Mỗi tuần 1 chuyện

Nghe nữ tiếp viên hàng không chia sẻ cách cân bằng cuộc sống gia đình

Lê Nhi,
Chia sẻ

Hơn 10 năm trong nghề tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, dù mỗi ngày giờ giấc và lịch làm việc đều phụ thuộc vào lịch bay của ngày hôm đó, nhưng người vợ, người mẹ 29 tuổi này vẫn cố gắng chu toàn để cuộc sống gia đình yêu thương ít bị xáo trộn nhất.

Người phụ nữ này là Trần Hoàng Anh, 29 tuổi. Hiện Hoàng Anh đang là Tiếp viên phó - Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Gia đình nhỏ của Hoàng Anh cũng đang sống tại 24/2H Lê Lai, Phường 3, Quận Gò Vấp, TP.HCM.

Chào Hoàng Anh, nhà bạn là một gia đình trẻ hạnh phúc mà ai nhìn vào cũng thầm ngưỡng mộ: vợ chồng đều làm trong ngành hàng không, con xinh xắn và kinh tế khá… Bạn thấy cuộc sống như vậy có quá ưu ái cho bạn không?

Có thể nói mình là một người phụ nữ rất may mắn khi được sinh ra, lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, đầm ấm và luôn tràn ngập tiếng cười.

Tuy nhiên những may mắn ấy không tự nhiên mà có. Trái lại, nó có sự nỗ lực của mọi thành viên trong gia đình để có thể đảm bảo về kinh tế nhưng cũng không làm mất đi sự gắn bó, đầm ấm của một mái ấm gia đình.

Và mình luôn rất biết ơn gia đình, nhất là ba mẹ đã luôn quan tâm, chăm sóc song vẫn dạy dỗ chị em mình tự lập từ bé cũng như sự lạc quan, tự tin, quyết đoán trong mọi việc.

Nghe nữ tiếp viên hàng không chia sẻ cách cân bằng cuộc sống gia đình 1
Đến với nghề Tiếp viên hàng không hoàn toàn tình cờ, nhưng người phụ nữ 29 tuổi này luôn yêu nghề và nỗ lực hết mình để vun vén và lo toan cho gia đình 

Đặc biệt, ba mẹ luôn tạo mọi cơ hội tốt nhất, ủng hộ chị em mình đạt được ước mơ và sống với đam mê. Để hôm nay mình thực sự có được một công việc tốt. Nhất là có một gia đình nhỏ với người chồng tuyệt vời, bé trai ngoan ngoãn và sắp chào đón thêm một nhóc tì nữa vào tháng 8 tới.

Cơ duyên nào khiến hai vợ chồng bạn cùng làm hàng không hơn chục năm nay? Cuộc sống của một vợ chồng Tiếp viên có bị xáo trộn và khác biệt nhiều so với cuộc sống của các cặp vợ chồng bình thường? Những khác biệt đó là gì?

Cách đây hơn 10 năm khi mình vừa thi đậu vào đại học (Lúc đó mình hoàn toàn không biết gì về nghề Tiếp viên) thì có đợt tuyển tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA). Trong xóm mình ở khi đó có nhiều người đăng kí dự tuyển. Trong đó có cả những người bạn thân của mình.

Họ rủ mình đi “trông xe” hộ vì không biết chỗ giữ xe có dễ tìm không. Thế là mình đi theo. Đúng lúc trời mưa và ngay cửa có chỗ giữ xe nên mình vào chung luôn. Sẵn có bộ hồ sơ chuẩn bị nộp cho trường đại học, mình lấy ra dự tuyển luôn cho vui. Ai ngờ mìnhtrúng tuyển, còn các bạn mình đều không may mắn.

Mình không định đi làm để học đại học. Thế nhưng một người bạn lại nói với mình: “Nếu không muốn làm sao lại thi để người khác mất đi cơ hội làm công việc mơ ước”. Thế là mình trốn gia đình đi học huấn luyện.

Còn ông xã mình, anh cũng may mắn trúng tuyển sau mình 2 khoá khi đang là sinh viên.

Khi vợ chồng đều là tiếp viên thì những ngày quan trọng như Lễ, Tết, sinh nhật, giỗ chạp trong gia đình 2 bên nhà nội ngoại, vợ chồng mình rất ít khi được tham gia hoặc có tham gia cũng hiếm khi đủ mặt cả hai. Ngược lại, khi ấy luôn trong tình trạng kẻ đi được người không đi được. Đó là một thiệt thòi lớn cho phút sum họp gia đình và bọn mình dù đã cố gắng nhưng chưa tìm cách khắc phục được.

Hơn nữa, với những cặp vợ chồng làm công sở, ngày nào họ cũng có thể gặp nhau trừ những ngày họ phải đi công tác. Nhưng với tiếp viên hàng không thì ngày nào cũng là “ngày công tác”. 

Có khi đến 2 tuần liên tiếp, vợ chồng mình không được gặp nhau vì chồng về, vợ lại phải đi bay và ngược lại. Nhưng có lẽ vì vợ chồng hay xa nhau thế nên chúng mình luôn trân trọng từng giây phút bên nhau.

Hãy kể về một ngày cụ thể của vợ chồng bạn?

Nếu để nói về một ngày cụ thể của mình hoặc chồng có lẽ là không thể. Vì mỗi ngày, giờ giấc và lịch làm việc của mình đều phụ thuộc hết vào lịch bay của ngày hôm đó. 

Có lúc chuyến bay bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng. Có lúc lại là giờ trưa. Có lúc lại là 9 - 10 giờ đêm. Và một ngày của chúng mình cứ theo đó mà tiến hành.

Nghe nữ tiếp viên hàng không chia sẻ cách cân bằng cuộc sống gia đình 2
Hoàng Anh (thứ 2 từ trái qua) và các đồng nghiệp 

Bản thân bạn là một phụ nữ đang làm vợ, làm mẹ và là Leader tiếp viên hàng không VNA, bạn có gặp nhiều áp lực trong công việc cũng như trong vai trò chăm sóc con cái? Những áp lực đó là gì?

Trong gia đình thì mình là một người vợ, người mẹ trẻ. Về gia đình, áp lực lớn nhất của mình là rất sợ “Con xa lạ với bố mẹ, coi người giúp việc thân hơn cả những người khác trong gia đình và không nhận đủ sự chăm sóc chu đáo”. 

Vì thế vợ chồng mình “cắn răng” cho con đi nhà trẻ từ lúc 10 tháng, quyết định không phụ thuộc vào người giúp việc mà gia đình thay nhau chăm sóc bé. Rất may ông bà ngoại đi làm hành chính nên mình yên tâm lắm.

Khi đi xa, bất kỳ thời gian rảnh là mình gọi về ngay cho con bằng cuộc gọi hình ảnh để con luôn được trò chuyện cùng ba mẹ mỗi ngày.

Còn trong công việc, mình là một Tiếp viên phó. Nếu công việc không trôi chảy hay tiếp viên dưới quyền mắc lỗi, mình đều liên đới phải chịu trách nhiệm. 

Do đó với vị trí của mình, mình luôn có thái độ điềm tĩnh, tạo không khí làm việc vui vẻ, phân công công việc hợp lý, luôn lắng nghe và động viên các bạn tiếp viên trong tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo sự hài lòng của hành khách cũng như hạn chế tối đa mọi sai sót trong quá trình làm việc dù là nhỏ nhất.

Nhiều người bảo nghề tiếp viên hàng không phải chịu nhiều thiệt thòi về mặt tình cảm. Vợ chồng sẽ ít có thời gian tìm hiểu và vun đắp tình cảm với nửa kia. Việc gìn giữ mái ấm hạnh phúc luôn là một thử thách lớn. Vậy vợ chồng bạn làm thế nào để vừa hoàn thành tốt công việc vừa chăm sóc con cái?

Vợ chồng mình may mắn khi làm chung một nghề nên có thể hiểu hết những vất vả, mệt mỏi và những vấn đề khác mà người kia gặp phải. Vì vậy ngoài chuyện gia đình, chúng mình thường hay chia sẻ với nhau về công việc hay nhiều điều khác ngoài công việc nhưng gặp trong những chuyến bay.

Bây giờ phương tiện truyền thông phát triển lắm, vì thế vợ chồng mình có thể “tâm sự” với nhau mỗi ngày dù là nửa kia ở bất kỳ đâu. Vợ chồng mình đã tạo cho mình thói quen khi vừa đáp xuống một quốc gia nào đó hay bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam là gọi điện “buôn” ngay với người kia thông báo chuyến bay an toàn và nhiều chuyện khác.

Đôi khi yêu cầu những chuyến bay xa cùng nhau xem như những chuyến du lịch hâm nóng tình cảm. Vợ chồng mình rất hay nói chuyện về con, tìm thông tin trên net và tham khảo những người có kinh nghiệm về cách chăm sóc bé nên không bị chồng chéo nhau về ý kiến. 

Khi đi bay thì luôn tìm những sản phẩm hữu ích nhất cho con theo từng giai đoạn (khi mua được gì cho con tụi mình thường khoe với nhau qua điện thoại, trải đầy ra giường ở khách sạn rồi chụp hình gửi cho nhau). Và khi ở nhà, vợ chồng mình thống nhất dành tất cả thời gian cho con yêu.

Liên tục đối mặt với những chuyến bay nối dài từ ngày này qua ngày khác, giờ giấc làm việc không ổn định, sự mệt mỏi sau những chuyến bay… Có khi nào, vì công việc mà bạn đã không thể chu toàn gia đình nhỏ? Đó là những thời điểm nào? Lúc ấy, bạn thường làm gì để cân bằng? Đã có lúc bạn nghĩ sẽ bỏ nghề?

Chưa bao giờ mình và cả chồng mình có ý nghĩ sẽ bỏ nghề. Cho dù những chuyến bay có nhiều mệt mỏi đến đâu như: khi phải thức khuya dậy sớm, bay xuyên đêm, giờ giấc thất thường, khác múi giờ bị rối loạn về giấc ngủ, thay đổi áp suất, thay đổi nhiệt độ đột ngột (SG 34, 35 độ bay sang Nga nhiệt độ âm mười mấy độ là thường). Hay những chuyến bay 4 chặng kéo dài, sự cố với hành khách hay sự xa cách…

Nhưng vượt lên trên hết là niềm vui đồng đội, niềm tự hào khi khoác lên mình bộ đồng phục tiếp viên - Đại diện cho một Hãng Hàng không. Và lớn hơn nữa là một đất nước vì có thể với những người khách du lịch lần đầu đến Việt Nam thì người Việt Nam đầu tiên họ tiếp xúc là những Tiếp viên hàng không.

Vì mình luôn coi gia đình là chỗ dựa vững chắc và luôn tìm thấy được niềm vui, nụ cười của người thân ở tất cả mọi nơi. Do đó, khi mệt mỏi trong và sau mỗi chuyến bay, chỉ cần nhìn con là mọi khó khăn đều tan biến hết. Vì thế, mỗi khi ở xa thì động lực và sức mạnh của mình chính là những tấm hình gia đình, những tin nhắn động viên từ ông xã. Và không thể không nhắc tới ba mẹ mình - người luôn làm mình vững vàng và mỉm cười!

Nghe nữ tiếp viên hàng không chia sẻ cách cân bằng cuộc sống gia đình 3
Hai vợ chồng làm tiếp viên hàng không dù ngày nào cũng là ngày đi công tác, nhưng họ vẫn luôn hạnh phúc 

Theo bạn, Được - Mất khi một phụ nữ, đặc biệt là một phụ nữ đã làm mẹ làm leader tiếp viên hàng không?

Không biết với những tiếp viên khác như thế nào, nhưng với mình, dù là khi đã có gia đình và có con nhỏ như hiện nay thì trong công việc, mình thấy bản thân được nhiều hơn là mất. 

Trước hết, mình xin nói về cái mất của mình. Khi một phụ nữ và đặc biệt là những phụ nữ có con nhỏ như mình làm tiếp viên thì mình sẽ phải chấp nhận những cái mất là: những ngày đặc biệt bên gia đình, những cuộc vui với bạn bè, nỗi nhớ chồng con da diết và cả sức khoẻ của bản thân, sự hạn chế để nâng cao học vấn…
 
Chẳng thế mà, khi làm nghề này rồi, những phụ nữ sẽ phải rất khéo sắp xếp để cân bằng mọi thứ. Những khi nghỉ (dù chỉ nửa ngày) mình tranh thủ đi thăm ông bà, ở nhà nhiều hơn với bố mẹ (từ khi sinh bé do đặc thù công việc mình dọn về ở cùng ông bà ngoại để tiện việc chăm sóc bé, ông bà nội hiện đang sống ngoài Bắc), liên lạc thường xuyên với bạn bè, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục để giữ sức khoẻ. Đồng thời, mình cũng mua sách vở để đọc và học thêm những lúc rảnh cũng như khi xa nhà.

Mình cũng xin nói thêm một chút về khó khăn lớn nhất khi một phụ nữ làm tiếp viên. Do điều kiện công việc, khi vừa mang thai đến lúc con được 1 tuổi, những tiếp viên nữ như mình sẽ không thể tiếp tục công việc. Nghĩa là bạn sẽ ở nhà trong khoảng 20 tháng (Có người sẽ đăng kí làm mặt đất nếu nhân sự tại Đoàn tiếp viên đang thiếu, còn đa số là ở nhà). Khi ấy, tiếp viên nữ chỉ nhận được khoản trợ cấp rất ít ỏi cho đến sau sinh mới nhận được 50% lương chức danh trong 6 tháng đầu.

Thực tế, không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong gia đình có điều kiện hay lập gia đình với người có kinh tế khá giả. Đôi khi, những nữ tiếp viên còn là trụ cột trong gia đình. Do đó việc có thai và sinh con là cả một thách thức lớn với các nữ tiếp viên. Và điều này cũng không ngoại trừ mình. 

Là một phụ nữ, mình cũng thấy những cái được khi làm nghề này mang lại. Đó là một công việc đảm bảo mức sống cho gia đình, được đi đây đó. Mình được tự tay chọn những sản phẩm tốt nhất cho mọi thành viên trong gia đình. Mình có những người bạn tốt, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Mình tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều từ những người đã gặp, những quốc gia đã đến, có những cảm nhận về một cuộc sống phong phú đầy màu sắc, cảm thấy sống có trách nhiệm hơn…

Bí quyết giúp bạn vượt qua những khó khăn trong nghề nghiệp để trở thành một người mẹ, người vợ tốt khi về với mái ấm gia đình?

Bí quyết đó là lòng yêu nghề và tình yêu lớn đối với gia đình của mình.

Là một phụ nữ, bạn nói gì về nghề hấp dẫn nhưng cũng đầy gian lao của mình?

Rất nhiều người đang hiểu sai về nghề của chúng mình. Họ cho đó là nghề nhàn nhã mà lương lại cao… Nhưng thật sự, bạn có ở trong nghề mới hiểu hết được chúng mình phải đánh đổi rất nhiều, đôi khi là cả tính mạng. 

Để có được 75 giờ bay/tháng (trên không theo qui định) là cả một tháng trời vất vả với mình. Mình phải làm việc 6 ngày liên tục mới được nghỉ một ngày. Có khi một ngày chỉ được 2 giờ bay nhưng phải lọ mọ từ 3,4 giờ sáng đến khuya mới về. Có những chuyến bay không thực hiện được theo kế hoạch, hành khách mệt một nhưng là một tiếp viên, mình mệt mỏi gấp nhiều lần!

Nghe nữ tiếp viên hàng không chia sẻ cách cân bằng cuộc sống gia đình 4
Dù là một phụ nữ có gia đình, lại làm nghề nguy hiểm và nhọc nhằn nhưng Hoàng Anh vẫn luôn yêu nghề và coi gia đình là số 1.

Nhiều người chỉ thấy tiếp viên chúng mình đi qua đi lại, đẩy xe phục vụ khoảng vài phút đến tiếng đồng hồ. Nhưng từ trước chuyến bay nhiều giờ, cả trong khi đang bay đến sau khi hành khách xuống, mình và nhiều tiếp viên khác vẫn đang làm những công việc của mình để đảm bảo một chuyến bay an toàn và phục vụ đầy đủ tất cả hành khách mà người ngoài không nhìn thấy được.

Với cá nhân mình, ngoài là người phụ nữ của gia đình, dù là một phụ nữ "chân yếu tay mềm" nhưng mình rất yêu nghề và luôn tự hào sống hết mình với tên gọi Tiếp viên Hàng không Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn bạn, chúc bạn luôn thành công trong nghề đã chọn và mãi hạnh phúc với mái ấm gia đình mình!


Nghe nữ tiếp viên hàng không chia sẻ cách cân bằng cuộc sống gia đình 5
Chia sẻ