Nhà ở thân thiện với môi trường

,
Chia sẻ

Kiến trúc nhà ở thân thiện với môi trường được nhắc đến nhiều nhưng ít gặp trong thực tế. Xin giới thiệu một căn nhà ở Hà Nội để bạn đọc tham khảo.

 

Mặt tiền từ ngoài Hồ Tây nhìn vào, với độ cao khiêm tốn

Ít nhất có vài điểm sau đây gây thích thú khi ghé thăm ngôi nhà cạnh Hồ Tây, Hà Nội này. Trước hết, đây là nhà mái bằng ít thấy ở Hà Nội. Thứ hai, cách “binh” mặt bằng độc đáo vì tất cả các bộ phận của căn nhà được bố trí quanh trục dọc là một hành lang kín (passageway), như những chiếc lá mọc ra từ một cành cây. Thứ ba là tinh thần bảo tồn: từ bảo tồn căn nhà cũ của quá khứ đến bảo tồn môi trường, hệ thống gom và tích nước mưa rất “đáng giá” mà chủ nhân và KTS kỳ công tạo ra.

Nhà mái bằng, đường nét đơn giản, không hoa văn trang trí… là kiểu kiến trúc quen thuộc của Sài Gòn đầu thập niên 70 nhưng ít gặp ở Hà Nội. Tuy vậy, khi quyết định hình thức kiến trúc này, họ muốn ngôi nhà chỉ nằm lẩn dưới vòm cây tạo sự hài hòa thân thiện với thiên nhiên. KTS và chủ nhà đều đồng quan điểm về công năng: họ muốn đây là kiến trúc sinh thái, nên tận dụng nước bằng việc tổ chức hệ thống gom nước mưa khá công phu bằng hệ thống mái, đi xuống bể nước chìm và hồ nước lộ trước nhà, rồi sau đó dùng chính nước mưa này cho bốc hơi để làm mát ngôi nhà.

Và cũng với tinh thần môi trường ấy, họ đã dụng công bảo tồn cả những di sản vật thể của quá khứ. Một ngôi nhà gỗ cổ của dòng họ được giữ lại rồi lồng vào trong kiến trúc mới để biến thành phòng khách, phòng thờ hay không gian hoài niệm. Khu vườn hồng xiêm (xa-bô-chê) cổ của gia đình được giữ lại, bằng cách bố trí các khối nhà năm xen kẽ trong vườn để giữ lại từng gốc hồng đúng vị trí của nó. vì thế ngôi nhà phân bố thành bốn khoảng sân trong khác nhau.

Nhà bên hồ là rất mát, nhưng để hưởng trọn làn gió, KTS đã tính toán khi làm các khối nhà so le, để không che lấp nhau. Ngay cả độ cao thấp của các khối nhà cũng vậy, trước thấp hơn sau. Để hỗ trợ đưa các luồng gió, không gian phía trước được thiết kế như các ống dẫn gió vào sâu bên trong.

Nhìn vào bản vẽ mặt bằng ta thấy: sau lối vào ta gặp bên phải là hồ cảnh chứa nước mưa, sau đó là nhà để xe, từ đây có một hành lang nối chạy suốt toà nhà như một cột sống, phòng khách là nơi bảo tồn khung nhà cổ, chung quanh nhà là sân trong với các cây hồng xiêm của vườn gia đình…

 
 
Sân trong bên phải (sau khi vào nhà). Sân này tạo khoảng xanh cho phòng ngủ chính.
Mặt tiền nhà, hồ nước mưa có mặt thoáng rộng giúp nước dễ bốc hơi, cung cấp hơi nước để gió đưa vào làm mát toàn bộ căn nhà
 
 
Hành lang - passage way - như một trục chính nối các phần của nhà. Hành lang này giúp tránh được mưa khi di chuyển qua sân vào mùa mưa vừa tạo một cảm giác sâu của không gian. 
Lối đi bên trên passageway rợp mát bóng cây. Passageway này cũng giúp chia sân nhà thành bốn khu vực hay bốn sân trong riêng biệt.
 
 
Phòng ngủ và góc làm việc.
 
 
Nhà cổ được bảo tồn trong nhà mới.
Ban công, kiểu một “lầu nghinh phong”, đón gió và phóng tầm nhìn ra phía hồ Tây, nằm ngay trên lối vào và nhà xe được dẫn ra bởi ban công nằm trên “hành lang xương sống” (passageway).
 
 
Ngôi nhà với hình khối như đường dẫn gió.
Sân trong bên trái đưa vào phòng khách nơi bảo tồn khung nhà cổ.
 
Sơ đồ mặt bằng căn nhà, vị trí cây xanh là những cây hồng xiêm của vườn và được giữ lại
 
KTS thiết kế: Lê Lương Ngọc, công ty V-architecture, 68 Yên Minh, Hà Nội.
Địa chỉ công trình: 4 ngõ 416 ngách 22 Lạc Long Quân, Hà Nội
Theo Thu Thuỷ
SGTT 
Chia sẻ