Ngày mưa lạnh, lại nhớ những nghệ sĩ vẽ truyền thần bên phố đi bộ, chơi với sắc màu, mưu sinh bên giấy vẽ

Lynk, ảnh: Hưng Vũ,
Chia sẻ

Ở cái khu vẽ tranh truyền thần, có một chút gì đó hoang dại, một chút bất cần, náo nhiệt, và tất nhiên là hơi thở nghệ thuật đầy tràn, với đủ những phong cách vẽ khác nhau, khiến khách qua lại luôn hiếu kỳ, nhất định đi qua phải liếc dăm ba cái.

"Hà Nội dễ thương thật. Sài Gòn cũng dễ thương lắm, nhưng không ai nôn nóng chờ đến mùa thu với mùa đông như ở đây đâu, vì làm gì có thu Sài Gòn bao giờ!". Tiếng cười giòn tan loang khắp mặt hồ Gươm, có hai đứa khùng khùng ngồi đội mưa dưới tán lộc vừng 9 gốc, luyên thuyên đủ thứ về Hà Nội. Lâu lắm rồi tôi mới có một chiều cuối tuần khác lạ đến thế, chỉ vì cậu em Sài Gòn bỗng dưng lù lù xuất hiện trước cửa nhà, ướt nhẹp, chào gọn lỏn: "Lần đầu ra đây, chị nhớ đừng làm em thất vọng!".

Đó là những ngày cuối tháng Ba, khi mưa ngâu vẫn rải đều trên khắp phố thị, và nàng Bân vẫn miệt mài đan những sợi gió rét mướt cuối cùng. Cậu em thích thú tha tôi đi quanh thành phố, tận hưởng mùa đông đầu tiên được nếm trải trong đời. Bọn tôi cùng nhau hít hà que kem lạnh ê môi trên vỉa hè Tràng Thi, ôm nhau lập cập khi nổi cơn điên dạo hồ Tây giữa đêm rét, chơi kéo co đến sưng đỏ cả tay trên phố đi bộ, leo lên căn gác ít người biết ở ngay Lý Thái Tổ để ngắm hồ Gươm lúc tà dương…

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 1.

Phố đi bộ hồ Gươm từ lâu đã là một phần nhịp sống Hà Nội mỗi cuối tuần.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 2.

Chiều cuối tuần tháng Chín, mơ hồ nhớ về những giá vẽ tạm bợ trên vỉa hè mùa đông cách đây không xa...

Chớp mắt, bây giờ đã là tháng Chín, Hà Nội bất chợt trở mình, lạnh lẽo ướt át, dù chưa đậm như chuỗi ngày tôi gặp gỡ người em phương Nam, nhưng cũng đủ khiến lòng chùng chình suy nghĩ. Có khi nào năm nay mùa đông đến sớm? Những mảnh ký ức rơi lộp độp xuống ban công đầy nước, tôi xách ghế ra cạnh cửa sổ, thả vài lọn trà khô vào chiếc cốc sứ. Bỗng dưng tôi nhìn thấy một khung cảnh quen thuộc: dãy giá vẽ ở lối vào đền Ngọc Sơn, xung quanh là đống ghế con lộn xộn, biển quảng cáo "vẽ truyền thần 100 nghìn/bức", và những vị khách hiếu kỳ vây quanh các họa sĩ đường phố. Độ này mưa gió, họ có còn ngồi đó cuối tuần không?

Những ngày lang thang phố đi bộ, cậu em từng kéo tôi ngồi sụp xuống hàng vẽ truyền thần của một cô gái trẻ có gương mặt rất cá tính. Trong số hàng chục họa sĩ vẽ chân dung ngồi túm tụm quanh đó, chúng tôi để ý mỗi cô ấy bởi mái tóc ngắn, đội mũ len, ánh mắt sắc sảo, ít nói, không chèo kéo ồn ào, ngồi tách hẳn một chỗ.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 3.

Lưu Bích Chi - cô họa sĩ 23 tuổi mà tôi nhớ nhất trên đoạn phố gần ngã ba Hàng Dầu - Đinh Tiên Hoàng.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 4.

Chi nhỏ nhắn, ít nói, nhưng chân dung em lại hiện lên thật thú vị trong ký ức của tôi.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 5.

Đồ nghề của Chi cũng như bao họa sĩ đường phố khác xung quanh: vỏn vẹn vài cây bút vẽ, compa, kéo.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 7.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 8.

Hiếm khi thấy nữ họa sĩ nở nụ cười, nhiều người lầm tưởng cô đến từ Nhật Bản.

Em tôi cứ nhìn chăm chắm vào những nét than chì mềm mại, ngón tay lướt trên giấy như sóng nước, đen rồi trắng, đen rồi trắng. Mẫu là một cặp vợ chồng người Đức, họ chuyện trò những câu rất ngắn với cô họa sĩ trẻ. Dáng vẻ tập trung của cô ấy khiến họ ngại ngần. Họ nghĩ tôi cũng đang xếp hàng chờ vẽ, nên quay sang hỏi han tôi cho "đỡ buồn".

Sau 15 phút thì bức tranh được hoàn thiện, cặp vợ chồng ngoại quốc sung sướng vì trông mình trẻ hơn trong ảnh. Tôi không biết dịch tên Lưu Bích Chi của cô họa sĩ như thế nào cho họ hiểu, nghe họ đọc tên cô ấy để cảm ơn một cách ngọng nghịu, chợt thấy cô nở nụ cười hiếm hoi. Chi điềm đạm xếp lại hộp bút vẽ, tôi cũng đứng dậy rời đi sau khi thấy cô có vẻ mệt mỏi.

Đi thêm một đoạn, chúng tôi đứng lại xem một anh họa sĩ khác đang vẽ một bé trai rất dễ thương. Bố của bé đứng ngay cạnh tôi, cười hào sảng: "Anh vẽ xong ghi giúp em là bé Tùng 6 tuổi, con bố Trung nhé!". Cậu nhóc mập mạp gãi gãi cái đầu tròn xoe, chắc ngại.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 9.

Cách Chi 3-4 gian vẽ khác là chồng cô - anh Bá Hiệp, chàng họa sĩ tưng tửng đầu trọc.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 10.

Anh Hiệp khá thân thiện, trái ngược hẳn với vẻ "ngầu" bên ngoài, được lũ trẻ thích vì vẽ tranh rất dễ thương.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 11.

Những bức tranh miệt mài trên vỉa hè là niềm vui với các vị khách...

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 12.

... còn với họa sĩ đường phố như anh Hiệp, nó là "cần câu cơm" bằng mồ hôi nước mắt.

Bức tranh chân dung phong cách "tàu nhanh" vừa ra lò, được đóng giấy bóng cẩn thận xong là đám đông cũng giải tán. Ngồi lại bắt chuyện với anh họa sĩ râu kẽm tên Bá Hiệp, hai đứa tôi há mồm ngạc nhiên khi biết... anh là chồng của Bích Chi, cô gái mũ len sắc sảo ít nói hồi nãy.

- Sao anh ngồi xa vợ thế?

- Vì anh hút thuốc. Chi đang mang bầu 3 tháng.

- Anh ngồi đây lâu chưa ạ?

- Từ hồi phố đi bộ mở đó em. Còn thâm niên ngồi vẽ dạo vỉa hè quanh Hà Nội của anh thì 7 năm rồi. Quê anh ở Ninh Bình, lăn lộn ngoài Hà Nội bao năm chẳng nhớ nữa. Tính mình tự do tự tại, nên chẳng giàu cũng vẫn thích vui vẻ thoải mái như này hơn.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 13.

Cặp đôi họa sĩ cũng sắp đón chào một thiên thần nhí, sau này chắc hẳn sẽ là mẫu vẽ yêu thích của 2 người.

Châm điếu thuốc nữa lên đôi môi tái nhợt, anh hướng đôi mắt về cô vợ trẻ đang trầm ngâm nhìn dòng người lại qua. "Chi từng là học trò của anh. Anh ngoài 30 rồi, cô ấy mới 23 thôi. Cũng bướng lắm, anh chẳng muốn hai vợ chồng cùng dầm sương dãi nắng ngoài phố thế này đâu, mình anh mưu sinh được rồi, nhưng cô ấy không chịu. Cả 2 cùng đam mê mà, làm sao cấm cô ấy cầm cọ vẽ được".

Người đàn ông từng trải ấy có lẽ rất đa cảm với cuộc sống, anh dí dỏm thừa nhận mình có cái tên nghe nam tính "hoành tráng", nhưng bản chất lại rất nhẹ nhàng, tôn sùng vẻ đẹp của phụ nữ, nhưng rồi cũng khuất phục trước một cô gái hiền lành ấm áp, phía sau diện mạo lạnh lùng. Chiều chiều họ ra phố bày đồ chờ khách, kiếm vài trăm nghìn mỗi ngày, tối muộn lại chở nhau về. Bấy lâu nay dạo chơi quanh phố đi bộ hàng trăm lần, ngang qua những lời chào mời mệt mỏi vẽ chân dung, vậy mà tôi chưa từng để ý, ẩn giấu bên các giá vẽ là biết bao tâm sự, trải lòng về cuộc đời, và cả sự thú vị như tình yêu của vợ chồng anh Hiệp.

Ngồi kế anh Hiệp là Bùi Ánh Dương, SV năm 3 trường ĐH Văn hóa. "Lạc loài" với món vẽ hình xăm Henna, Dương chun mũi vì lạnh, mời tôi vẽ 1 bức lên bàn tay. "Em bắt đầu đam mê nghệ thuật xăm Henna Ấn Độ từ năm 2014, nhìn thấy là em mê mẩn luôn. Em mới ngồi ở đây được hơn 1 tháng, cuối tuần xách đồ nghề ra vẽ để thỏa mãn niềm hạnh phúc bản thân là chính, kiếm thêm chút thu nhập nữa, chứ làm này sao đủ sống hả chị".

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 14.

"Lạnh thế này vẫn ngồi chờ khách vẽ sao?" - "Vâng, tẹo nữa tối 9 - 10h là đông khách rồi chị ạ!"

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 15.

Những "túi" màu từ Ấn Độ mà Ánh Dương luôn mang theo như của quý bên người.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 16.

"Gia tài" kiếm cơm mà cô nàng dày công sưu tập suốt 3 năm trời.

Nở nụ cười như mặt trời, cô nàng xinh xắn đã kịp mở đống màu vẽ ra đón 2 vị khách trẻ. Ở cái khu "hoạt động chuyên môn" của các nghệ sĩ đường phố này, có một chút gì đó hoang dại, một chút bất cần, náo nhiệt, và tất nhiên là hơi thở nghệ thuật đầy tràn, với đủ những phong cách vẽ khác nhau, khiến khách qua lại luôn hiếu kỳ, nhất định đi qua phải liếc dăm ba cái.

Mà vẽ một bức chân dung hoặc hình hoa lá lên tay ở đây cũng đắt đỏ gì đâu, trăm ngàn, trăm rưởi, mang về nhà kỉ niệm, như cậu em Sài thành đang ngồi ngoan ngoãn cho ông cụ 60 tuổi "múa bút" bên bồn hoa đỏ kìa. Nó háo hức lắm, kỉ niệm "truyền thần 15 phút" mùa đông đầu tiên ở Hà Nội mà. Thật lòng thì tôi nhớ cái bức đó không giống nó lắm...

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 17.

Trên phố đi bộ hồ Gươm, cuối tuần nào cũng có những nghệ sĩ miệt mài chờ khách.

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 18.

Có thể với chúng ta, tờ giấy có vẽ mặt mình chẳng có mấy giá trị...

Ký ức về những giá vẽ truyền thần bên phố đi bộ ngày mưa lạnh - Ảnh 19.

... nhưng với những con người tâm hồn bay bổng này, nó vừa là đam mê, vừa là mưu sinh của họ.

Cạn tách trà thì mưa cũng ngớt. Khép cửa sổ lại, trời đã nhá nhem. Tôi cũng khép lại luôn mảnh ký ức về ngày lạnh lẽo tháng Ba trên đoạn phố toàn tranh đen trắng. Có lẽ bây giờ Bích Chi đã ở cữ, anh Hiệp vẫn "tưng tửng" với điếu thuốc khét lẹt, cô nàng tên "mặt trời" nếu còn ngồi đó thì đã được nửa năm, còn ông họa sĩ già chẳng biết đủ sức ngồi trên phố đi bộ nữa không?

Chia sẻ