Bí quyết nuôi dạy con:

"Người mẹ tốt phải biết hóa thân vào thế giới của con"

Hiền Thục,
Chia sẻ

Đến nhà chị Đặng Tuyền (28 tuổi, biên tập viên một tờ báo dành cho trẻ em), ai cũng phải giật mình bởi bé Giang mới gần 9 tháng nhưng đã biết tỏ thái độ thân thiện, hòa đồng, dạn dĩ với người xung quanh.

Khoa học từ khi mang thai, con sẽ khỏe

- Tại thời điểm 8 tháng, bé Trường Giang đã nặng 11kg và dài 80cm, đây là một kết quả của bao bà mẹ mơ ước. Chị đã chăm con như nào mà bé bụ bẫm vậy?

Trường Giang là một đứa trẻ ăn uống tốt ngay từ lúc sinh. Điều này các mẹ có thể chú ý từ khi mang bầu. Thời gian mang bầu mình không hề kiêng gì hết. 

Mình đọc rất nhiều tài liệu tham khảo nhưng mình thấy, mỗi người mẹ đều phải lắng nghe cơ thể của mình trước, không quá phụ thuộc vào sách vở. Bởi chỉ có bạn mới hiểu được nhu cầu của bản thân mình. 

Theo mình, bé được sinh ra khỏe mạnh là có yếu tố tiền đề từ lúc mẹ mang bầu. Ngay cả cách ăn uống của bé khi sinh ra cũng phụ thuộc vào cách mẹ tạo thói quen ăn uống và bổ sung chất trong khi mang thai. Từ khi mình có con, mình luôn cố gắng khoa học từ việc cho ăn tới nuôi dạy con. 



- Trong cách nuôi dạy con, chị chú trọng nhất đến điều gì tại thời điểm này?

Mình chú trọng đến cách bé thể hiện tình cảm nhất. Một người mẹ sinh con ra sẽ có những cách tiếp cận với con theo cách riêng của mỗi người. Mình chủ động tiếp cận con mình như một người bạn từ khi bé mới sinh. Mình rất quan trọng việc giao lưu tình cảm giữa mẹ và con.

Khi cho con ti, bao giờ mình cũng cúi xuống nhìn con, xoa đầu con. Ban đầu bé chưa nhìn lên, nhưng dần dần, cứ ngậm ti là bé lại nhìn mặt mẹ, mỉm cười với mẹ.

Được hơn 1 tháng, mình dạy con cách hôn. Mình luôn hôn vào môi khi con mở mắt. Khi Giang ngủ dậy buổi sáng, bao giờ mình cũng để con nằm nghiêng, hai mẹ con mặt đối mặt và khuôn mặt mẹ biểu cảm. Sau đó mình nói với con lặp đi lặp lại: "Mẹ chào Trường Giang! Mẹ chúc con có một ngày vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc". 

Dần dần, mỗi lần con nghe điều đó đều rất chăm chú. Mình tin là con hiểu mình đang nói những điều tốt lành với con.



Dạy bé dạn dĩ và phản xạ tốt khi còn nhỏ

- 8 tháng, trong khi nhiều bé khác sẽ nhát, gặp người lạ khóc “ré” lên nhưng Giang lại hoàn toàn khác. Bé dám thể hiện tình cảm ngay cả với người mới tiếp xúc. Điều gì đã khiến bé được như vậy?

Mình để con tiếp xúc với người lạ từ khi bé xíu. Giang được tiếp xúc với ông bà và những em bé khác,... Mình luôn bảo mọi người nên nhìn vào mắt con và thể hiện tình cảm. Mình cũng khuyến khích mọi người vuốt ve con. Đó là lí do vì sao Giang nhà mình có thói quen gặp ai thì cháu sẽ chủ động đến gần, vuốt má, cười và thơm vào má người khác. Điều này bé biết làm từ lúc gần 6 tháng. 

- Ngoài cách cho bé tiếp xúc với người lạ, chị còn có bí kíp nào khiến bé dạn nữa không?

Khi bé ở nhà, ai cũng nhường nên bé dạn là điều dễ hiểu. Nhưng tiếp xúc với người lạ, bé không còn được điều này nữa. Mình thường để cho bé chơi với những bé khác từ khi bắt đầu nhận thức. Kể cả đôi khi mình quan sát thấy con thiệt thòi, nhưng mình cứ để bé như thế.

4 tháng, mình để rất nhiều bạn nhỏ từ 4 - 12 tuổi trông con mình. Với mình đó là hình thức cho bé giao lưu. Có những lúc mình đã phải mua rất nhiều đồ chơi để "dụ" các cháu đến chơi với con mình rồi quan sát những biểu hiện. 

Theo mình, trẻ em tiếp xúc với nhiều trẻ em là tốt nhất, tiếp xúc càng sớm càng tốt, không đợi bé đi nhà trẻ mới cho bé tiếp xúc. Mình hay đùa với mọi người rằng: Nhà mình lúc nào cũng có một đội quân các bé khoảng trên dưới 10 người sẵn sàng làm bạn với bé nhà mình. 
 
- Chị có chia sẻ rằng việc luyện phản xạ cho bé rất quan trọng, chị đã áp dụng phương pháp này như thế nào vậy? 

Có nhiều người gặp Trường Giang cứ nghĩ bé phải được hơn 1 tuổi rồi, vì bé biết nhiều phản xạ hơn những bé khác.

Mình tập trung dạy bé những phản xạ nhất định trong vòng một thời gian, khi bé làm tốt việc đó rồi thì mình sẽ dạy bé làm cái khác. Ví dụ, ban đầu mình dạy bé tập vỗ tay. Bé chỉ nhìn và chưa làm theo ngay được. Dần dần, mỗi lần ai bảo: Trường Giang vỗ tay nào là bé vỗ tay. 

Sau đó mình dạy bé làm cái khác. Nhà mình có hàng cau rất đẹp ở cổng. Mỗi lần mình bế bé ra đó đều để bé đứng quan sát những buồng cau. Mình thường lấy tay sờ lên quả cau và đặt tay bé vào đó. 

Dần dần, cứ đi qua hàng cau là cháu nhìn, đưa cháu vào gần thì cháu sờ quả cau, có khi vặt luôn một quả. Hay khi dạy bé tập nói. Bình thường các mẹ cảm thấy con phải 1 năm mới tập nói là hợp lý, nhưng mình dạy bé nói từ khi bé có phản xạ. Ngày nào mình cũng dành một thời gian nhìn thẳng vào mắt cháu và lặp lại câu: "Mẹ yêu Trường Giang!". Mình nhắc thật chậm từng từ. Cháu nhớ những từ dễ. Cứ ai nói chậm, cháu sẽ để ý và nhớ những từ dễ nói, dễ gọi.



Mẹ tốt cần phải hóa thân vào thế giới của con

- Nhiều mẹ nghĩ là phải "găng" lên thì con mới nghe lời, chị nghĩ sao về suy nghĩ này? 

Cá nhân mình dạy con theo những biểu hiện tâm lý của bé. Làm cha mẹ rất khó, nhất là đối với những người phụ nữ trẻ hiện nay. Nhưng mỗi khi ở gần con, mình luôn cố gắng để có thể hóa thân vào thế giới của con. 

Mình không đồng ý cách dạy con theo ý chủ quan của người lớn. Đôi khi quan sát con nghịch một thứ đồ chơi, mình luôn tìm cách lí giải tại sao mà con lại thích đập nó? Và đâu là thói quen của con? Nếu đó là thói quen xấu thì sẽ tìm cách cho bé ít có cơ hội thể hiện thói quen đó. 

Vài lần, mình thử trợn mắt, phát vào đít bé nhưng bé không sợ. Bản thân bé cũng không nhận thức được đó là nguy cơ nên không thấy sợ. Trẻ con như tờ giấy trắng, từng phản xạ của bé từ lúc này tới lúc lớn đều có tác dụng trong nhận thức, cá nhân mình thấy thế. 

Hơn nữa, hồi nhỏ, mẹ mình là giáo viên mầm non, bà rất hay hát ru, cho mình xem nhiều tranh ảnh từ nhỏ nên mình tin nó hình thành tính cách, tâm hồn,... của mình bây giờ. Chính vì thế mà mình dạy cho con bằng cách hóa thân vào những hành động, phản xạ của bé. Tuy có thể không hoàn toàn chính xác nhưng mình tin có tác dụng. 

Kỷ luật là trừng phạt, theo mình chính xác là thế. Chính vì thế, kỷ luật sẽ là thứ hạn chế dùng để giáo dục một đứa trẻ.

Giống như khi bạn điều trị một căn bệnh, tạm gọi là bệnh hư của trẻ, nếu bạn dùng hình thức cao thì sau này bạn sẽ phải dùng hình thức cao hơn thế. Mình không phản đối kỷ luật, nhưng phản đối cách mà các bậc phụ huynh lạm dụng kỷ luật.  



- Có một phương pháp dạy con mà khá nhiều ông bố bà mẹ muốn hướng theo đó là “làm bạn với con”. Chị nghĩ thế nào về phương pháp này?

Làm bạn với con không dễ, ai cũng bảo là nên làm thế nhưng đó là một nghệ thuật, nghệ thuật hóa thân. Mình không phải là chuyên gia, nhưng công việc của mình là tìm hiểu tâm lý của bé để thực hiện một ấn phẩm dành cho các bé mẫu giáo. Ban đầu khi tiếp nhận công việc, mình đã phát khóc vì không hiểu tại sao lại phải làm thế?

Người lớn hay mắc sai lầm là quan tâm đến bé là làm bạn với con. Không, bạn chỉ làm bạn với con khi bạn thực sự sống cuộc sống của chúng chứ không phải áp cuộc sống của bạn và bắt nó theo. 

Cứ coi như khi có con, bạn sẽ lại có một tuổi thơ nữa. Suy nghĩ đơn giản như trẻ con, thử đặt mình vào địa vị của con để hiểu vì sao nó mắc lỗi là điều bố mẹ khó làm được. Nhưng vẫn nhiều bậc phụ huynh làm được điều đó. Chắc mình sẽ chọn phương pháp này với bé của mình.

- Rất cảm ơn vì những chia sẻ bổ ích của chị!



Bé Quỳnh Anh mới 5 tuổi nhưng đã biết trông em và nhặt rau giúp mẹ. Cùng xem mẹ Quỳnh Anh đã dạy con như thế nào nhé!

Chia sẻ