Nguy hiểm: Sỏi thận để lâu ngày có thể gây ung thư thận

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Ung thư thận có thể do nhiều yếu tố như: thói quen nhịn tiểu, tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tật, môi trường sống, và kể cả sỏi thận.

PGS.TS.BS. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc BV Bình Dân TP.HCM cho biết, trước đây ung thư thận thường gặp ở người 50-70 tuổi, tuy nhiên gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa.

"Mỗi năm Việt Nam ghi nhận có khoảng 810 trường hợp mắc mới ung thư thận và khoảng 630 người tử vong vì căn bệnh này mỗi năm. Dù là căn bệnh khá nguy hiểm, tuy nhiên bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, do những dấu hiệu dễ trùng lắp với các bệnh lý thông thường khác, dễ bị bỏ sót" – BS Hoàng chia sẻ.

Nguy hiểm: Sỏi thận để lâu ngày có thể gây ung thư thận - Ảnh 1.

PGS.TS.BS. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng chia sẻ về những tiến bộ trong điều trị sỏi thận, bướu thận.

Theo các BS, ung thư thận có thể do nhiều yếu tố như: thói quen nhịn tiểu, tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tật, môi trường sống… Tuy nhiên, có một nguyên nhân gây ung thư thận mà ít ai ngờ tới, đó là: sỏi thận.

Thống kê cho thấy, sỏi thận có tỷ lệ mắc cao nhất trong các bệnh lý của đường tiết niệu. Tại BV Bình Dân, trung bình mỗi năm nơi đây tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 1.500 trường hợp sỏi thận. Trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân sỏi thận lớn, sỏi san hô gây ảnh hưởng đến chức năng thận.

Nguy hiểm: Sỏi thận để lâu ngày có thể gây ung thư thận - Ảnh 2.

Hiện nay, phương pháp nội soi trong điều trị sỏi thận và bướu thận đã rất phát triển.

Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, sỏi thận có thể gây những biến chứng cho người bệnh như: nhiễm trùng, tắc nghẽn đường tiết niệu, suy thận, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể cũng như có thể gây tử vong.

Ngoài ra, những trường hợp để sỏi lâu năm không điều trị có thể gây nhiễm trùng nặng, làm tổn thương niêm mạc thận, từ đó dẫn đến ung thư thận. Do đó, điều trị sỏi thận không chỉ để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mà còn giúp triệt tiêu một tác nhân gây nên ung thư.

TS BS Phạm Phú Phát, BV Bình Dân cho biết, trước kia để lấy sỏi thận lớn, chỉ có cách mổ qua nhiều lớp cơ thể để bộc lộ thận. Điều này làm vết mổ lớn, thời gian hậu phẫu kéo dài, gây đau đớn cho bệnh nhân. Hiện nay, nhờ y học phát triển nên việc điều trị sỏi thận và kể cả bướu thận cũng có thêm bước tiến mới.

BS Phát cũng chia sẻ, trước đây, để duy trì sự sống cho bệnh nhân ung thư thận, các bác sĩ phải cắt thận tận gốc để điều trị, tránh di căn. Những năm gần đây, phẫu thuật nội soi cắt một phần thận đã được áp dụng ngày càng rộng rãi, nhất là với bướu thận có kích thước dưới 4cm.

Nguy hiểm: Sỏi thận để lâu ngày có thể gây ung thư thận - Ảnh 3.

Dùng robot cắt một phần thận cho bệnh nhân.

"Bệnh viện Bình Dân đã triển khai phẫu thuật nội soi cắt một phần thận từ năm 2004. Đến nay, kỹ thuật này cho thấy hiệu quả, an toàn cho người bệnh. Việc sử dụng chất chỉ thị ICG-Fluorescence trong quá trình phẫu thuật giúp các bác sĩ xác định mạch máu nuôi bướu, các hạch di căn để triệt để lấy trọn khối bướu và nạo hạch, đồng thời bảo tồn tối đa phần chủ mô thận lành. Nhờ vậy, tiên lượng sống còn của người bệnh được cải thiện và tỷ lệ tái phát được giảm thiểu đáng kể" – BS Phát cung cấp.

Ngoài ra, một phương pháp mới trong điều trị sỏi thận bằng lấy sỏi thận qua da xâm lấn tối thiểu cũng được áp dụng thành công tại BV Bình Dân từ tháng 9-2015. Kỹ thuật này giúp người bệnh ít đau sau phẫu thuật, hồi phục mau chóng, đồng thời đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Theo các BS, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm tra xem mình có bị sỏi thận hay bướu thận hay không bằng việc siêu âm bụng. Tuy nhiên thói quen này thường bị bỏ qua, để đến khi đã có triệu chứng gây đau thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Do đó, BS khuyến cáo người dân phải chú ý đến những thay đổi của cơ thể như đi tiểu có máu, đột ngột đau lưng dưới, đau tức vùng hông lưng, mệt mỏi, sụt cân… Đây đều có thể là những dấu hiệu của việc mắc ung thư thận.

Chia sẻ