Ngày bình thường của cô gái bị tàu cán mất 1 chân đang nỗ lực hết mình để mua "chân mới"

Lynk, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

"Người khác chỉ tập đi một lần trong đời, riêng em thì đếm không xuể. Em vẫn đang nỗ lực kiếm tiền để có thể mua cho mình một cái chân mới" - cô gái một chân Bùi Thị Trinh chia sẻ.

"Người ta chỉ tập đi một lần trong đời, em thì tập bao lần không nhớ nổi"

Mới đây, những tâm sự của cô gái một chân có nụ cười rạng rỡ về việc cần yêu thương thân thể mình, nhân việc một số người trẻ vì thất tình, giận hờn bố mẹ mà tự cắt lên cơ thể mình đã khiến nhiều người cảm động. Những dòng chia sẻ của Trinh (sinh năm 1993, quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã khiến cư dân mạng phải bật khóc: "Em chỉ có một chân thôi, đi đâu người ta cũng nhìn vì trông em khác họ. Chẳng bao giờ em được chạy nhảy, mặc sooc ngắn ra đường, hay đi giày cao gót… Nhưng em yêu đời lắm, sao nhiều người khác có cơ thể bình thường lại cứ hay tự hành hạ mình nhỉ? Bố mẹ cho ta hình hài nguyên vẹn, dù thế nào cũng nên biết quý trọng. Đừng làm đau mình, vì bố mẹ sẽ đau gấp bội phần".

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 1.

Trinh đã truyền cảm hứng cho nhiều người bởi sự lạc quan yêu đời, dù bị mất hẳn một chân bên trái.

Vốn dĩ khi sinh ra, Trinh cũng được bà mụ nặn cho thân hình đầy đủ, chẳng thiếu bộ phận nào. Nhưng năm 9 tuổi, biến cố kinh hoàng xảy ra khiến cuộc đời cô rẽ hoàn toàn sang một hướng khác. Một ngày trời mưa u ám, Trinh đi học một mình qua đường sắt, tàu chạy gần sát mà cô bé không hề hay biết. Chân phải đi qua rồi, nhưng chân trái bị mắc kẹt lại, tàu không phanh kịp nên đã chèn mất chân trái của cô bé.

"Lúc ấy còn bé quá nên em cũng không nhớ rõ mình nghĩ gì, có đau hay không. Chỉ nhớ mọi người lao ra vây lấy em, gọi hỏi tên, bố mẹ ở đâu, rồi đưa vào bệnh viện. Em nhìn thấy bố chạy tới viện đúng lúc tiêm thuốc mê để phẫu thuật, tỉnh dậy thấy đau thôi, không nghĩ là mình bị mất một chân. Em còn nghĩ rằng chân sẽ mọc lại cơ. Bố mẹ khóc nhiều lắm, nhưng không khóc trước mặt em thôi. Đến khi lớn lên em mới biết, nhận thức được điều gì xảy ra với mình, ảnh hưởng đến cả tương lai" -cô gái một chân hồi tưởng.

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 2.

Vượt qua những tháng ngày kinh hoàng, Trinh sống và vươn lên mạnh mẽ.

Thời tiểu học, trước khi tai nạn, Trinh là hot girl nhí chuyên đi múa hát với các bạn chung lớp. Sau khi tai nạn cướp đi chân trái, cô bé chỉ biết lặng lẽ ngồi nhìn, ước mong một lần nữa đứng múa trên sân khấu đã khép lại sau lưng... Phải nghỉ hẳn một học kỳ để hồi phục sức khỏe, trở lại học tiếp là quãng thời gian vô cùng khó khăn với Trinh. Ra viện xong, về nhà tập đi bằng nạng bị ngã, chỉ khâu mỏm cụt chân trái bị đứt, cô gái tội nghiệp lại nhập viện tiếp. Mấy lần như thế, đến nỗi chẳng nhớ là mất bao lâu để vết thương lành.

"Mất một chân nên em di chuyển rất vất vả. Lớp học ở trên tầng nên em phải tập chống nạng đi lên, ngã suốt, không quen nổi. Sau đó một thời gian, được Hội Chữ thập đỏ ủng hộ chiếc chân gỗ giả, em lại làm quen với nó. Cái chân giả cọ vào vết sẹo, trầy liên tục, đau lắm. Nhưng em quyết tâm khắc phục khó khăn nên đã tập luyện với nó rất lâu. Bố mẹ thì thay nhau chở em đi học đến hết cấp 2, rồi em tập đi xe đạp. Ban đầu ngồi lên đi được nửa vòng là ngã, người ta chỉ tập đi 1 lần trong đời, em thì đếm không xuể.

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 3.

"Cô lính chì" luôn nỗ lực để có cuộc sống bình thường.

Giờ thì ổn rồi, mọi thứ đều bình thường, em có thể tự chăm sóc bản thân, làm được nhiều việc mà không cần ai giúp đỡ, nấu cơm tắm giặt bình thường, chỉ hơi lâu thôi. Mọi người thường khen em vui vẻ hay cười, bởi vì em luôn muốn mình lạc quan, buồn khóc đủ rồi, dù thế nào thì em vẫn phải sống tiếp, chấp nhận hiện thực và vượt qua thôi, đâu có sự lựa chọn nào khác. Em dùng chân giả 12 năm rồi, vài năm thay 1 lần, mỗi lần chi phí cũng vài triệu, nên giờ em chỉ có ước mong là đi làm chăm chỉ, kiếm tiền mua chân mới thiệt xịn".

Làm việc cật lực để có tiền mua chân "xịn"

Tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Thanh Hoá, Trinh được người thân giúp đỡ đưa vào thành phố Hồ Chí Minh, giúp đỡ xin việc làm cho. Cô gái trẻ hiện đã có công việc ổn định tại một bệnh viện lớn tại quận Thủ Đức. Một thân một mình thuê trọ ở gần chỗ làm, với thu nhập khoảng 5 triệu/ tháng, đủ xoay sở chi phí sinh hoạt, cô cũng cố gắng tiết kiệm để biến ước mơ mua chân giả thành hiện thực.

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 4.

Hiện tại, Trinh đang là nhân viên phòng bảo hiểm tại một bệnh viện ở Thủ Đức (TP. HCM)

Nhà trọ gần chỗ làm nên Trinh có thể đi bộ đi làm. Từ 6h30 sáng, cô bắt đầu công việc đến 22h đêm mới trở về nhà, cứ thế một ngày làm, một ngày nghỉ xen kẽ nhau. Những hôm nghỉ làm ở bệnh viện, Trinh tranh thủ bán hàng online để kiếm thêm tiền trang trải, nhờ bạn bè chở đi ship hàng. Loanh quanh cũng hết ngày, nên cuộc sống của cô gái một chân luôn giản dị như vậy thôi.

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 5.

Công việc hàng ngày của cô là tiếp đón bệnh nhân, giúp đỡ họ làm thủ tục.

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 6.

Trinh thân thiện với tất cả mọi người, nụ cười của cô khiến người khác cũng lạc quan theo.

Các bệnh nhân và đồng nghiệp ở bệnh viện, ai cũng nở nụ cười khi nghe nhắc đến Trinh. Điều dưỡng viên Lê Thị Huyền Trang chia sẻ: "Trinh là người hòa đồng, lúc nào cũng nhã nhặn dịu dàng với mọi người. Làm việc thì chăm chỉ. Nhiều lần tôi cũng hỏi thăm chân chị thế nào, Trinh toàn bảo không thấy đau, không buồn, và không muốn bị ai thương hại. Chị ấy rất mạnh mẽ và có nghị lực đáng khâm phục".

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 7.

Khi đi làm, Trinh lắp chân giả để đi lại cho thuận tiện, còn ở nhà thì dùng nạng.

Dù ngoại hình có khiếm khuyết, nhưng tâm hồn trong sáng và lạc quan của cô gái trẻ đã lan tỏa cảm hứng đến những người quanh cô, những người biết câu chuyện của cô. Hẳn nhiên, cũng có những nỗi buồn, sự thiệt thòi trong cô. Trinh ngậm ngùi kể, cách đây hơn 1 năm, vì chuyện chỉ có một chân ấy mà Trinh phải chia tay mối tình sâu đậm, tưởng như sắp cưới tới nơi. Giờ thì người ta đã có vợ, còn Trinh vẫn cô đơn một mình một bóng, với chiếc chân cụt đi về trong căn nhà trọ mỗi tối.

Trinh khoe, cô dự định sẽ học tiếp lên cao để có thể kiếm nhiều tiền hơn, được đi du lịch thật nhiều nơi, khám phá nhiều vùng đất, nhiều món ăn mới. Nhưng quan trọng hơn cả, cô mong mình sẽ đủ tiền mua được chiếc chân thật "xịn". Chiếc chân ấy cỡ đâu 100 - 200 triệu, mà Trinh chỉ mới tiết kiệm được ít thôi, nên "em còn phải nỗ lực nhiều lắm, chắc gấp trăm, gấp nghìn lần người lành lặn", Trinh cười buồn bảo thế...

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 8.

Tuy nhiên, chiếc chân giả không thể hỗ trợ đi đường dài, đi lâu sẽ bị đau.

Một ngày của cô gái một chân: Làm việc hết mình để có tiền mua chân xịn - Ảnh 9.

Bởi vậy, ước mong lớn nhất trong đời của Trinh là có một chiêc chân giả thật "xịn".

Chia sẻ