Mỗi tuần 1 chuyện

"Nhà chồng là gia đình hạnh phúc thứ 2 của mình!"

Việt Anh,
Chia sẻ

Mối quan hệ giữa con dâu với gia đình nhà chồng luôn là chủ đề nóng được nhiều chị em quan tâm. Nhưng cũng có những cuộc "cách mạng" kỳ lạ khiến mọi mâu thuẫn, khoảng cách không còn tồn tại nữa.

Với Phương Anh (25 tuổi, giáo viên Sư phạm), mẹ chồng không chỉ là mẹ chồng, em chồng không chỉ là em chồng mà họ đã trở nên hiểu nhau, thông cảm và cùng nhau xây dựng một đại gia đình hạnh phúc. Có người nói chị may mắn. Có người lại nói gia đình chị là “một gia đình điểm 10”.
 
Mẹ chồng tâm lý, con dâu ngoan
 
Nhiều cô dâu trước khi về nhà chồng thường rất lo lắng khi phải chung sống dưới một mái nhà với một gia đình đông thành viên. Phương Anh thì như thế nào nhỉ?
 
Ban đầu mình cũng có đôi chút lo lắng, ái ngại. Nhưng điều đó được giải tỏa luôn và ngay vì sự gần gũi, chân thành của mẹ chồng, em chồng và các thành viên trong gia đình nhà chồng. Mọi người luôn nhiệt tình giúp đỡ, nhắc nhở mình từ những điều nhỏ nhất. Nhờ vậy, mình hoàn thiện bản thân để hiểu và thích nghi với gia đình mới của mình.



Nhiều chị em căng thẳng, lo lắng không biết tính mẹ chồng tương lai thế nào, Phương Anh có thế không?
 
Cũng như nhiều chị em khác, thời gian đầu khi về nhà chồng, mình có đôi chút lo lắng. Nhưng như mình nói trên, mẹ chồng là một người rất tâm lý. Chính mẹ đã giúp mình thoát khỏi sự bỡ ngỡ trong khoảng thời gian đầu.
 
Mẹ luôn là chỗ dựa tin cậy cho mình trong mọi tình huống. Hai mẹ con hay chia sẻ với nhau những khúc mắc trong cuộc sống. Và có bất kỳ vấn đề gì, mình đều gặp và xin ý kiến của mẹ. 

Điển hình như vợ chồng mình. Vì vợ chồng trẻ nên đôi khi xảy ra mâu thuẫn. Những lúc đó, mẹ không bênh ai mà luôn đứng giữa để phân tích đúng sai của từng người. Tóm lại, mình vô cùng tự tin và chưa bao giờ cảm thấy bị lạc lõng trong gia đình thứ 2 của mình.
 
Có nhiều người con cho rằng, bố mẹ chồng thì phải có trách nhiệm giúp đỡ con cái về tinh thần (chăm sóc cháu, cơm nước...) và vật chất, Phương Anh nghĩ thế nào về vấn đề này?
 
Mình không nghĩ đó là một quan điểm đúng. Con cái khi đã trưởng thành và lập gia đình như vợ chồng mình chẳng hạn, cần phải có trách nhiệm để báo hiếu cha mẹ chứ không được đòi hỏi cha mẹ phải có trách nhiệm với con cái. Những người đòi hỏi cha mẹ vẫn phải giúp đỡ mình là những người con vẫn còn tư tưởng sống trong sự bao bọc, ỷ lại cha mẹ.
 
Bố mẹ chồng mình vẫn giúp đỡ vợ chồng mình rất nhiều. Biết con cái bận rộn, mẹ luôn dành việc nhà, bếp núc, chăm sóc nhà cửa, tạo điều kiện tối đa cho vợ chồng mình đi làm và phấn đấu sự nghiệp. Không những thế, bố mẹ thường gợi ý “Để mẹ trông bé, hai con đi ‘hâm nóng’ tình cảm đi”. Thực sự, mình hạnh phúc vô bờ vì những điều mà bố mẹ làm cho chúng mình. 

Bộ ba - Mẹ chồng Phương, Phương và em chồng thường đi với nhau

Nhiều chị em dành thời gian nghỉ trưa để “nói xấu” gia đình chồng, bạn nghĩ thế nào về điều này?
 
Thời gian đầu mình cũng thực sự lo lắng. Nhưng sau vài lần tiếp xúc, mình thấy mẹ chồng là một người thẳng thắn. Mẹ luôn nói cho mình những việc người con dâu nên làm, những việc mình làm tốt và chưa tốt.
 
Mẹ cũng tâm sự từng trải qua hoàn cảnh bỡ ngỡ khi về nhà chồng giống như mình bây giờ. Thế nên mẹ muốn mình hoàn thiện bản thân để phù hợp với gia đình nhà chồng. Mình luôn coi đấy là bài học và hoàn thành nó một cách tốt nhất.
 
Mình biết nhiều cô gái cũng hay than thở về mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, mối quan hệ phức tạp với em chồng… Tuy nhiên, mình nghĩ phụ nữ luôn có những thiệt thòi nhất định nhưng họ là những người hiểu nhau hơn cả. Không ai muốn tạo áp lực thêm cho ai, chỉ là mỗi người có một cách nói, cách giải quyết vấn đề khác nhau. Mình thiết nghĩ, chỉ cần chị em mở lòng, biết lắng nghe hơn, chắc chắn người đó sẽ thông cảm, hiểu gia đình nhà chồng.

 Cô Minh Hiền và con dâu Phương Anh

Phương Anh đã thay đổi như thế nào để trở thành dâu thảo trong mắt gia đình chồng?
 
Mẹ chồng rất thích làm đẹp nên mình cũng có nhiều cơ hội để trổ tài. Mình thường học những kiểu làm tóc mới để làm cho mẹ. Ngược lại, mẹ cũng có con mắt tinh tường về thời trang. Mẹ hay tư vấn cho mình nên mặc thế nào, cái áo đó nên kết hợp với cái váy nào…
 
Mình hạnh phúc vô cùng khi có ai đó hỏi mẹ: “Ồ, chị Hiền làm tóc ở đâu mà đẹp thế?”. Mẹ chồng mình trả lời: “Đâu, con dâu chị làm cho đấy”.
 
Nhờ được mẹ động viên thường xuyên mà tay nghề làm tóc của mình ngày càng được nâng cao. Có lúc mẹ còn khen mình làm tóc cho mẹ đẹp hơn cả mẹ đi làm ngoài tiệm.
 
Từ ngày làm con dâu mẹ, mình được mẹ chỉ bảo biết bao thứ. Mẹ rất thích tự tay làm tất cả các món ăn cho gia đình, từ ô mai, mứt Tết đến đồ ăn hàng ngày. Nhờ những buổi học miễn phí với mẹ mà khả năng nấu nướng của mình cũng dần được cải thiện.
 
Tóm lại, trong cuộc sống không ai có thể hoàn hảo tuyệt đối để làm vừa lòng tất cả mọi người. Nhưng từ sự chân thành, cởi mở, vị tha và tôn trọng nhau, mình nghĩ đối phương sẽ hiểu được tấm lòng của mình và bỏ qua những điểm thiếu sót.


Gia đình 4 thế hệ hạnh phúc nhà chồng Phương Anh

Còn cô, thưa cô Minh Hiền (mẹ dâu của Phương Anh), cô cảm nhận thế nào về con dâu của mình?

Sau 4 năm có Phương Anh làm con dâu, cô như được trẻ ra. Cô cảm nhận các thành viên trong gia đình yêu thương nhau hơn, quan tâm tới nhau nhiều hơn. Nhiều người không tin hai mẹ con cô là mẹ chồng - nàng dâu bởi hai mẹ con rất hay đi chơi cùng, quấn quýt với nhau. Đi đâu cũng “bộ ba”: cô, Phương Anh và em Minh Phương.

Phương Anh là đứa con ngoan, lễ phép, rất tinh tế và luôn quan tâm tới tất cả các thành viên trong gia đình. Từ khi em ấy về làm dâu, cô hoàn toàn tin tưởng giao phó "cô út" trong nhà vì Phương Anh như người chị gái, dạy dỗ bảo ban em Minh Phương những điều mà đôi khi Phương không hay chia sẻ với bố mẹ.

May mắn khi có "bà cô bên chồng" đáng yêu
 
Phương Anh nghĩ thế nào về câu nói: “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”?
 
Thực ra, khi chuẩn bị về làm dâu, mình cũng khá ái ngại khi nghĩ đến đối tượng "giặc bên Ngô" này. Thế nhưng dần dần, mình thấy “bà cô bên chồng” nhà mình rất đáng yêu.
 
Với mình, câu nói đó chỉ có tính đe dọa ban đầu tí thôi (cười). Thực chất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta sống chân thành, cởi mở với mọi người, nhất là với những người trong gia đình thì chắc chắn mình cũng được đáp lại bằng sự vui vẻ, tình yêu thương.


Tính cách của “Giặc bên Ngô” nhà bạn thế nào vậy?
 
Mình rất may mắn khi có cô em gái đúng bằng tuổi em chồng mình. Có lẽ cũng vì điều này mà chúng mình hợp và hiểu nhau rất nhanh. Trước đây, khi đi làm về hay những buổi trưa rảnh rỗi, hai chị em thường rủ nhau đi ăn uống, nói chuyện.
 
Cô bé rất thích nghe mình kể những câu chuyện về hai chị em gái ở nhà như thế nào, rồi những kỷ niệm khi mình bằng tuổi cô bé…
 
Từ những buổi nói chuyện như thế, hai chị em cảm thấy rất gần gũi, hiểu nhau hơn. Có những lúc cô bé gặp khó khăn trong tình cảm, học tập, các mối quan hệ xung quanh, em lại kể với mình và hai chị em cùng lên kế hoạch ứng phó. Mình cũng tạo điều kiện cho em chồng và em gái chơi với nhau.
 
Hao cô bé thường rủ nhau đi chơi, học bài cùng nhau rồi về kể lại cho mình nghe. Ba chị em mình thân thiết với nhau như chị em ruột. Mình cảm thấy hạnh phúc và tự hào về điều này.
 


Chị em ruột còn có những lúc cãi vã, vậy khi Phương Anh và cô em chồng Minh Phương xảy ra mâu thuẫn, bạn đã giải quyết thế nào?
 
Vì khá chênh tuổi tác nên sự hợp nhau hoàn toàn của hai chị em là điều không dễ dàng. Ngay từ cách suy nghĩ, hai chị em đôi lúc còn trái ngược nhau. Minh Phương là một cô bé rất ngây thơ, trong sáng, trong khi mình lại hay trầm trọng hóa vấn đề và có lúc thì ngược lại.
 
Lần bất đồng quan điểm nghiêm trọng nhất của hai chị em là ai bỏ về phòng người nấy, nhưng sau đó mọi chuyện lại ổn thoả và tốt đẹp. Cách giải quyết của mình là để một lát sau, suy nghĩ lại và mở lòng, lắng nghe lời em nói… Khi ấy, dường như cả hai đều hiểu cho nhau và mọi khúc mắc dường như tan biến.
 


Mình thuộc kiểu người nhanh giận nhưng cũng rất nhanh quên, và với mình đó là một lợi thế. Tuy nhiên, mình luôn phải đặt mình vào tâm lý của cô bé để chia sẻ và giải quyết câu chuyện.
 
Mình tin không chỉ mình mà mọi người khi tiếp xúc với những cô bé trong độ tuổi trưởng thành đều phải như vậy. Muốn thực sự hiểu các em, chúng ta luôn phải biết lắng nghe, bình tĩnh, đặt mình vào hoàn cảnh của các em, chân thành chia sẻ và đưa ra những điều mình đã từng va vấp trong cuộc sống để tạo niềm tin cho các em.
 
Kỷ niệm nào với em chồng mà Phương Anh nhớ nhất?
 
Hai chị em mình có với nhau rất nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng có lẽ khoảng thời gian không bao giờ quên được đó là hôm hai chị em lên kịch bản làm lễ kỉ niệm 26 năm ngày cưới cho bố mẹ chồng.
 
Chúng mình mất nguyên một tuần để tập tành và chuẩn bị cho ngày trọng đại đó. Hai chị em đóng giả làm bố và mẹ, chọn bài hát và ghép chúng lại thành một câu chuyện về chuyện tình yêu của 2 người.

 
Hôm đó, mình là MC, bật slide ảnh bố mẹ hồi còn trẻ, lồng ghép cùng những giai điệu ngọt ngào. Điều đó đã khiến cả nhà vô cùng xúc động.
 
Ngoài ra, hai chị em rất hay trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Ví dụ mình dạy em làm bánh, làm sữa chua, đan khăn, nấu mấy món đơn giản để mời bạn bè. Minh Phương dạy mình tết tóc, làm đồ hand-made ngộ ngộ rồi dạy mình cách đeo lens cho trẻ trung giống mấy em teen bây giờ (cười).
 
Tính cách nhí nhảnh của cô bé khiến mình như được trẻ lại. Và cứ thế, cuộc sống của gia đình mình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

Nếu nhận xét ngắn gọn về chị dâu mình, Minh Phương sẽ nói gì?

Minh Phương: Mình chỉ nói một câu thôi, mình coi chị như chị gái của mình. Từ ngày có chị, gia đình mình vui vẻ, đầm ấm hẳn lên!
 
Chân thành cảm ơn sự chia sẻ của Phương Anh!


 
 Với hầu hết các nàng dâu mới, việc trải nghiệm cái Tết đầu tiên ở nhà chồng thường để lại trong họ những cảm xúc khó tả và không sao quên được.

Chia sẻ