Những kiêng kỵ với hành lang

,
Chia sẻ

Hành lang dẫn khí không nên nằm chính giữa, chia đôi ngôi nhà - điều mà phong thủy gọi là trảm tâm sát.

Chưa nói đến những yếu tố bất ổn về tâm lý (cảm giác chia cắt nội bộ) thì việc chẻ đôi này khiến các không gian trong nhà dù là chính hay phụ đều bị khống chế kích thước, thiếu linh hoạt và thiếu trọng tâm.

Hành lang không nên bố trí chính giữa, chia đôi ngôi nhà.
 
Gió hút, gió lùa và tiếng ồn cũng lan truyền theo "ống hút" này nhiều hơn. Ngay cả với công trình khách sạn (cũng là một dạng cư trú) thì việc dùng hành lang giữa chỉ nên bắt đầu trên các tầng lầu, ở khu vực phòng cho thuê, và luôn có những chỗ rẽ, khoảng đệm để tránh dạng sơn xuyên (gió hút qua khe hẹp).
 
Với vai trò dẫn khí, hành lang phải đảm bảo đưa khí tốt phân bổ đều khắp cho toàn nhà nên cần nối hành lang với khoảng trống như giếng trời, sảnh chung... chứ không nên đâm thẳng về một phòng riêng nào đó hoặc làm hành lang cụt.
 
Không nên để hành lang dẫn thằng trực tiếp vào cửa phòng riêng
 
Cuối hành lang và tại chỗ rẽ vuông góc cần bố trí gương (kính thủy) để phản chiếu tầm nhìn và kích hoạt dòng khí, hoặc đặt chậu cây, ghế ngồi nghỉ chân để chuyển tiếp tốt hơn. Tất nhiên là không dễ khi muốn bố trí một hành lang uốn lượn, mềm mại trong nhà ở, nhưng chỉ cần tránh làm hành lang bị "kẹp" giữa hai bức vách dài hun hút là ổn.
 
Hành lang thông với giếng trời tăng cường sự luân chuyển khí trong nhà
 
Có thể đặt vật dụng, cây xanh, mở được cửa bên hông... để hướng luồng di chuyển qua hành lang quanh co một chút, tăng tính dương cho không gian này. Hợp phong thủy hơn cả chính là những "hành lang" theo tinh thần ngôi nhà Việt truyền thống gồm lối đi hình thành giữa các khu chức năng và đồ vật, chứ không có ngăn chia cố định, tạo nên một trường khí thống nhất toàn nhà, đơn giản và hữu dụng.
 
Theo Đô thị
Chia sẻ