"Người mẹ di cư": Câu chuyện xúc động và đầy ám ảnh đằng sau bức ảnh huyền thoại làm thay đổi cả thế giới

Negroni,
Chia sẻ

Ánh mắt của người mẹ như đang nhìn vào khoảng không vô định, chất chứa đầy những âu lo, sầu não đã khiến nhiều người bị ám ảnh không dứt.

Những năm 1920-1930, nước Mỹ chìm sâu trong cuộc Đại suy thoái khiến khoảng 15 triệu người lao động bị thất nghiệp. Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh bần cùng, không có tiền để mua lương thực, vì vậy mà nạn đói xảy ra ở khắp mọi ngõ ngách trên toàn đất nước.

Cũng vào những năm này, nhiếp ảnh gia nữ Dorothea Lange đã được phân công làm cho Cơ quan Tái định cư, một cơ quan của New Deal có nhiệm vụ hỗ trợ các hộ gia đình nghèo không có điều kiện về vật chất và nơi sinh sống. Vào một ngày nọ, Dorothea được bổ nhiệm đến một khu sinh sống tạm bợ của những người lao động nghèo tại Nipomo, Califonia. Tại đây nữ nhiếp ảnh gia chụp được 6 bức ảnh tất cả, và một trong số đó là bức ảnh "Người mẹ di cư" đã trở thành bức ảnh biểu tượng của thế giới. Nó cũng là một trong những hình ảnh đáng chú ý nhất trong thế kỉ 20. 

Bức ảnh khắc họa gương mặt ưu tư, khắc khổ của một người mẹ còn những đứa trẻ thu mình lại bên cạnh mẹ chúng. Ánh mắt của người mẹ như đang nhìn vào khoảng không vô định, chất chứa đầy những âu lo, sầu não về một tương lai khá mịt mờ. Bức ảnh đã lột tả tình hình chung của những năm kinh tế suy thoái một cách vô cùng chân thực và thẳng thắn khiến dư luận xôn xao. Ngay sau khi bức ảnh được công bố, Chính phủ liên bang đã lập tức chi 20.000£ (khoảng 32.000 USD) để cung cấp thực phẩm cho những người di cư.

Người mẹ di cư: Câu chuyện xúc động và đầy ám ảnh đằng sau bức ảnh huyền thoại làm thay đổi cả thế giới - Ảnh 1.

Bức ảnh "Người mẹ di cư" mang tính biểu tượng toàn cầu

Năm 1936, khi đang công tác tại nông trại và khu ổ chuột ở Nipomo, bất ngờ Dorothea bắt gặp một cảnh tượng ảm đạm, một người phụ nữ với gương mặt tuyệt vọng đang ngồi co ro trong một căn lều vải tạm bợ cùng mấy đứa trẻ. Ngay lập tức, cô đã đưa máy ảnh lên và bấm nhanh vài kiểu ảnh. 

Nhiếp ảnh gia Dorothea kể lại: "Kiệt sức sau một chuyến công tác dài ngày, tôi không nói nhiều với người phụ nữ này. Tôi không hỏi tên hay nguồn gốc của chị, chỉ biết rằng chị 32 tuổi. Chị cùng các con cầm cự qua ngày bằng những cọng rau còn sót lại sau đợt mưa đá và những con chim mà bọn trẻ đã bắn hạ được. Hiện tại họ bán lốp xe để lấy tiền mua thức ăn."

Vào thời điểm đó, nước Mỹ có vô số những trường hợp như gia đình của người phụ nữ này. Đó là những gia đình lao động nghèo, thất nghiệp, buộc phải rời bỏ quê nhà để đi lang thang kiếm sống bằng trăm công nghìn việc khác nhau với đồng thù lao ít ỏi. Cuộc sống của họ chỉ có thể miêu tả bằng hai chữ nghèo đói.

migrant_mother_3
migrant_mother_3
c368a9a86ffbd9e96800fbc022c094a7
c368a9a86ffbd9e96800fbc022c094a7
Migrant_Mother_1936_3
Migrant_Mother_1936_3

Một vài bức ảnh khác về Người mẹ di cư

Trong nhiều thập kỉ sau, không ai biết tên của người phụ nữ trong bức ảnh và số phận của họ ra sao. Bất ngờ, vào năm 1978, một phóng viên của Modesto Bee đã tìm thấy Người mẹ di cư ở Modesto, Califonia. Một bài báo của Associated Press sau đó trên tờ Thời báo Los Angeles tiết lộ rằng tên người mẹ là Florence Owens Thompsom. Cô là người Cherokee gốc Ấn, sinh ra tại Oklahoma vào năm 1903. Cô kết hôn năm 17 tuổi, sau đó chuyển đến Califonia để làm nông nghiệp và đồ gỗ. Vào thời kì suy thoái kinh tế, Thompson và chồng đã làm những công việc lặt vặt với đồng lương bạc bẽo để nuôi sống gia đình. Trong những năm 1930, cô chủ yếu là nông dân thời vụ, làm bất kì cái gì người khác yêu cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn, Thompson mô tả rằng vào đợt thu hoạch bông, cô sẽ đem những đứa trẻ đến cánh đồng cùng mình. Có một thời gian, cô và các con sống dưới một cây cầu, thậm chí còn không có một cái lều tử tế, chỉ là một chiếc chăn mỏng và cũ để bảo vệ cả gia đình khỏi cái lạnh ban đêm.

Người mẹ di cư: Câu chuyện xúc động và đầy ám ảnh đằng sau bức ảnh huyền thoại làm thay đổi cả thế giới - Ảnh 3.

Dorothea Lange ngồi trên xe ô tô với máy ảnh của mình

Một ngày năm 1936, khi đang lái xe từ Los Angeles đến Watsonville để tìm công việc mới, chiếc xe của gia đình Thompson đã bị hỏng giữa đường. Họ đã kéo chiếc xe vào trang trại đậu ở Nipomo để tìm cách sửa lại. Cô đã bị sốc khi thấy có đến hơn 3000 người đang sống tạm bợ ở khu đất này. Trong khi Jim Hill, chồng cô và hai người con trai của Thompson đi vào thị trấn để tìm phụ tùng sửa lại xe thì cô và những đứa trẻ còn lại dựng tạm một chiếc lều vải để nghỉ ngơi. Đúng lúc đó Dorothea Lange xuất hiện. Cô không cảm thấy vui vẻ khi mình và các con bị chụp ảnh và được trưng bày như những mẫu vật. Tuy nhiên, sau khi Dorothea thuyết phục Thompson rằng hình ảnh này sẽ khiến công chúng có cái nhìn rõ ràng hơn về nạn đói tại nơi đây và cũng có thể khiến chính quyền ra tay hành động. Cuối cùng, Thompson cũng đồng ý cho nhiếp ảnh gia nữ chụp hình lại.

Năm 1945, Thompson chuyển đến Modesto và làm tại một bệnh viện địa phương. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC năm 1979, cô kể rằng: "Tôi làm 16 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Ngoài làm việc tại bệnh viện tôi cũng làm thêm tại một quán bar. Tôi không nhận được một xu nào từ bức ảnh chụp tôi." Cô cũng nói thêm rằng cô chấp nhận lên hình là để có thể giúp đỡ người khác chứ không phải vì bản thân mình. Nhiều năm sau, gia đình Thompson đã thoát khỏi cảnh nghèo khó và đã mua được một căn nhà rộng rãi thoải mái. Năm 1983, Thompson qua đời vì đột quỵ, trên bia mộ của bà có khắc dòng chữ: Người mẹ di cư - huyền thoại về sức mạnh của phụ nữ Mỹ.

Trong khi đó, bức ảnh "Người mẹ di cư" đã khiến Dorothea Lange nổi tiếng. Sau khi bức ảnh trở thành biểu tượng toàn cầu, Dorothe nhận được học bổng Guggenheim và có được chỗ đứng trong giới nhiếp ảnh Mỹ. Bức ảnh về sau xuất hiện trên rất nhiều bảo tảng khắp thế giới. Năm 1998, bức ảnh được in trên bộ tem "Celebrate the Century" - một bộ tem để kỉ niệm những sự kiện quan trọng của thế kỉ 20. Ngoài ra, năm 2003, bức ảnh được vinh dự xuất hiện trong tập sách ảnh "100 bức ảnh làm thay đổi thế giới" của tạp chí Life. 

(Tổng hợp)

Chia sẻ