Ngồi 10 tiếng/ngày và không thể cúi người được, căn bệnh thoái hóa cột sống đang trẻ hóa chóng mặt

Bài, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Khi thắt lưng đau nhói, rồi dần dần không thể cúi gập người được, người tài xế 38 tuổi mới đi khám thì ngỡ ngàng nghe tin mình bị thoái hóa cột sống.

Thoái hóa cột sống là tình trạng tổn thương sụn mấu khớp cột sống và đĩa đệm, dẫn đến hình thành gai xương cột sống và có thể gây chèn ép rễ hoặc tủy thần kinh cột sống. Đây là căn bệnh về xương – khớp rất phổ biến, gặp nhiều ở những người trên 45 tuổi. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện người bị thoái hóa cột sống khi tuổi đời còn rất trẻ, khiến đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm cũ.

Ngồi 10 tiếng/ngày và không thể cúi người được, căn bệnh thoái hóa cột sống đang trẻ hóa chóng mặt - Ảnh 1.

Thoái hóa cột sống đang dần gia tăng ở người trẻ.

Thoái hóa cột sống vì ngồi ghế 10 tiếng/ngày, nằm võng liên tục 40 năm

Điển hình như trường hợp của anh L.T.R. (38 tuổi) là một tài xế xe đường dài tuyến Bắc – Nam. Anh R. chia sẻ công việc lái xe đường dài khiến anh thường xuyên phải ngồi yên một tư thế suốt 10 tiếng một ngày. Cộng thêm chứng béo phì lâu năm nên áp lực lên cột sống và các khớp của anh cũng lớn hơn người bình thường.

Cách đây 1 năm, người đàn ông bắt đầu có những triệu chứng đau thắt lưng. Anh mua các loại thuốc giảm đau, các loại cao dán về sử dụng nhưng cơn đau vẫn cứ tái phát. 3 tháng gầy đây, tình trạng đau lưng của trầm trọng hơn khiến anh không thể ngồi lái xe quá 30 phút, cũng không thể cúi người hay mang vác vật nặng. Hậu quả là người bệnh phải nghỉ công việc tài xế, sinh hoạt thường ngày cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đến khám tại bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD), bệnh nhân ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ (BS) chẩn đoán mắc chứng thoái hóa cột sống thắt lưng dù chưa đầy 40 tuổi. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc kèm vật lý trị liệu, bên cạnh việc tư vấn giảm cân để giảm áp lực lên cột sống và có một thói quen vận động, sinh hoạt lành mạnh hơn. Sau 1 tháng điều trị, người bệnh đã được chỉ bác sĩ định ngưng thuốc và dần trở lại với công việc.

Ngồi 10 tiếng/ngày và không thể cúi người được, căn bệnh thoái hóa cột sống đang trẻ hóa chóng mặt - Ảnh 2.

Thoái hóa cột sống có thể khiến bệnh nhân không thể cúi người được.

Với trường hợp của bà P.V.A. (69 tuổi, quê Trà Vinh), dù đã lớn tuổi nhưng mắc chứng thoái hoá cột sống vì một thói quen mà rất nhiều người ưa thích: Ngủ võng.

Cụ thể, bà A. nằm ngủ bằng võng thuờng xuyên trong suốt hơn 40 năm. Gần đây có triệu chứng đau lưng, đau tê chân, bà đi khám thì được chẩn đoán thoái hóa cột sống. Ngoài chỉ định dùng thuốc, BS cũng khuyên bà không nên tiếp tục nằm võng vì có thể làm tình trạng thoái hóa tiến triển nặng hơn, nhưng bà không nghe.

2 tuần trước, chứng đau lưng của người bệnh tái phát dữ dội, kéo dài không dứt dù bà vẫn đều đặn dùng thuốc khiến bà mất ngủ, tinh thần sa sút. Quay trở lại BV, bà được chẩn đoán đã bị thoát vị đĩa đệm. Cột sống của bệnh nhân đã lâm vào tình trạng giòn xốp, dễ vỡ, có các mảnh xương vụn đâm vào dây thần kinh cột sống đã gây nên những cơn đau dữ dội, phải phẫu thuật giải ép thần kinh.

Nghĩ thoái hoá cột sống là "căn bệnh tuổi tác" mà chịu đựng: Sai lầm!

Theo ThS BS. Nguyễn Thành Nhân – Khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD TPHCM cho biết: "Hơn 50% người đến khám tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện gặp vấn đề về thoái hóa cột sống. Thế nhưng, với suy nghĩ Thoái hóa cột sống là căn bệnh do tuổi tác gây ra nên không thể tránh khỏi, hoặc cho rằng những dấu hiệu đau nhức cổ, lưng là ảnh hưởng của thời tiết nên người bệnh thường có tâm lý chịu đựng, "sống chung" với cơn đau thay vì tìm đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự thăm khám và chữa trị chuẩn xác từ các chuyên gia."

Ngồi 10 tiếng/ngày và không thể cúi người được, căn bệnh thoái hóa cột sống đang trẻ hóa chóng mặt - Ảnh 3.

Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở cổ, gáy, thắt lưng.

ThS.BS Nhân cho biết, thoái hóa cột sống là căn bệnh về xương – khớp rất phổ biến trên thế giới. Bệnh gặp nhiều ở những người trên 45 tuổi. Càng lớn tuổi, nguy cơ thoái hóa cột sống càng cao. Trong đó, 57% người trên 65 tuổi có triệu chứng thoái hóa cột sống cổ, 89% người ở độ tuổi 60 - 69 có những dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng. Tuy nhiên, tỉ lệ thoái hóa cột sống ở người trẻ dưới 45 tuổi ngày càng gia tăng.

Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực như cổ, gáy, thắt lưng, với biểu hiện chính là đau mỏi cổ thắt lưng nhưng cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi, đơ cứng cổ, tê hoặc dị cảm tay, chân…

Ngồi 10 tiếng/ngày và không thể cúi người được, căn bệnh thoái hóa cột sống đang trẻ hóa chóng mặt - Ảnh 4.

Một nữ bệnh nhân đang tiến hành trị liệu thần kinh cột sống.

Tuy không quá nguy hiểm nhưng cơn đau do bệnh này gây ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có nguy cơ tàn phế.

Do đó, BS khuyến cáo người bệnh không nên chỉ dựa vào những triệu chứng đau nhức bên ngoài mà tự suy đoán tình trạng bệnh. Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp khác để điều trị mà không có sự thăm khám, chẩn đoán từ người có chuyên môn sẽ khiến người bệnh tốn kém nhiều thời gian, công sức mà bệnh tình không được điều trị triệt để.

Chia sẻ