Ngày càng nhiều người trẻ đột quỵ: Chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu cảnh báo rất dễ nhầm lẫn

Ngọc Anh,
Chia sẻ

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Mới 17 tuổi đã bị đột quỵ

Ngày 7/11, các bác sĩ tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM cho biết, họ vừa điều trị cho một trường hợp xuất huyết não do dị dạng động tĩnh mạch bẩm sinh hiếm gặp chỉ mới 17 tuổi.

Bệnh nhân tên Tuấn (ngụ Bình Tân, TP. HCM), trong lúc tập thể hình tại phòng gym thì bất ngờ ngất xỉu được đưa đi cấp cứu tại một phòng khám. Tuy nhiên, sau khi được sơ cấp cứu bệnh nhân tiếp tục rơi vào trạng thái lơ mơ, đau đầu theo cơn, nôn ói nên được chuyển vào Bệnh viện Trưng Vương.

Tại đây, các bác sĩ chụp CT cho thấy Tuấn có dấu hiệu xuất huyết não. Sau đó, các bác sĩ tiếp tục tiến hành chụp phim DSA (Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền bằng tia X) phát hiện bệnh nhân mắc một dị dạng thông động tĩnh mạch.

Sau hội chẩn, xét thấy tình huống nguy kịch, nguy cơ bệnh nhân tử vong cao, bác sĩ thực hiện ngay kỹ thuật nội mạch vành (kỹ thuật tiên tiến nhất trong điều trị đột quỵ), kịp thời giữ lại tính mạng cho bệnh nhân.

Ngày càng nhiều người trẻ đột quỵ: Chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu cảnh báo rất dễ nhầm lẫn - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Cách đây không lâu, tại Hà Nội cũng ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ khi đang chơi thể thao. Bệnh nhân Nguyễn Văn T. 24 tuổi, đang chơi đá bóng đột nhiên ngã lăn ra bất tỉnh. Bạn bè gọi xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não và do tổn thương xuất huyết não lớn nên đã không qua khỏi.

Trước đây, bệnh viện Quân y 175 cũng cấp cứu cho bệnh nhân là N.V.Đ. (17 tuổi, ngụ tại Khánh Hòa) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Khoảng 1 tiếng trước khi vào viện, em Đ. vẫn cười nói vui vẻ cùng mọi người nhưng đột nhiên ôm đầu kêu đau dữ dội kèm theo nôn ói, ho ra đờm nhớt có máu tươi và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê.

Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân lên cơn đột quỵ nên tiến hành chụp mạch máu não xóa nền. Kết quả kiểm tra hình ảnh không nằm ngoài dự kiến ban đầu, hệ thống mạch máu não của bệnh nhân bị dị dạng kèm giả phình động mạnh. Túi phình bị vỡ gây xuất huyết não thất 4 và các bể quanh thân não, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh.

Sau đó, bác sĩ tiến hành bơm keo sinh học và can thiệp cứu bệnh nhân thành công.

Chuyên gia khuyến cáo những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ rất dễ nhầm lẫn

Nói về dị dạng mạch máu não, bác sĩ Bùi Long – Trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết bệnh dị dạng mạch máu não không quá hiếm gặp.

Theo bác sĩ Long, có tới 5 – 10 % bệnh nhân được chỉ định chụp mạch máu não có dị dạng mạch máu não. Bệnh này bẩm sinh từ nhỏ và chỉ phát hiện qua các dấu hiệu chỉ điểm và chụp mạch máu não.

Bác sĩ Long cũng chia sẻ cách đây không lâu, có trường hợp bị nhức đầu, tê liệt nửa người. Các dấu hiệu tình cờ phát hiện trong quá trình dạy tập bơi sải, thầy giáo đã phát hiện bệnh nhân không thể thực hiện các động tác đồng đều giữa 2 chân, 2 tay.

Sau đó, bệnh nhân đã đi khám, chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính đa dãy. Kết quả cho thấy, ở vùng đỉnh trái của bệnh nhân có khối dị dạng thông động tĩnh mạch não kích thước 2,5x3,5cm.

Ngày càng nhiều người trẻ đột quỵ: Chuyên gia khuyến cáo dấu hiệu cảnh báo rất dễ nhầm lẫn - Ảnh 2.

Đau đầu kéo dài coi chừng đột quỵ

Bác sĩ Long cho biết dị dạng mạch máu não là nguyên nhân gây xuất huyết não không phải do chấn thương ở những người trẻ. Khi những người trẻ bị xuất huyết não thì tiên lượng nặng hơn người già, bởi vì ở người già mạch máu dai hơn, khả năng cầm máu tốt hơn ở người trẻ.

Dị dạng mạch máu não là bệnh bẩm sinh, không có biện pháp phòng tránh. Các triệu chứng khi khối dị dạng chưa vỡ bao gồm: đau đầu, lơ mơ, mờ mắt, chóng mặt… lại rất dễ bị bỏ qua và nhầm với các bệnh khác.

Bệnh nhân mắc dị dạng mạch máu não thường thuộc nhóm 45 tuổi trở xuống và phát hiện khi bị chảy máu não, đau đầu, động kinh, hoặc tình cờ khi đi khám tầm soát. Ngày nay tỉ lệ bệnh nhân được chẩn đoán dị dạng mạch máu não tăng lên nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật ghi hình không xâm nhập.

Bác sĩ Long nhấn mạnh nếu khi có các dấu hiệu đau đầu kéo dài, chóng mặt, rối loạn tiền đình, bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế có máy chụp CT đa dãy để chụp mạch não. Tại đây, các chuyên gia tim mạch hoặc thần kinh có thể giúp những người bệnh được điều trị.

"Một số trường hợp khi dị dạng lớn cần can thiệp, còn đa số bệnh nhân phát hiện dị dạng mạch máu chỉ cần theo dõi định kỳ chưa cần can thiệp ngay", BS Long cho biết.

Những triệu chứng nhận biết xuất huyết não

Chia sẻ