Người đàn ông "rụng răng" nổi tiếng với nghề khắc gốc tre ở Hội An

Văn Quyên,
Chia sẻ

Nằm lọt thỏm trong góc chợ Hội An là ngôi nhà cổ hình ống, nơi anh Phương Đỏ mà người dân quen gọi là anh "Đỏ rụng răng” sinh sống. Anh làm nghề khắc gốc tre độc đáo, có một không hai ở đất Hội An này.

Không phải mùa du lịch, nhưng nhà anh luôn có rất đông người tham quan những gốc tre đã được chế tác với đủ hình hài độc đáo.

Ngoài cửa vẫn là hình ảnh một người đàn ông với khuôn mặt rám nắng, luôn thể hiện nụ cười không giấu được hàng răng cửa đã rụng gần hết. Hai bàn tay và đôi mắt ít khi nào rời khỏi cái đục và gốc tre khô.

Anh tên thật là Huỳnh Phương Đỏ, năm nay đã 42 tuổi, quê gốc ở chính Hội An này. Anh vào nghề chạm khắc này từ năm 2002, và nay đã được gần 12 năm. Khuôn mặt ai nhìn vào cũng nói anh như đã ngoài 50. Có lẽ chính do anh thường hay phơi mình dưới nắng, tìm những gốc tre ưng ý, đem về để từ đó anh cho ra những tác phẩm lạ, sáng tạo, đẹp và luôn có hồn khi bất cứ ai nhìn vào.

Người đàn ông
Miệt mài, say mê với nghề nên một ngày anh Đỏ có thể cho ra hơn 15 sản phẩm tùy hình dáng và thế của gốc tre.

Đi bán bánh chưng dạo rồi tình cờ tìm thấy con đường riêng

Từ nhỏ, anh đã được cha mẹ cho tiếp xúc, học nghề điêu khắc gỗ một cách bài bản khi mới 15 tuổi. Anh là bà con trong họ cùng với nghệ nhân Huỳnh Sướng, Huỳnh Ri nổi tiếng khắp làng mộc Kim Bồng. Với truyền thống làng nghề cộng sự đam mê, luôn học hỏi của mình, anh đã gắn bó với nghề mộc hơn chục năm.

Nhưng, anh lại thấy chán nghề mộc và quyết định bỏ nghề, đi bán bánh chưng, bán bắp kiếm sống ở Đà Nẵng một thời gian. Đến năm 1997, anh lấy vợ là chị Trần Thu Vân (cũng người Hội An) và tiếp tục nghề trên được vài năm, hai vợ chồng anh đã tích góp được một số tiền kha khá để trang trải trong sinh hoạt và nuôi ba đứa con ăn học.

Người đàn ông
Anh Đỏ say mê với nghề độc của mình.

Anh Đỏ kể: “Trong một trận lụt ở Hội An vào năm 2002, tôi vớt được vài gốc tre trôi dạt từ thượng nguồn về. Nhân lúc rảnh rỗi, lại thấy “ngứa tay”, tôi đã đục thử, tạo dáng mấy gốc tre sau lúc nhặt được. Thật ngạc nhiên sau đó, tôi đã cho ra những hình dáng lạ mắt trên chính gốc tre vô hình, vô hồn đó”. Anh rất vui mừng vì đã tìm thấy cho mình một lối đi mới, riêng, độc đáo từ trước đến nay.

Anh Đỏ cho rằng, vì hồi trước mình đã có sẵn nghề điêu khắc gỗ nên việc điêu khắc trên tre cũng y như việc khắc trên gỗ nhưng đòi hỏi sự khéo léo vì đục tre khó hơn đục gỗ. Mặc dù vậy anh Đỏ đã sáng tạo nên hàng nghìn khuôn mặt với nhiều hình thù khác nhau, như mặt Quan Công, Bồ Đề Đạt Ma, Phúc – Lộc – Thọ… rất mộc mạc và luôn có hồn trong con mắt của những ai đến với ngôi nhà anh Phương Đỏ này.

Người đàn ông
Chỉ 15 phút là anh Đỏ có thể cho ra một sản phẩm như trong ảnh.


Người đàn ông
Chị Trần Thu Vân vợ anh Đỏ đang làm khuy cho sản phẩm.

Thời gian đầu, hai vợ chồng anh rất chật vật với đầu ra cho các sản phẩm điêu khắc từ tre, tranh thủ đi bỏ hàng ở các nơi khác trong phố cổ để khảo sát thị trường. Ban đêm anh cũng tiếp tục công việc bán bánh chưng tại Đà Nẵng để kiếm thêm thu nhập.

Năm 2004, tình hình có vẻ khả quan, anh mở luôn cơ sở chế tác kèm trưng bày ngay tại số nhà 26 Bạch Đằng, đây là ngôi nhà của bà nội anh. 

Người đàn ông
Không gian nơi anh Đỏ thỏa sức sáng tạo, cho ra các tác phẩm giới thiệu đến mọi du khách tham quan. 

Điểm thú vị mà anh Đỏ chia sẻ với chúng tôi là cây tre là hình ảnh đã quá đỗi quen thuộc, thân thương trong đời sống con người Việt Nam, gắn liền với cảnh sinh hoạt với các vật dụng từ tre. Việc điêu khắc, tạo dáng ra khuôn mặt trên gốc tre sẽ tạo nên nét gì đó gần gũi, từ hình nhân vật đến vật liệu được chế tác ra sản phẩm đạt yêu cầu.

Việc điêu khắc thì dễ nhưng để đi tìm những gốc tre ưng ý mang về chế tác là cả một quá trình công phu và đầy vất vả. Anh nói: “Đào gốc từ đất cát thì dễ hơn đào ở nơi có đất sét, đất thịt. Nhưng gốc tre “lôi” từ đất sét, đất thịt lại trở nên đẹp hơn, cứng cáp hơn, đặc biệt là dáng và thế độc hơn nhiều”, anh Đỏ thổ lộ.  

Làm ăn được nhờ hàng độc

“Người nước ngoài rất thích thú với các chế tác do tôi làm từ gốc tre. Họ không thể hiểu nổi và rất bất ngờ, tại sao người Việt Nam có thể cho ra các món đồ độc đáo và vô cùng đơn giản nhưng có hồn thái của các nhân vật lịch sử Việt Nam, Trung Quốc”, anh Đỏ bộc bạch.

Người đàn ông
Anh vừa điêu khắc vừa giới thiệu sản phẩm khi có khách thăm.

Hơn 100 người đã được anh rèn nghề nhưng chỉ vài người bám trụ lại với nghề độc này.

Một ngày anh có thể tạo dáng cho hơn 15 gốc tre loại thường, mỗi gốc làm xong anh có thể bán với giá trung bình từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Đối với nhiều gốc có thế lạ, anh Đỏ phải mất ít nhất một buổi, thậm chí cả tuần để cho ra tác phẩm ưng ý, và giá tất nhiên là sẽ rất cao, đến vài triệu đồng. Công việc bán và giao hàng cho đại lý được anh giao cho vợ mỗi ngày.

Anh Đỏ chia sẻ: “Trước khi làm nghề điêu khắc này, vợ tôi không có việc chi làm, ở nhà nuôi ông bà nội và con cái. Từ khi tôi có nghề mới, vợ tôi tranh thủ học thêm ngoại ngữ để tiện giao tiếp với người nước ngoài khi bán hàng”.

Như vậy, hàng năm anh cho ra cả ngàn tác phẩm từ gốc tre vô hình thành những món quà lưu niệm đầy ý nghĩa và truyền thống. Điểm thú vị là những sản phẩm anh làm ra là độc nhất, lạ và không ai có thể cạnh tranh vì đây là nghề do chính anh sáng tạo ra.

Sản phẩm làm ra luôn được bán chạy và rất nhiều nơi gọi đến yêu cầu anh làm theo đơn đặt hàng, nhiều nhất là ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Khánh Hòa, Đà Lạt. Nghề của anh trở nên nổi tiếng không phải do quảng cáo mà chính do những người đã từng đến đây, sau đó giới thiệu cho bạn bè biết.

Người đàn ông
Cửa hiệu của anh Đỏ bày bán các sản phẩm của anh.

Chia sẻ