưởng là một phần của lịch sử Trung Hoa Dân Quốc. Nam Kinh là thủ phủ tỉnh Giang Tô cẩm tú, từng là kinh đô của 6 triều đại phong kiến Trung Hoa và là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch. 

Thời Tam Quốc, Khổng Minh Gia Cát Lượng đã viết: "Chung Sơn long bàn, thạch đầu hổ cứ, chân nại đế vương chi trạch dã" nghĩa là "Núi Chung thế rồng cuộn, đá hình hổ phục, thật là chốn đế vương vậy".
 
Biệt thự Tống Mỹ Linh nằm ở phía Nam núi Trung Sơn, do chính Mỹ Linh tự thiết kế

Là con một gia đình mục sư kiêm thương gia danh giá ở Thượng Hải, thừa hưởng một nền giáo dục hoàn hảo ở Hoa Kỳ, cô em út của nhà họ Tống đã thể hiện một khiếu thẩm mỹ tinh tế pha trộn giữa phương Đông và phương Tây. Những mái ngói cong Trung Hoa ăn nhập một cách duyên dáng với các ô cửa kính dài chạy dọc theo phân vị đứng của nhà.
 
Chiếc xe của Tưởng Phu nhân ở sảnh vào

Trong thời gian sống ở đây, Tống Mỹ Linh tự tay lái chiếc ô tô made in USA hiệu Buick – thêm một minh chứng về “mối thâm tình” với xứ cờ hoa, nơi đã từng giúp chính phủ Tưởng rất nhiệt tình. Mỹ Linh đã là cầu nối hết sức hữu hiệu – bà theo học từ nhỏ tại Hoa Kỳ và tốt nghiệp xuất sắc trường Wellesley College, chuyên ngành Văn học Anh và Triết học. Ba chị em nhà họ Tống được coi là những phụ nữ Trung Quốc đầu tiên được hưởng thụ nền giáo dục phương Tây vào thời mà ở Trung Quốc việc du học chỉ giành cho đấng nam nhi. Trong những năm 60, bà đã luôn là một trong 10 người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất Mỹ.

Sắc ngói thanh lưu ly óng ánh như ngọc bích

Mỹ Linh cũng như các cô gái Trung Hoa, luôn mê mẩn vẻ đẹp tinh khiết của các chuỗi ngọc, nên dường như màu ngói thanh lưu ly cũng ngọt ngào như màu chuỗi bích ngọc vậy.

Lưu ly là một loại gốm cao cấp, thuộc dòng men trong, nhẹ lửa, bền chắc và có những sắc màu tinh tế. Ngói lưu ly ở Trung Quốc và Việt Nam thường thấy 2 loại là hoàng lưu ly và thanh lưu ly. Hoàng lưu ly màu vàng vương giả chỉ có ở cung vua, còn thanh lưu ly thì ở nơi phủ quan lại quý tộc.
 
 
Nội thất với sofa đỏ ấn tượng 
 
Vào trong nhà, những yếu tố phương Tây trong ngôi nhà phương Đông càng nổi bật. Đặc biệt những bức tranh Thánh trên tường đã cho thấy nguồn gốc của Tống gia. Tưởng Giới Thạch vốn là Phật tử, đã cải đạo Thiên Chúa để mẹ Tống Mỹ Linh đồng ý cho cưới cô công chúa út của mình, một trong 3 chị em gái nổi tiếng với những người chồng nổi tiếng: Ái Linh – Khánh Linh - Mỹ Linh.
 
 
Thùng rác hình con tỳ hưu ngoài sân gạch bông

Bàn về 3 chị em nhà họ Tống, dân Trung Quốc truyền miệng câu “Cô cả yêu tiền, cô hai yêu nước, cô út yêu quyền”. Sự ham muốn quyền lực thể hiện rõ từ những sở thích thường ngày của Mỹ Linh. Những đồ vật mà bà thích nhất là ngọc bích và tỳ hưu. Tỳ hưu là một loài động vật huyền thoại, được biết đến dưới hình ảnh một con mãnh thú đầu lân mình sư tử, mang lại may mắn và quyền lực. Ngay cả đến thùng rác ngoài sân, Tưởng phu nhân cũng chọn hình con Tỳ hưu này.
 
Tống Mỹ Linh tắm bằng sữa tươi hàng ngày ở phòng tắm riêng này
 
Buồng tắm trắng toát với các thiết bị vệ sinh được nhập khẩu từ Anh này đã là một “kỳ quan” ở Nam Kinh vào những năm 30 thế kỷ trước. Tống Mỹ Linh tỏ ra rất biết cách “tận hưởng” khi tắm hàng ngày trong bồn này bằng sữa tươi để giữ gìn sắc đẹp. Những lời đồn đại thời ấy nói rằng “Có một đội dân công chuyên gánh sữa từ chân núi Tử Kim vào cung điện ở Nam Kinh cho Tống Mỹ Linh tắm, mỗi lần tắm của bà đủ cho một người dân bình thường tiêu xài trong nửa năm!”.
 
 
Phòng làm việc của Tưởng Giới Thạch với chân dung Tôn Trung Sơn
 
Trong thư phòng sáng sủa của Tưởng Giới Thạch, đừng ngạc nhiên khi thấy trên tường không phải là chân dung của chủ nhân mà là của Tôn Trung Sơn, thầy học và cũng là người anh em đồng hao của ông, người được dân Trung Quốc yêu mến suy tôn là”Quốc phụ Trung Hoa” với chủ nghĩa Tam Dân nổi tiếng. Chính vợ Tôn Trung Sơn, chị hai Khánh Linh của Tống gia đã giới thiệu và tác thành cho cuộc hôn nhân giữa em mình với Tưởng Giới Thạch.
 
Ảnh cưới Tống Mỹ Linh – Tưởng Giới Thạch với trang phục Tây phương

Biệt thự Tống Mỹ Linh cũng là một trụ sở của Quốc dân đảng cho đến trước khi nội chiến Trung Quốc bùng nổ và Quốc dân đảng thất bại trước Đảng Cộng sản Trung Hoa. Đây là phòng họp với chiếc bàn dài và lại là ảnh Tôn Dật Tiên – người khai sinh ra Trung Hoa Dân quốc, kết thúc trên 2.000 năm chế độ phong kiến.
 
 
Phòng họp, nơi thường tụ tập các thành viên cao cấp của Quốc dân đảng
 
 
Phòng riêng của Mỹ Linh, với bức chân dung khổ lớn trong trang phục sường xám Thượng Hải 
 
Phòng ăn lát gỗ với những ô cửa rộng. Một bàn ăn 4 người, thêm hàng ghế sát tường

Tầng trên của biệt thự có một sân ngắm cảnh bên bao lơn với bàn tròn và những chiếc đôn sứ nhỏ đúng truyền thống Trung Hoa. Cây cối sà vào đến tận chỗ ngồi. Ở nơi đây có thể ngắm ngọn Chung Sơn phía xa qua những rặng cây trong ánh tà huy cuối ngày.
 
Cảnh vật như trong một bài thơ Đường

 
Màu sắc tuyệt đẹp trong nắng chiều tà, với những hoa văn trên bức tường chái nhà
 

 Ngói thanh lưu ly, tường vàng và những cây cột đỏ - một hòa sắc rất Trung Hoa
 
Năm 1949, cùng với sự thất thế của Quốc dân đảng trước Đảng Cộng sản Trung Hoa, Tưởng Giới Thạch cùng Tống Mỹ Linh đã phải rời khỏi Đại lục tháo chạy ra đảo Đài Loan rồi sau đó sang Mỹ và không bao giờ quay trở lại nơi này. Tưởng phu nhân qua đời năm 2004 ở New York, thượng thọ 106 tuổi với những tham vọng chính trị to lớn đã không thành. Tuy nhiên, biệt thự Tống Mỹ Linh vẫn còn đó, nguyên vẹn, trầm mặc giữa Nam Kinh trong ánh chiều tà.

 
Tỳ hưu, sư tử và rồng – biểu hiện sự khao khát quyền lực - vẫn in hình trên nền trời xanh Nam Kinh

Theo archi.vn
Chia sẻ