Người “mẹ” thiện lương của trẻ tự kỷ

Quang Vũ,
Chia sẻ

Với tình yêu của một người mẹ, sự nhiệt huyết của một người thầy và tấm lòng nhân hậu của mình, cô giáo 9x đã đồng hành và dìu dắt hàng trăm trẻ tự kỷ, mở cánh cửa tâm hồn, đưa các em tự tin hòa nhập cộng đồng.

Đó là một trong những nhân vật đã mang lại rất nhiều cảm xúc cho khán giả trong chương trình Việc tử tế số Tháng 9 với chủ đề "Trường học Hy vọng" sau khi lên sóng truyền hình vừa qua. Chương trình được đồng hành bởi Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO)..

Bén duyên với nghề bởi sự lựa chọn của trái tim

Người “mẹ” thiện lương của trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Gương mặt cô Nhị rạng ngời bên các học sinh của mình

Đỗ Thị Nhị sinh năm 1990 tại vùng quê thuần nông tỉnh Bắc Ninh, trong gia đình thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng ngày, anh em Nhị được những người hàng xóm cưu mang giúp đỡ, người cho vay gạo, muối; người cho quần áo,..Đó cũng chính là lý do khiến Nhị có những quyết định táo bạo trong tương lai. Chọn ngành học sư phạm đặc biệt - dạy trẻ tự kỷ. Nhiều người luôn thắc mắc lý do tại sao phải chọn con đường chông gai như vậy. Cô gái nhỏ nhắn với gương mặt rạng ngời ấy nhẹ nhàng đáp lại "Ai cũng muốn đi con đường nhựa bằng phẳng để đi thì ai sẽ đi khai phá những con đường đầy bụi lau?".

Người “mẹ” thiện lương của trẻ tự kỷ - Ảnh 2.

Cô Nhị và MC Thụy Vân trên sân khấu Việc tử tế

Sau tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục đặc biệt, cô gái 9X mạnh dạn đầu tư trang thiết bị và các đồ dùng cho việc giáo dục một cách khoa học, bài bản. Tình yêu mến trẻ, đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn đã giúp cô bám trụ với nghề, vượt lên những khó khăn để tiếp tục bước tiếp con đường đầy "bụi lau" ấy.

Đem đến "bình minh" cho trẻ tự kỷ

Người ta ví những đứa trẻ tự kỷ như hình ảnh của chiếc chong chóng, nếu không có gió hay không có sự tác động của bàn tay con người thì những chiếc chong chóng ấy sẽ không thể quay. Chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tự kỷ thì còn khó khăn gấp bội lần. Rất ít sinh viên chọn theo học và bám trụ với nghề bởi tính khắc nghiệt và đặc thù học sinh. Cô Nhị chia sẻ, chăm sóc những đứa trẻ tự kỷ trước hết là cần phá bỏ hàng rào giữa giáo viên và học sinh, coi học sinh như bạn để cùng chơi cùng tương tác. Cô mỉm cười nhớ lại: "Học sinh tát vào mặt hay lấy ghế, lấy thước đập vào đầu, đó là những điều thường xuyên xảy ra trong lớp học". Đối với cô Nhị "Quá trình đồng hành cùng các em tôi nhận ra rằng, chính những đứa trẻ tự kỷ đã làm cho người lớn chúng tôi NHẪN hơn".

Người “mẹ” thiện lương của trẻ tự kỷ - Ảnh 3.

Cô Nhị và cậu bé Tuấn trong chương trình Việc tử tế

Cô bồi hồi nhớ lại câu chuyện về Tuấn: "Cậu ấy mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ kèm tăng động.Tuấn không biết nói, đến việc đi vệ sinh tối thiểu cũng không thể tự làm. Cậu có những hành vi mất kiểm soát như đập đầu vào tường. Cả cô và mẹ vật lộn với cậu ấy mà không tài nào kiểm soát nổi, tưởng chừng có những lúc từ bỏ. Nhưng rồi với sự kiên trì cả cô và mẹ đều quyết tâm đồng hành cùng con đến cùng".

Người “mẹ” thiện lương của trẻ tự kỷ - Ảnh 4.

Mẹ con Tuấn và cô Nhị trong chương trình

Tấm lòng thiện lương của cô còn thể hiện qua việc cô miễn học phí từ 30-100% đối với con em không may mắc bệnh tự kỷ ở các khu cộng nghiệp, những người phụ nữ ở quê có hoàn cảnh khó khăn. Cô luôn tìm tòi các phương pháp giáo dục khoa học và hiệu quả để áp dụng cho học sinh của mình. Áp ụng phương pháp thiền - yoga cho trẻ tự kỷ? Điều này tưởng chừng rất khó bởi những đứa trẻ tự kỷ không thể ngồi yên một chỗ quá lâu. Thế nhưng, nhờ những bài học từ cô Nhị và các thầy cô trong trường, các em tự kỷ cũng có thể ngồi được yên tĩnh trong vòng 20 phút.

Yêu thương tạo nên những điều nhiệm màu

Người “mẹ” thiện lương của trẻ tự kỷ - Ảnh 5.

Gương mặt toát lên niềm vui khi chia sẻ về thành quả đạt được

Và đúng là "trồng cây đến ngày hái quả", rất nhiều học sinh của cô tiến bộ vượt bậc, từ những đứa trẻ không kiềm soát được hành vi trở nên có ý thức hơn. Câu chuyện vế bé Tuấn với sự đồng hành của mẹ và cô, cả gia đình đã rất ngỡ ngàng về sự thay đổi của cậu bé. Cậu trở nên nhanh nhẹn, linh hoạt trong các hoạt động, nhận thức phát triển tốt, có sự chủ động giao tiếp, ngôn ngữ đi vào vùng ổn định, khả năng tương tác tốt." Cô Nhị gửi thông điệp đến với phụ huynh có con trẻ không may mắc chứng tự kỷ trên chặng đường đòi hỏi sự kiên trì phía trước: Nhận thức đúng đắn tình trạng của con mình; Biết cách chấp nhận; Bố mẹ hãy là chuyên gia để đồng hành cùng con; Tạo niềm tin cứ đi rồi sẽ đến.

Chúng ta hãy cùng nhau tác động lên "những chiếc chong chóng" ấy để các em có thể tự tin bước ra xã hội và sống cuộc sống ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là thông điệp mà Việc tử tế muốn gửi gắm đến khán giả qua câu chuyện của cô Nhị - cô giáo đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt!

Chương trình Việc Tử Tế được phát sóng lúc 22h10 thứ 2,4,6 hàng tuần, số Tháng phát sóng lúc 20h10 thứ 7 (tuần thứ 2 của tháng) trên kênh VTV1.

Fanpage: bit.ly/viectute-facebook 

 Youtube: https://bit.ly/2kJe6tW 

 Website: https://viectute.com.vn/

Chia sẻ