Người phụ nữ cười khi trao quà từ thiện: 'Tại sao lại không cười?'

,
Chia sẻ

Bức ảnh một nhà hảo tâm đang trao quà cho chồng chị Đậu Thị Huyền Trâm - bà mẹ từ chối điều trị ung thư để bảo vệ sự sống cho con đã gây ra nhiều luồng tranh cãi.

Bức ảnh gây nhiều tranh cãi nhất tuần qua

Câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm (25 tuổi), từ chối điều trị ung thư để bảo vệ sự sống cho con đã khiến bất cứ ai cảm thấy xúc động, rơi nước mắt. Có lẽ chính vì thế mà mọi thông tin về người phụ nữ và con nhỏ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận.

Sau sự ra đi của nữ thiếu úy kiên cường vào chiều ngày 27/7 thì những ngày qua, trên khắp diễn đàn to nhỏ cũng như trên facebook cá nhân, hình ảnh một nhà hảo tâm trao quà cho chồng Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm tại bệnh viện được chia sẻ liên tục.

 - Ảnh 1

Bức ảnh gây tranh cãi nhiều nhất tuần qua.

Trong ảnh là hình ảnh người phụ nữ mặc áo xanh đứng bên cạnh giường bệnh, nơi chị Trâm đang nằm trên giường và trao quà cho chồng của chị Trâm. Điều gây tranh cãi là người phụ nữ này lại cười khá tươi. Chính vì lẽ đó, rất nhiều cộng đồng mạng đã chỉ trích thậm tệ người phụ nữ này.

Họ cho rằng, đây là chiêu "PR rẻ tiền", "làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi". Có rất nhiều lời chỉ trích khó nghe, thậm chí nhiều bài viết dùng từ ngữ nặng nề như "cười trên nỗi đau của người khác" , "kinh doanh trên xác thịt"... khiến người trong cuộc cảm thấy đau lòng.

Người phụ nữ trong bức ảnh đó được xác định là chị Thanh Hương - Là người sáng lập quỹ từ thiện "Hạnh phúc cho mọi người" và có nhiều đóng góp cho các hoạt động xã hội.

Chụp ảnh từ thiện: Tại sao lại không cười?

Trước rất nhiều ý kiến chỉ trích, "ném đá" từ cộng đồng mạng về khoảnh khắc bị "ném đá" của chị Hương, nhiều người quen biết và từng có cơ hội được làm việc cùng người phụ nữ này đã có những lời chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin.

Chị Minh Châu (Phó chủ nhiệm nhóm từ thiện Thiên thần) cho biết: "Mình đã tiếp xúc và làm việc với chị Hương rất nhiều, cũng đã đi làm từ thiện với chị Hương. Cá nhân mình, mình rất tôn trọng, nể chị Hương cực kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực từ thiện. Cách chị làm từ thiện khiến mọi người yên tâm và vui vẻ bởi chị sòng phẳng công khai tài chính minh bạch, tất cả mọi người đều biết.

Ví dụ như các cháu bị tim bẩm sinh mà cần kêu gọi gấp chỉ vài tiếng đồng hồ là chị Hương có thể kêu gọi đủ số tiền cho cháu phẫu thuật, chị Hương cũng từng xây rất nhiều trường học cho trẻ vùng cao".

 - Ảnh 2

Chị Minh Châu chia sẻ ý kiến cá nhân của mình về bức ảnh đang lan truyền những ngày qua.

Trong quá trình làm từ thiện, chị Minh Châu cho biết, chị coi chị Thanh Hương là nơi để chia sẻ điều mà bản thân mình đang cảm thấy khó khăn nhất và luôn nhận được lời khuyên chân thành.

Nói về bức ảnh đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, chị Minh Châu cho biết: "Nếu đặt tiêu đề bài viết "Kinh doanh trên xác thịt của người chết" thì mình thấy cách đặt tít này phải tội. Bạn nên hiểu chụp ảnh cũng là cách để công khai minh bạch tài chính, vì chị Hương là trưởng nhóm từ thiện.

Trong trường hợp này, người chụp ảnh vô tình khi đăng tải bức ảnh đó, nhưng đâu phải cứ vào viện là phải khóc, phải hiểu sâu xa vấn đề chứ đừng chụp mũ người khác như thế. Đó là trào lưu a dua không chấp nhận được. Khi chị Hương không may gặp phải sự việc này, mình rất thương, vì cộng đồng mạng quá ác khẩu khi nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng tiêu cực. Có được gặp và làm việc với chị thì mình tin tất cả mọi người đều có chung suy nghĩ với mình".

Từng có dịp được làm việc chung với chị Thanh Hương đôi lần, anh Lê Minh Đức (Thành viên của hội từ thiện Từ trái tim đến trái tim) cho biết: "Nhìn nhận về bức ảnh đang được nhiều người chia sẻ, bản thân tôi thấy thế này: Khi bệnh nhân được nhận quà, sức khỏe của bệnh nhân khỏe lên và lúc đến thăm, bệnh nhân được người nhà đón nhận những tình cảm nồng ấm thì chị Hương rất vui. Một điều nữa, khi chụp ảnh hầu hết ai cũng cười (trừ những tình huống cụ thể thì mới có biểu cảm khác) nên việc chị Hương cười khi trao từ thiện là bình thường".

Theo lời của anh Đức, khi vui người ta sẽ cười, chính vì thế chị Thanh Hương đến trao quà cho chị Trâm và nở nụ cười là bởi cháu bé của chị Trâm khi đó đã bỏ ống thở và thở bình thường, nên chị Trâm cảm thấy vui lây về thông tin đó.

"Không phải lúc nào đến thăm bệnh nhân chị Hương cũng cười mà cũng có lúc chị khóc vì thương bệnh nhân. Bức ảnh đó chỉ phản ánh được một khía cạnh chứ chưa phải là tất cả", anh Minh Đức chia sẻ.

Cũng có những bình luận ác ý mà anh Đức đọc được rằng "chị Trâm không phải hoàn cảnh đặc biệt sao phải đến làm từ thiện", nói về bình luận này, anh Đức cho biết thêm:

"Lý do thứ nhất, chị Trâm là đồng nghiệp với chồng chị Hương. Điều thứ 2, khâm phục sự hi sinh của người mẹ để sinh con. Khi đã khâm phục, ngưỡng mộ thì việc đến thăm động viên, chia sẻ đó là điều đương nhiên. Tôi không bằng lòng với những lời nhận xét quá gay gắt với người phụ nữ cười trong ảnh, bởi những lời nhận xét đó chỉ là một chiều, phiến diện".

 - Ảnh 3

Theo anh Đức, mọi sự nhận xét đều phiến diện.

Chia sẻ thêm về mong muốn của mình, anh Đức bày tỏ: "Chúng ta nên động viên khuyến khích họ làm tốt hơn. Nếu tâm họ không trong, ý họ không sáng thì làm sao có được các nhà hảo tâm, đóng góp cho chương trình, làm sao mà chương trình của họ ngày càng phát triển, ngày càng nhiều người tham gia đóng góp và được đông đảo mọi người đồng tình ủng hộ".

Nói thêm về bức ảnh của chị Thanh Hương, trên trang facebook cá nhân, nickname Huong Pham - là bác sĩ bệnh viện K cũng đã đưa ra những lý lẽ của riêng mình về câu chuyện nói trên.

Xin trích nguyên văn những dòng chia sẻ của nickname Huong Pham:

"TẠI SAO LẠI KHÔNG CƯỜI?

Bức ảnh đang lan truyền chóng mặt kéo theo hàng ngàn bình luận cay nghiệt, độc ác trên mạng về một nhà hảo tâm đến tặng quà cho người mẹ ung thư giai đoạn cuối hy sinh cơ hội điều trị của mình để giữ con đang làm chao đảo cộng đồng.

Tôi là bác sĩ bệnh viện K, nơi chị Trâm vừa vào điều trị. Và tôi tự hỏi: "Tại sao các bạn lại muốn bác sĩ hoặc những nhà hảo tâm mỗi khi bên cạnh chị Trâm lại không cười, lại phải khóc sao? thậm chí khóc càng bi thương càng tốt, khóc suốt cả ngày càng tốt sao?"

Là bác sĩ chuyên khoa ung thư, chúng tôi đã khóc thầm vì bệnh nhân nhiều rồi. Và chúng tôi cần cười. Cười khi bệnh nhân có vài phút giây bớt đau, khi bệnh nhân có chút niềm vui nho nhỏ. Ngay cả khi bệnh nhân của chúng tôi tử vong, khóc hãy để sâu trong tim, hãy giữ vẻ mặt cố gắng bình thường để còn an ủi người thân của họ, và còn quá nhiều việc phải làm cho gia đình họ.

Tôi tiếp xúc với hàng trăm cá nhân từ thiện đến bệnh viện K chia sẻ với bệnh nhân ung thư. Tôi cần nhiều nhiều hơn nữa nụ cười của các nhà từ thiện để nụ cười ấy lan tỏa niềm lạc quan cho bệnh nhân, cho người nhà bệnh nhân. Còn hơn là ngồi ở đâu đâu, khóc thuê, bình luận mướn bằng những lời độc địa.

Nhìn thấy nụ cười của nhà từ thiện bên cạnh chị Trâm đang nghẹo đầu ngủ mệt, bạn sẽ thấy đấy là nụ cười của người đàn bà viên mãn, làm được quá nhiều điều thiện cho người khác nếu tâm bạn trong sáng, lòng bạn hướng thiện. Quá lắm bạn chỉ xem như bức ảnh đó hơi thiếu tính logic, thiếu đi mấy bức ảnh đầu khi nhà từ thiện đã phải khóc.

Và bức ảnh kèm theo đây của tôi, bạn có hò nhau ném đá rằng "Bác sĩ cười toe toét với cháu bé ung thư còi cọc suy dinh dưỡng" không? Tại sao lại phải khóc? Cháu 19 tháng tuổi, suy dinh dưỡng nặng, chỉ nặng 6 kg, u ác tính to đến nỗi choán chỗ toàn bộ ổ bụng. Ngay thời điểm nhận điều trị cháu, thay vì ngồi một chỗ, khóc lóc thương cảm giả dối, bác sĩ chúng tôi bình thản dũng cảm điều trị cho cháu. Giờ u tan hết, cháu chạy chơi như thằng giặc con, vậy đã cười toe toét được chưa?".

Theo Người Đưa Tin

Chia sẻ