Mâu thuẫn của 4 chị em dâu sống chung một nhà...
(aFamily)- Chị dâu trưởng hiền lành, nhân hậu bị chê là đần. Chị thứ hai tắc ta, ghê gớm. Chị thứ ba im lìm, thâm nho còn chị thứ tư cũng không phải tay vừa...
Các anh chị độc giả aFamily thân mến,
Ai có nhiều anh chị em, khi lập gia đình, ăn ở trong cùng một mái nhà có mấy thế hệ sống cùng nhau, chắc các bạn sẽ hiểu rõ sự phức tạp là thế nào. Anh em trai kiểu gì chả xong nhưng chị em dâu thì không phải tự dưng các cụ lại có câu “Chị em dâu xáo thịt trâu thủng nồi”.
Tôi chưa lập gia đình, hàng ngày chứng kiến mấy bà chị dâu cũng đủ cám cảnh, nhiều khi nản lấy vợ luôn.
Một việc rất nhỏ nhặt nhưng chị lại dùng từ ngữ mỉa mai khiến mọi người mâu thuẫn, bất hòa, anh hai tôi thì cảm thấy xấu hổ với anh em. |
Chị dâu trưởng hiền lành, nhân hậu bị chê là đần. Chị thứ hai tắc ta, ghê gớm. Chị thứ ba im lìm, thâm nho còn chị thứ tư cũng không phải tay vừa.
Nhà đông trẻ con, bọn trẻ nên đâu có biết cái gì, chúng nô đùa, ăn uống vô tư. Song chính từ sự vô tư ăn uống ấy mà nảy sinh bao chuyện khó xử. Hôm mới đây là một ví dụ.
Trẻ con có tật, dù bố mẹ đã bảo không ăn trực nhà người khác nhưng mỗi khi ông bà, các bác, các chú dọn cơm, chúng lại ào vào góp mặt. Chả thế mà bố mẹ tôi hay chị dâu cả tôi luôn phải chuẩn bị mâm cơm nhà mình dôi ra đề phòng lũ trẻ ăn cùng.
Ai cũng như chị dâu cả, chắc không vấn đề gì nhưng nhiều khi cũng tội, các cháu ăn có khi con cái lại chẳng còn phần. Chả thế nên chị dâu thứ hai nhà tôi là người chi li, ghê gớm nên quán triệt tư tưởng ăn cơm muộn hơn so với các nhà khác. Đi ra đóng cửa, đi vào cài then, tủ lạnh cất chỗ kín cho bọn trẻ đỡ nghịch ngợm.
Chẳng chị nào vừa lòng chị nào!
Hôm rồi, gần giờ cơm tối, thằng Kiên con chị dâu thứ hai đi học về, lấy túi xúc xích chưa kịp ăn, chạy ra ngoài cất xe, lúc vào không thấy đâu nữa liền hỏi mẹ. Chị dâu thứ hai sồn sồn, quát con trong nhà song cố tình cho mọi người cùng nghe “Sao mày dốt thế, miếng ăn mà cũng không biết giữ, nạc không ăn thì xương cũng chả còn, ở đây mật ít ruồi nhiều, hiểu chưa”.
Cái giờ mọi nhà đang quây bên mâm cơm hoặc chiếc ti vi thì lời của chị dâu thứ hai đều bay lọt vào tận tai từng người. Chị dâu cả lắc đầu ngao ngán, chị dâu thứ ba nạt con “Từ mai tao cấm mày lai vãng sang đấy, nghe chưa!”. Chị dâu thứ tư bắt đầu to nhỏ với chồng.
Thế rồi câu nọ xọ câu kia xung quanh chuyện túi xúc xích, mấy chị dâu tôi lao vào khẩu chiến rất căng thẳng. Anh cả nổi tiếng gia trưởng thì đi vắng. Anh hai ngồi yên không nói gì, anh ba quát vợ đi vào, anh tư kéo vợ đang hằm hè chực lao vào ăn thua với chị dâu thứ hai.
Khổ nhất là tôi phải đứng ra can ngăn, bố mẹ cũng phải dừng mâm cơm để chạy ra phân giải. Lũ trẻ, đứa khóc, đứa nhìn, đứa sợ đến tội nghiệp.
Sự ồn ào tiếp tục tiếp diễn không thôi, thay vì lao vào nhau, bây giờ chuyển sang cạnh khóe, bới móc.
Chị dâu thứ hai xấu hổ, còn mấy chị kia được dịp hả hê. Không khí gia đình căng như dây đàn.
Chứng kiến câu chuyện mà tôi thấy buồn ghê. Ai có lỗi ư, tôi không muốn nhắc đến. Chỉ thấy một điều rằng, đã sống trong môi trường tập thể thì phải hoà đồng, nhẫn nhịn, mỗi người nhường nhau một tý sẽ tốt đẹp hơn.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Chẳng được miếng thịt, miếng xôi/Cũng được lời nói cho tôi bằng lòng”. Từ xưa các cụ luôn đề cao giao tiếp. Lời nói trong cuộc sống hàng ngày giúp ta thể hiện mình. Có khó khăn gì đâu khi lựa một lời nói khéo, người nghe cũng mát lòng mát dạ. Chị dâu thứ hai chẳng nhẽ lại không hiểu điều đấy? Một việc rất nhỏ nhặt nhưng chị lại dùng từ ngữ, lời nói lệch lạc khiến mọi người bất bình dẫn đến mâu thuẫn, bất hòa. Chị nói sướng mồm một câu trong khi chồng chị, anh hai tôi cảm thấy xấu hổ với anh em. Chị tự hạ thấp bản thân, đến tôi cũng mất đi phần nào sự kính trọng dành cho chị. “Miếng ăn quá khẩu thành tàn” chắc chị đã rõ. Câu “giàu vì bạn, sang vì vợ” chị đã nghe bao giờ chưa?
Còn anh Hai, tại sao một người có học thức, có địa vị trong xã hội, ra ngoài có bao người phải quỵ luỵ dưới trướng anh. Anh chỉ bảo, sai họ làm răm rắp mọi thứ. Thậm chí còn có biệt danh “thét ra lửa” lại không dạy được vợ anh sao? Anh bất lực đến nỗi ngồi nghe vợ nói móc mà chỉ im lặng. Mong anh hãy thấm nhuần câu “dạy vợ từ thủa còn thơ” để lần sau bố mẹ đã già không còn phải để ý mấy chuyện phiền lòng ấy nữa.
Chúc các anh chị hạnh phúc!