Ngộ độc Paracetamol trong điều trị cảm cúm

,
Chia sẻ

Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và cảm cúm. Tuy nhiên, do không cẩn trọng và thiếu hiểu biết nên đã bị ngộ độc do sử dụng quá liều

Ngộ độc Paracetamol không còn là chuyện hiếm

Cảm cúm là bệnh thường gặp vào mùa đông, đặc biệt khi tiết trời bắt đầu giao mùa. Nhiều người khi có triệu chứng đau  người, nhức mỏi, sốt nhẹ, nhức đầu... đã vội vàng sử dụng thuốc. Tuy nhiên ít ai  biết rằng, trong tất cả các loại thuốc trị cảm cúm đều có thành phần chính là Paracetalmol - có thể gây hại cho cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong. Theo ý kiến của TS Phạm Duệ, Phó Giám đốc Trung tâm Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì vài năm gần đây số người nhập viên do ngộ độc Paracetamol tăng đột biến, đứng hàng thứ hai sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần. Đáng buồn hơn, đối tượng ngộ độc lại rơi chủ yếu vào trẻ em do sự bất cẩn trong sử dụng thuốc của các bậc phụ huynh.

Ngộ độc do thiếu hiểu biết

Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt được coi là khá an toàn. Song, tình trạng ngộ độc có xu hướng gia tăng cũng do Paracetamol được bán rộng rãi, người bệnh có thể tự mua không cần đơn bác sĩ. Đôi khi do không hiểu biết, muốn khỏi bệnh nhanh nên người bệnh hay kết hợp nhiều loại thuốc. Chính điều đó đã gây ra tình trạng quá liều paracetamol, gây ngộ độc cấp. Ví dụ, có người uống đủ liều Decolgen chưa đỡ lại uống thêm một loại thuốc cảm cúm khác "mạnh hơn" như Tiffy chẳng hạn, thì sẽ dẫn đến quá liều Paracetamol. Đặc biệt đối với bệnh nhân có tiền sử bệnh gan (xơ gan hoặc viêm gan mãn tính...) thì việc lạm dụng Paracetamol sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc. 

Theo TS Duệ cho biết, có một số trường hợp ngộ độc do nạn nhân uống paracetamol để "giải rượu". Đây là một quan niệm sai lầm vì cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy Paracetamol có thể "giải rượu". Một số người đã lợi dụng sự ức chế thần kinh trung ương khiến người say bia ruợu đỡ cảm giác choáng váng ngay tức thì. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa rượu và paracetamol sẽ gây ngộ độc gan gấp nhiều lần do cơ thể không thể chịu được một lúc hai loại độc tố.

Triệu chứng ngộ độc:

- Người dùng thuốc sau vài giờ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Trong vòng 18-72 giờ có thể đau bụng kèm theo gan sưng to, sờ thấy gan đau. Nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến suy gan. Người bị suy gan sẽ bị vàng da, hôn mê, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu, hạ đường  huyết, dẫn tới tử vong.

Phòng tránh ngộ độc:

- Khi bị cảm cúm, đặc biệt là trẻ em không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày, đối với người lớn không quá 10 ngày. Những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thận trọng và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

- Liều thông thường giảm sốt cho trẻ là 10-15mg/kg cân nặng, ngày uống 3-4 lần, và liều tối đa cho trẻ không quá 60mg/kg/ngày. Người lớn mỗi lần uống 500-1000mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3g trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi, liều dùng nên thấp hơn do chức năng gan đã kém.

- Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc. Khi có biểu hiện ngộ độc, bằng mọi cách phải gây buồn nôn, cho uống than hoạt tính giải độc Antipois B.Mai và đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, giải độc bằng thuốc N-acetylcystein.

Phúc Hiếu tổng hợp

Chia sẻ