Nội thất kim loại lên ngôi

,
Chia sẻ

Trong trang trí nội thất, chất liệu kim loại đã thoát ra khỏi hàm nghĩa của một loại sắt thép đơn thuần. Nó thể hiện một phong cách trang trí nội thất hiện đại, đầy cá tính.

Dựa trên gam màu xám chủ đạo, các nhà thiết kế đã kếp hợp với những kết cấu kim loại để tạo ra một tông màu sáng trong, pha chút lạnh lẽo và trầm lặng đầy thách thức nhưng cũng rất biểu cảm.

kim1.jpg
Bình hoa hình dáng độc đáo bằng sứ, phủ hợp kim
kim loại

Hình thành một phong cách "sắc màu kim loại"

Có thể nói, chưa lúc nào các sản phẩm trang trí nội thất lại dành nhiều ưu ái cho kim loại như hiện nay. Đơn giản vì chất liệu này có độ bền cao và dễ tạo dáng hơn so với gỗ.

Để khoác chiếc áo sang trọng, lịch lãm, pha chút "lạnh lùng" cho món đồ nội thất đang được ưa chuộng, hẳn nhiên từ một khối sắt thép nguyên thủy đến khi thành phẩm, người ta phải qua quá trình xử lý công nghiệp rất kỳ công.

Điều quan trọng là các nhà sản xuất cố gắng gọt giũa hình dáng của sản phẩm sao cho phá bỏ sự nhàm chán vốn dĩ của kim loại. Chính sự kết hợp linh hoạt và phong phú của kim loại với chất liệu khác đã "thổi hồn" vào sản phẩm, tạo cho chúng một "ngôn ngữ" riêng biệt.

Mặc dù chất liệu sắt thép đã được khai thác từ rất lâu, nhưng các nhà thiết kế chưa ứng dụng chúng vào các sản phẩm nội thất. Mãi đến năm 1926, hình hài một chiếc ghế lưng tựa của Marcel Breuer (Đức) có sự xuất hiện của kim loại kết hợp với gỗ ra đời.

Theo đó, trong những thiết kế sau này, dạng ống thép tiếp tục được sử dụng là giàn khung cho các mẫu ghế. Kỹ thuật này vẫn còn được ứng dụng đến ngày nay. Các đồ dùng nội thất bằng kim loại từ đó tiết giản được đường nét và trọng lượng so với những chiếc ghế gỗ nặng nề trước đây.

Chính trào lưu ấy dần dần tạo nên một phong cách thiết kế táo bạo mà đa số dành cho thử nghiệm mới mẻ của những người trẻ. Họ lấy cảm hứng từ kim loại cộng với sự cộng hưởng của các chất liệu khác làm nên xu hướng "metallic" (sắc màu kim loại).

kim3.jpg kim2.jpg
Mặt bàn bằng kính, chân bàn hình
đầu voi, làm bằng hợp kim đồng
Ghế inox bọc da trắng, dùng
trong quầy bar

Kim loại - nguồn cảm hứng trong thiết kế nội thất

Nhằm thỏa mãn các ý tưởng thiết kế cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu phong phú trong cuộc sống, đồ nội thất không chỉ dừng lại ở hợp kim. Các vật liệu khác được kết hợp nhằm tạo sự lịch lãm cho đồ dùng, với ánh sáng bóng của kim loại trắng hoặc xám.

Gam màu này, thích hợp với các kiểu dáng vật dụng hiện đại vì bề mặt phản chiếu của chúng tạo cảm giác hoành tráng. Trong khi đó, sản phẩm làm từ chất liệu vàng non hay đồng thau lại thể hiện sự quí phái và sang trọng. Màu vàng ánh của đồ dùng thể hiện sự thịnh vượng mà theo quan niệm phong thủy, đó là quyền năng của gia chủ.

Nếu những thập niên trước, sự bóng sáng của bề mặt kim loại là phong cách của thời trang nội thất, thì giờ đây nét bóng mờ của chất liệu hợp kim với bề mặt nhẵn hoặc nhám lại "lên ngôi". Chúng có vẻ trang nhã hơn khi kết hợp cùng các gam màu khác, nhất là màu không có độ sáng. Ngay cả chất liệu vàng bóng được dùng để mạ kim loại trước đây trong các kiểu bàn ghế mang phong cách cổ điển, nay cũng được thay thế bằng đồng thau để hạn chế ánh kim.

Không những thế, mẫu thiết kế thuộc trường phái này lại có xu hướng "làm mềm" những sản phẩm bằng cách sử dụng kim loại dạng ống rỗng để giảm trọng lượng, hạn chế tối đa những mối nối bằng ốc vít nặng nề.

Mặc dù chất liệu kim loại thể hiện sự mạnh mẽ, năng động, nhưng chúng đa phần chỉ xuất hiện ở dạng kết cấu của sản phẩm nội thất, ít khi là chất liệu chính. Ví như một chiếc bàn hoàn toàn bằng sắt hoặc nhôm được đặt trong một không gian nhỏ, trông chúng sẽ rất nặng nề. Do đó, ánh sáng sắc và lạnh của kim loại trở thành điểm khơi nguồn cảm hứng cho những thiết kế mới, tôn vinh tính ứng dụng.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm kết hợp giữa kim loại với các chất liệu khác như da thuộc, vải, nhựa, gỗ hay các chất liệu tổng hợp làm cho trào lưu "sắc màu kim loại" dường như ngày càng thịnh hành hơn.

kim4.jpg
Bình và cành hoa bằng kim loại dát màu ánh vàng đồng

Không gian đẹp thể hiện nhiều công năng

Như vậy, khi nói đến phong cách metallic, người ta liên tưởng ngay đến những gam màu trầm, lạnh. Nói cách khác, đó là sự mạnh mẽ thể hiện trong đường nét vật dụng, sự đơn giản trong bài trí, chú trọng công năng hơn là họa tiết trang trí.

Các nhà thiết kế cho rằng những sản phẩm như bàn, ghế, tủ, kệ... theo mô-típ hiện đại ưu tiên nhiều đến chất liệu kim loại vì chúng dễ lau chùi, bảo quản, lại trông gọn nhẹ hơn so với các chất liệu khác. Thêm vào đó, nhờ gam màu trầm và lạnh của bề mặt mà các sản phẩm này dường như khó bị cũ theo thời gian và ít bị ô-xy hóa do thời tiết. Chúng còn có khả năng chống trầy xước cao.

Chính vì thế, các nhà thiết kế nội thất đã đưa chất liệu kim loại vào sản phẩm. Từ chi tiết nhỏ như tay nắm cửa đến những bộ bàn ăn, tủ bếp hoành tráng, bạn cũng thấy sự xuất hiện của kim loại dưới dạng bóng sáng hay mờ.

Thông thường, ánh sáng bóng làm điểm nhấn cho vật dụng có màu trầm hay đục. Ánh mờ của hợp kim màu xám lại thích hợp với vật dụng có độ trong và sáng như thủy tinh, nhựa... Quy tắc tương phản này giúp các vật dụng bớt đơn điệu hơn.

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều sự lựa chọn vì đa phần các loại bàn ghế đều được làm bằng kết cấu khung ống kim loại. Đặc biệt, trong nhà bếp, kim loại còn dễ dàng thấy ở tủ bếp hay các vật dụng như tủ lạnh, máy móc gia dụng... Chúng kết nối liên hoàn với nhau trong màu xám mờ, tạo nên sự liền mạch trong thiết kế cũng như đem lại cảm giác sạch sẽ cho gian bếp.

kim5.jpg
Tay nắm cửa tủ giả cổ bằng đồng phủ màu ánh vàng

Khi chọn khung chân bằng kim loại bản lớn, bạn nên kết hợp với mặt bàn bằng kính trong để tạo sự nhẹ nhàng. Để giữ độ bóng sáng của kim loại, bạn nên lau chùi đồ vật với dung dịch không có chất tẩy.

Nếu bạn sở hữu một không gian thuộc chất mộc hay cổ điển theo "gu" Việt, chất liệu kim loại của vật dụng sẽ làm hỏng tính thẩm mỹ của nội thất. Đối với không gian bài trí hiện đại, màu sắc mạnh mẽ, đồ kim loại sẽ là chút "gia vị" thêm vào để tăng sự hoàn thiện cho không gian hiện đại. Đây là điều bạn nên lưu ý để không gian sống giữ trọn vẻ đẹp và sự năng động.

Theo Lê Đăng Khoa
Phong cách
Chia sẻ