Người đàn ông không uống rượu mà vẫn say và tổn thương gan nghiêm trọng: Hóa ra thủ phạm là do thứ này trong ruột

H Nguyễn,
Chia sẻ

Nhóm khoa học gia mô tả chi tiết trường hợp lạ lùng của người đàn ông Trung Quốc bị tổn thương gan nghiêm trọng cho dù anh ta không hề uống rượu.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại vi khuẩn đường ruột đặc biệt gây ra các triệu chứng say rượu ở một người đàn ông Trung Quốc, dù anh ta không hề uống chút rượu nào.

Kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Cell Metabolism. Trong đó, nhóm khoa học gia mô tả chi tiết trường hợp lạ lùng của người đàn ông Trung Quốc bị tổn thương gan nghiêm trọng. Anh ta còn mắc phải một hội chứng hiếm gặp có tên: Hội chứng đường ruột lên men (auto-brewery syndrome) - xảy ra khi cơ thể chuyển các thực phẩm giàu đường hay carbohydrate thành cồn, từ đó, dẫn đến hiện tượng ngộ độc.

Người đàn ông không uống rượu mà say và tổn thương gan nghiêm trọng: Hóa ra thủ phạm là do thứ này trong ruột - Ảnh 1.

Trước đây, hội chứng đường ruột lên men - còn được biết đến với tên gọi "bệnh say xỉn" – có mối liên hệ với lượng nấm quá nhiều trong ruột. Nhưng nhóm bác sĩ điều trị cho người đàn ông Trung Quốc lại không phát hiện nấm trong ruột bệnh nhân. Thay vào đó, ruột anh ta chứa "nhiều chủng khác nhau của vi khuẩn Klebsiella pneumoniae (phế trực khuẩn Friedlander)". Các nhà nghiên cứu viết, loại vi khuẩn này sản sinh ra hàm lượng cồn cao.

"Vi khuẩn K. pneumonia là dạng phổ biến của vi khuẩn đường ruột cộng sinh. Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn được lấy từ ruột bệnh nhân có thể sản sinh lượng cồn nhiều hơn khoảng 4-6 lần so với các chủng vi khuẩn ở người khỏe mạnh".

Chính vi khuẩn này, cùng với lượng cồn mà nó sản sinh ra, có thể là thủ phạm của căn bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) vốn có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng cho gan.

Nhóm nghiên cứu đồng thời lấy mẫu vi khuẩn đường ruột từ 43 bệnh nhân cũng bị gan nhiễm mỡ không do rượu và từ 48 bệnh nhân khỏe mạnh. Kết quả, họ phát hiện "khoảng 60% bệnh nhân NAFLD có vi khuẩn K. pneumonia sản sinh ra lượng cồn ở mức trung bình và cao trong đường ruột. Trong khi đó, chỉ có 6% nhóm khỏe mạnh có chủng vi khuẩn này trong ruột".

Trưởng nhóm nghiên cứu Jing Yuan, chuyên gia vi sinh tại Capital Institute of Pediatrics, phát biểu: "Chúng tôi rất ngạc nhiên trước khả năng có thể sản sinh ra lượng cồn nhiều đến thế của vi khuẩn K. pneumonia. Khi cơ thể bị quá tải và không thể phân giải lượng cồn do những vi khuẩn này sinh ra, bạn có thể bị bệnh gan nhiễm mỡ, cho dù không hề uống rượu".

Người đàn ông không uống rượu mà say và tổn thương gan nghiêm trọng: Hóa ra thủ phạm là do thứ này trong ruột - Ảnh 2.

Để kiểm tra kỹ hơn giả thuyết của mình, nhóm nghiên cứu cấy vi khuẩn được chiết tách từ ruột người đàn ông Trung Quốc bị hội chứng đường ruột lên men vào cơ thể những con chuột khỏe mạnh. Sau 1 tháng, lũ chuột bắt đầu bị gan nhiễm mỡ. Sau 2 tháng, gan chuột bắt đầu nổi sẹo - một dấu hiệu cho thấy tình trạng tổn thương gan lâu dài.

"Quá trình phát triển bệnh gan ở những con chuột này có thể được so sánh với quá trình tổn thương gan của những con chuột được nuôi bằng rượu", các nhà khoa học nhấn mạnh.

Nhưng khi dùng kháng sinh diệt vi khuẩn K. pneumonia, tình hình bệnh đã được đảo ngược. Kết quả này cho thấy tiềm năng trong việc điều trị những bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu mà liên quan tới sự hiện diện của vi khuẩn.

Chuyên gia Yuan bày tỏ: "Trong những giai đoạn đầu, hoàn toàn có thể đảo ngược bệnh gan nhiễm mỡ. Nếu xác định nguyên nhân sớm hơn, chúng ta có thể điều trị và thậm chí ngăn ngừa những tổn thương ở gan".

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tại sao một số người lại có vi khuẩn K. pneumonia với khả năng sản sinh lượng cồn cao trong ruột, trong khi những người khác thì không.

"Chúng tôi vẫn chưa hiểu hết các yếu tố có thể khiến một người dễ bị tác động bởi những vi khuẩn K. pneumonia này. Và đó cũng chính là điều mà chúng tôi sẽ tìm hiểu tiếp", chuyên gia Yuan khẳng định.

Chia sẻ