Ngủ sau 22 giờ, trẻ có nguy cơ tự tử cao

,
Chia sẻ

Trẻ được cha mẹ rèn cho thói quen đi ngủ sớm trước 22 giờ ít có nguy cơ bị trầm cảm hay ý muốn tự tử hơn những trẻ hay thức khuya.

Ngủ sớm giúp trẻ giảm nguy cơ trầm cảm

Một nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa của trường Đại học Columbia, New York, Mỹ mới đây chỉ ra rằng, trẻ ngủ sớm có nguy cơ trầm cảm thấp hơn trẻ thường xuyên thức khuya. Và thường xuyên đi ngủ trước 22 giờ sẽ giúp đầu óc trẻ sáng láng, thông minh hơn, hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực sau này.

Cuộc nghiên cứu được tiến hành với hơn 15.000 thanh thiếu niên tham gia. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng 1.143 thiếu niên bị trầm cảm và 2.038 người có ý nghĩ tự tử. Cụ thể, những em mà cha mẹ yêu cầu phải ngủ trước 22 giờ có tỉ lệ trầm cảm thấp hơn 25% và suy nghĩ về việc tự sát thấp hơn 20% so với những trẻ thường xuyên thức sau 22 giờ.

“Nhiều em có các suy nghĩ về tự tử, nhưng có một sự khác biệt khá lớn giữa ý tưởng tự tử và tự tử”, Pletcher - một thành viên của nhóm nghiên cứu nói.
 
Nên tạo thói quen cho trẻ đi ngủ trước 22 giờ.

Cùng với một số căn cứ khác, các nhà nghiên cứu rút ra kết luận, tình trạng thiếu ngủ dẫn tới nguy cơ trẻ bị suy nhược và suy nghĩ xấu như tự tử tăng cao. Pletcher nói rằng dường như có sự kết hợp các yếu tố chịu trách nhiệm cho nguy cơ gia tăng. “Có mối liên hệ qua lại giữa chứng trầm cảm và giấc ngủ”, ông nói. “Những thanh thiếu niên ngủ ít hơn có thể bị lo lắng hơn và có nhiều khả năng cảm thấy tồi tệ hơn".

Các nhà khoa học đều đồng ý rằng hầu hết các em ở độ tuổi từ 13 đến 17 nên ngủ ít nhất 8 đến 10 tiếng vào buổi tối. Và phụ huynh nên theo dõi giờ, giấc ngủ của con mình.

Cũng theo nghiên cứu này, bên cạnh hiện tượng suy nhược cơ thể, tâm trạng phiền muộn, những đứa trẻ thiếu ngủ còn bị ảnh hưởng đến việc tập trung trong học tập. Thiếu ngủ còn liên quan đến béo phì và bệnh tiểu đường type 2.

Tạo thói quen cho trẻ đi ngủ sớm

Nếu muốn bé đi ngủ sớm, bố mẹ hãy là người nêu gương trước tiên. Nhưng trên thực tế, việc cho trẻ đi ngủ sớm và theo nếp là điều không đơn giản.

Khi bé có dấu hiệu buồn ngủ, cần cho lên giường ngay. Nhiều cha mẹ khi bé muốn đi ngủ chưa cho ngủ, đến khi cho đi ngủ thì đã quá giấc nên bé không còn muốn ngủ nữa. Có gia đình lại cho bé đi ngủ quá sớm khi chưa đến giờ, làm bé khó đi vào giấc ngủ.

Hãy tạo cho bé một thói quen sinh hoạt ăn, ngủ đúng giờ. Tất cả mọi việc từ ăn, ngủ, chơi, tắm phải diễn ra đều đặn vào một khoảng thời gian nhất định, kể cả trong dịp nghỉ hè hay đi chơi xa. Làm như vậy thì đồng hồ sinh học trong cơ thể bé sẽ hoạt động theo một chu kỳ ổn định, rất dễ dàng cho việc điều khiển và cơ thể bé sẽ tuần tự phát triển theo quy luật đã định sẵn. 
 
Gấu bông cho bé cảm giác an toàn khi ngủ.

Hãy tạo ra không gian yên tĩnh và cảm giác an toàn bằng cách mẹ ở bên bé kể cho bé nghe một câu chuyện cổ tích, hay bật một bản nhạc du dương cho đến khi bé chìm vào giấc ngủ. Nên mua cho bé một số đồ chơi như thú bông hay gối ôm tạo cảm giác bé không bị cô đơn.

Trước khi ngủ tránh cho trẻ nô đùa quá mức, hoặc cho trẻ xem những phim bạo lực vì như thế khó có thể giúp bé có được giấc ngủ ngon. Lúc đó, nếu bắt trẻ lên giường nằm bằng cách quát mắng thì chúng càng không dễ.

Không nên nhốt trẻ trong nhà cả ngày. Hãy đưa trẻ ra ngoài tham gia đầy dủ các hoạt động, giúp trẻ hấp thụ vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Khi chơi đùa vào ban ngày thì tới đêm, trẻ sẽ ngủ rất ngon giấc.

Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn. Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng cao (trẻ sơ sinh ngủ 20-22 tiếng mỗi ngày). Khi lớn lên, nhu cầu ngủ sẽ giảm dần, đến 1 tuổi chỉ còn 16 tiếng, 2 tuổi còn 14 tiếng, 3 tuổi còn 13 tiếng. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 tiếng giống như người lớn. Thời gian ngủ chủ yếu vào ban đêm; riêng với trẻ em thời gian ngủ ban ngày cũng rất quan trọng.
 
Quang Lê
(Tổng hợp)
Chia sẻ