Để nhà đề kháng với nóng

,
Chia sẻ

Việc lạm dụng kính gây hiệu ứng nhà kính trong kiến trúc ngôi nhà đang là vấn đề nổi cộm và phổ biến.

Các khu vực chức năng hướng về giếng trời mở này đối lưu không khí

 Kính giải quyết được phần nào tiếng ồn, lấy sáng trời tốt và cho cảm giác không gian được nới rộng ra. Tuy nhiên, ứng dụng không đúng cách sẽ gây tác dụng hầm nóng trong các không gian nhà ở, nhất là xứ nhiệt đới.

Làm ngõ cho gió đi

Muốn sử dụng kính đóng khi trời mát, mưa gió hay khi mở máy điều hoà, có thể làm dàn cửa hai lớp để tuỳ nghi dùng. Chẳng hạn, một dàn là bông sắt hay cửa lá sách, một dàn cửa kính. Bởi theo nguyên lý của ống khói, không khí, gió không ập từ trên nóc giếng trời xuống mà thường lùa theo phương ngang vào nhà, rồi hút lên những khoảng thông gió ở phía cao.

Muốn phòng ốc, khu vực nội thất thoáng khí thì thiết kế tối thiểu có một mặt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Từ đó, trong nhà ống bít bùng các mặt thường phải tổ chức giếng để ngửa mặt lên trời... thở và các không gian trong nhà bố trí hướng về đây đối lưu không khí.

Có những nhà có giếng trời nhưng lại bít nó bằng kính, tôn sáng và chỉ để lấy sáng nên gió không thể thoát. Khi thiết kế giếng, ngoài việc lấy nguồn sáng tự nhiên, còn phải là cái “ống khói” đưa không khí trong nhà bung ra – một chức năng tối hệ trọng. Sợ mưa hắt, tạt có thể làm mái kéo trượt theo đường ray; hoặc làm mái chụp nhưng phải có khoảng hở ở phía chân mái để thoát khí, ít nhất cũng phải có những ô trống theo thành giếng phía cao. Có nơi, còn không làm mái che trên giếng, cho mưa gió mặc sức... đi về. Khi đó, sàn dưới cùng thường là hồ kiểng hứng nước, được chống thấm và thiết kế hệ thống thoát nước tốt.

"Nắp" chụp giếng vừa sáng vừa thoáng

Sắc màu và cảm giác

Bên cạnh những giải pháp tạo thông thoáng nêu trên, còn một yếu tố nữa không kém hệ trọng để làm dịu mát ngôi nhà là sắc màu. Về nguyên tắc, bao giờ màu nhạt, màu lạnh cũng mát. Kiến trúc sư Huỳnh Công Huân, giám đốc Shu Décor cho rằng, tình trạng phổ biến hiện nay là sơn tường hay bị bóng lộn lên, dù đó là màu trắng và “chính độ bóng này làm phản chiếu sáng, trông khó chịu, thiếu sức đằm thắm; đó là chưa kể những màu nóng”. Thông thường khi trát mát tít xong, dùng giấy nhám xả phẳng rồi sơn, nên bóng. Nếu không xả, nước sơn sẽ đằm, không lấp lánh mà dịu mát.

Ngay cả trang bị đồ nội thất cũng phải tính đến độ cân bằng màu về tỷ lệ và sắc, bài trí đậm đặc quá màu nóng sẽ gây nặng nề cho không gian chứa đựng nó. Chất liệu simili, da, nhựa – bản thân đã hầm nóng và thường có cảm giác nóng; nhất là độ bóng của vật liệu. Kiến trúc sư Huân tư vấn, màn cửa xứ nóng cũng chỉ nên xài vải mỏng như voan để điều tiết nguồn sáng tự nhiên; “ngay như ánh sáng nhân tạo cũng cho cảm giác ấm, nóng hay tươi mát”. Đèn lấy sáng cho phòng hay khu vực có thể “giấu” nguồn phát sáng là đèn đi – tức cho chiếu sáng gián tiếp như hắt vào tường.

Một cách che mưa cho giếng trời mà vẫn thoát khí
Mái đúc bằng trên sân thượng có thể trồng rau, cây ăn trái làm mát

 

Theo SGTT
 
Chia sẻ